ClockThứ Sáu, 03/07/2015 16:31

“Xưởng & mặt hàng” đặc biệt

TTH - Tôi vẫn nhớ cảm giác ngỡ ngàng của mình khi nghe bác sĩ Phạm Như Hiệp – Phó Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa (bây giờ là PGS-TS, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế) - nói rằng, sau mổ nội soi, anh và các đồng nghiệp của mình đang rất tích cực để triển khai một số “mặt hàng” mới, nhằm can thiệp một cách tích cực và cải thiện hiệu quả sức khỏe của bệnh nhân dựa trên những ứng dụng mới khi đưa thiết bị hiện đại vào khám, chữa bệnh. Có lẽ, sự tự tin và cách nhắc đi nhắc lại danh từ ấy của Hiệp đã trấn an tôi rằng, chắc hẳn đó là một cách gọi khác của những người mặc áo blu trắng. Nhưng dẫu không nói ra, tôi vẫn cảm thấy nhoi nhói khi cứ tự hỏi, đây là bệnh tật, là con người, sao lại gọi là mặt hàng?

16 năm đã trôi qua kể từ năm ấy. Bây giờ, Hiệp vẫn nụ cười ấy mỗi lần gặp lại và bệnh viện của anh giờ đã trở thành một trong những nơi khám chữa bệnh có uy tín cả trong và ngoài nước Từ những bước đi ban đầu về mổ nội soi, nhiều “đơn hàng” đã được đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện thành công. Trong đó có những cas khó như thụ tinh trong ống nghiệm, ghép thận, ghép tim, ghép tế bào gốc hỗ trợ điều trị ung thư buồng trứng, ghép giác mạc, điều trị ung thư đa mô thức…

Trong buổi làm việc cách đây mấy hôm với Bệnh viện Trường đại học Y dược (thuộc Trường đại học Y dược Huế), bên cạnh những ghi nhận về sự trưởng thành vượt bậc của trường khi bắt đầu mọi thứ từ con số 0 và gần 0 (không kinh phí nhà nước đầu tư, hạ tầng cơ sở yếu kém; trang thiết bị còn nghèo nàn và lạc hậu...) giờ đã trở thành bệnh viện công lập hạng I và xuất sắc toàn diện; có trình độ chuyên môn cao, mỗi năm điều trị trên 430 ngàn lượt người bệnh đến từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, có cả người nước ngoài; hiện là đơn vị đi đầu trong việc điều trị bằng dao Gamma và có hệ thống nội soi hiện đại trong chẩn đoán và điều trị các bệnh về đường tiêu hóa như kỹ thuật cắt niêm mạc điều trị ung thư sớm…điều làm tôi thực sự chú ý khi BS Trần Hữu Dàng cho hay, bệnh viện đã trở thành một “xưởng” thực hành lớn cho mười mấy ngàn sinh viên ở nhiều niên khóa cũng như các lớp chuyên khoa, các lớp đào tạo sau đại học…Trong thời gian thực hành tại bệnh viện – xưởng, các sinh viên, học viên đã cùng với thầy cô của họ đồng thời cũng là các bác sĩ cơ hữu của trường thăm, khám bệnh và lắng nghe, tìm hiểu về các căn bệnh cũng như các phương pháp điều trị. Tại đây, các sinh viên trường y được tiếp cận và tác nghiệp trên máy móc hiện đại – điều không phải được thực hành ở bất cứ bệnh viện trường nào.

Điều mà đội ngũ giảng viên và lãnh đạo bệnh viện mong muốn ở mô hình bệnh viện trường là sinh viên của mình được học tập, nghiên cứu và thực hành ở những điều kiện tốt nhất có thể có. Nhưng cơ bản và quan trọng hơn là các bác sĩ – thầy giáo đã truyền cho các sinh viên, học viên của mình không chỉ một tinh thần học tập mà còn là trách nhiệm và tình thương trong chăm sóc, điều trị. Nhiều sinh viên của trường đã từ bài học ở giảng đường đến những buổi thực hành ở xưởng trường giờ đã trở thành bác sĩ ở nhiều nơi trên mọi miền đất nước. Nhiều người trong số họ còn là những trụ cột của các bệnh viện lớn ở nhiều chuyên khoa…

“Tâm niệm của chúng tôi là tiếp cận bệnh viện từ người nghèo. Đa phần xuất thân của anh em là từ nông thôn nên chúng tôi rất hiểu điều gì sẽ xảy ra khi gia đình có người mắc bệnh, nhất là bệnh trọng…”. Chia sẻ của GS-TS Cao Ngọc Thành, Hiệu Trưởng Trường đại học Y dược Huế - Giám đốc Bệnh viện ở cuối buổi làm việc đã cho chúng tôi tin về một hình thức “xưởng” đặc biệt và những “mặt hàng” đặc biệt trong nỗ lực cứu người của những người mặc áo blu trắng - những người có bàn tay vàng và trái tim nóng…

Hạ Nhi
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top