ClockThứ Năm, 01/09/2011 13:31

Xưởng giấy của họa sĩ Phan Hải Bằng

TTH - 11 năm đeo đuổi giấy như một cái nợ, họa sĩ Phan Hải Bằng, giảng viên Bộ môn Đồ họa, Trường đại học Nghệ thuật (Đại học Huế) đã làm nên những loại giấy và những tác phẩm tranh bằng giấy mộc mạc mà cuốn hút...

“Như một cái nợ...”, đó là cách nói của Bằng về chuyện anh cứ mãi đeo đuổi với giấy. “Nó đã theo mình đúng 11 năm kể từ 2000 tới nay. Đó không chỉ là chuyện thiếu tiền mà còn là thiếu đủ thứ khác, chẳng hạn như một cái xưởng để làm giấy. Rồi thời tiết không ủng hộ cho việc phơi nguyên liệu... Và khó nhất là tìm được cơ hội đi thực tế để hiểu cách người ta làm giấy.

Mãi tới năm 2007, khi tìm được một học bổng của Quỹ Học bổng châu Á (Asianscholarship Foundation - ASF) do Quỹ Ford bảo trợ, Bằng mới có một chuyến điền dã, nghiên cứu ở Thái Lan trong một dự án nghiên cứu về giấy thủ công châu Á. Sau 7 tháng “lăn” ra làm ở các xưởng giấy tại các làng quê Thái Lan Bằng thấy mình “mê muội” giấy. Năm 2011, khi Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế tạo điều kiện cho một căn phòng làm xưởng, giấc mơ về một xưởng giấy của Bằng mới thành hiện thực.
 
Trường đại học đầu tiên ở Việt Nam có xưởng giấy
 
Đã có nhiều người làm tác phẩm trên giấy chứ không phải chỉ mình Bằng; tuy nhiên chuyện lọ mọ nghiên cứu giấy, làm giấy để phục vụ cho tác phẩm của mình thì chỉ có Phan Hải Bằng. Vậy mà khi nói về công trình nghiên cứu giấy mà anh đã miệt mài theo đuổi suốt hơn 10 năm qua, Bằng nói nhẹ như không: “Mình không ấp ủ gì, chỉ cố gắng làm một triển lãm chuyên đề về tác phẩm trên giấy vào đầu tháng 9 tới - coi như là một kết quả thấy được của báo cáo nghiên cứu. Thực ra, hồi trước thì cũng đao to búa lớn thiệt nhưng giờ thì không ấp ủ nữa vì việc xin được một dự án của thành phố là ngoài tầm tay và mình cũng không có thời gian. Trước mắt mình đã làm đề án xin trường làm một xưởng giấy ở trường”.
 
Phan Hải Bằng say mê bên những tác phẩm tranh bằng giấy của mình
 
Với xưởng giấy này, Trường đại học Nghệ thuật Huế trở thành trường đầu tiên ở Việt Nam có một xưởng giấy. “Điều này cũng đồng nghĩa với việc trường sẽ có thêm một phần học và xưởng giấy sẽ trở thành xưởng thực hành phục vụ việc học tập của sinh viên. “Chí ít thì phần học này sẽ nhắc cho sinh viên biết kỹ thuật, quy trình làm giấy truyền thống không chỉ của Việt Nam mà cả vùng Đông Nam Á. Hơn nữa, một khi sinh viên mỹ thuật tiếp cận được với kỹ thuật, quy trình làm giấy thì chắc chắn sẽ có ý tưởng của riêng mình. Đó là điều mà mình muốn làm cho trường”, Phan Hải Bằng chia sẻ.
 
Hai trong số một serie tranh giấy mang chủ đề chủ đề “Ngẫu” với hình tượng hoa sen và nhũ hoa của Phan Hải Bằng
 
Bằng chỉ cho tôi xem những loại giấy độc đáo vẫn còn nguyên xơ sợi với độ dày, xốp khác nhau được làm bằng bất cứ chất liệu gì từ tre, rơm, chuối, mía, bèo, cỏ tranh đến rác, thậm chí là giẻ nữa... Khác với những tờ giấy làm sẵn với khuôn mẫu cố định, cách chủ động làm giấy của Bằng giúp anh có thể làm giấy với bất kỳ loại khổ, độ dày hay chất mặt nào mà anh mong muốn. “Nghĩa là, tất cả đặc tính của giấy đều có thể chủ động được và đó là một độc đáo của một bức tranh đồ họa. Tôi hy vọng là với loại giấy này, giá trị của tác phẩm được nâng lên. Với ngành đồ họa nói chung, mỹ thuật nói riêng, giấy đã quyết định đến 50% thành công. Các sinh viên trẻ hơn sẽ nghĩ ra nhiều ý tưởng sáng tạo hơn nữa.
 
Ước mơ về một làng giấy...
 
Trong câu chuyện Bằng kể, có một điều mà anh trăn trở là dựng được một làng giấy. “Mình rất muốn chuyển giao công nghệ làm giấy này cho làng Sình”, Bằng nói. “Tranh làng Sình trước vốn rất rẻ, giờ đắt lên nhờ có những tour du lịch trong các kỳ festival nhưng nếu như làm thêm được giấy nữa thì giá trị tranh làng Sình sẽ khác. Nếu du khách được tận mắt nhìn thấy các công đoạn làm giấy rồi in tranh trên giấy đó thì rõ ràng giá trị bức tranh sẽ được nâng lên, du khách đến xem sẽ rất thích thú. Các sinh viên nếu được đi thực tế như vậy, rồi trẻ con lâu nay chỉ đọc sách vở giờ được cho xem... sẽ là điều vô cùng thú vị. Nó không chỉ là chuyện làm giấy mà còn là việc quay về với giá trị cổ xưa... Hơn nữa, dưới đó rơm, rác, chuối, tre rất nhiều, dân đông lại có nhiều thời gian nhàn rỗi. Sự thu hút của làng Sình vì thế sẽ nhiều hơn bây giờ với hoa giấy Thanh Tiên. Mình nghĩ, đây cũng là hiệu ứng xã hội mà đề tài nghiên cứu của mình hướng tới”. 
 
Một ứng dụng trên giấy của Phan Hải Bằng
 
Về những làng thủ công mỹ nghệ làm giấy ở Thái Lan xuất đi nước ngoài, Bằng trăn trở: “Người ta vẫn giữ được nghề truyền thống một cách hiệu quả và làm giàu từ nghề truyền thống đó, trong khi ở mình nghề làm giấy đã mai một, ngay cả ở Bắc Ninh cũng chỉ còn vài nhà làm. Đây là một điều vô cùng đáng tiếc! Và chính bởi “sự đáng tiếc” này, Bằng rất muốn phục dựng làng giấy nhưng “việc đó quá sức mình, - Bằng thừa nhận, mình không chuyên tâm về chuyện giấy, không làm giấy mà làm tranh bằng giấy. Nhưng nếu có sự hỗ trợ về kinh phí để dựng làng giấy và đào luyện cho những người làm giấy, mình sẵn sàng chuyển giao cho họ làm”, Bằng hào hứng. bằng giấy của anh.
 
Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam

TIN MỚI

Return to top