ClockThứ Năm, 12/07/2012 10:48

Ý đợi người *

TTH - Bắt nguồn từ văn hóa, trong tâm thức mỗi người Việt bao giờ cũng tồn tại ý niệm về ngôi nhà. Khởi đầu từ những vách đá, hang hốc cho đến khi biết chặt cây đốn cành gầy dựng nơi ở, con người ta luôn có ý định che chắn về nơi ăn chốn ở của mình. Điều kiện tự nhiên cùng khí hậu khắc nghiệt sinh ra sự thích nghi này. Khác với dân du mục thảo nguyên đầy nắng gió bình yên và khoảng không phóng khoáng, người Việt luôn ấp ủ chắt chiu vun đắp cho căn nhà.

Rồi thời gian, rồi bao sự biến thiên diễn ra. Từ hang đá hốc cây qua những căn nhà ba gian mái lá đến những tòa cao ốc ngất ngưởng, con người Việt mình vẫn cứ mang nặng trong lòng ý tưởng “an cư” mới “lập nghiệp”. Vì vậy mà căn nhà luôn thân thiết trong mỗi trái tim. Chữ “quê” luôn gắn với “nhà”, nghĩa là có nơi để về thì cũng có luôn nơi để ở. Thành thói quen.

 

Nên chi đã là người lớn lên một nơi nào đó, khi ra đi thường mang theo cảm giác mong ngóng ngày trở về. Dẫu chỉ một lúc thôi cũng được. Về lại để nhìn ngắm đôi chút quá khứ, có thể là vài bước chân sáo trên con đường thủơ ấu thơ, vài gốc cây ăn trái vặt vãnh trong vườn đưa lại hương vị chua chua ngọt ngọt làm quắt quay cả một trời hoài niệm. Về lại cũng có ý nhìn ra ngõ, coi bóng dáng ai xưa có còn tha thướt dáng kiều.

 

Nói đến chuyện nhìn ra ngõ, thì nhớ da diết làm sao mấy cái cổng trong đời. Cổng nhà khi xưa còn ở chốn quê đơn giản lắm. Nhà neo người, chỉ hai bà cháu ở với nhau nên phần việc của cháu mỗi tối trước khi đi ngủ là ra kéo bụi “nè” chuồm cái ngõ lại. Cửa ngõ được định hình bởi hai bụi bông dâm bụt trồng hai bên. Bà già và con trẻ, không đủ sức đóng cho ra khung cổng có hình, đành kiếm một đọt tre thật to chỉa nhiều cành nhỏ xồm xoàm lên đem phơi khô vài bữa rồi rũ sạch lá, vậy là có cái cổng che chắn đêm hôm lỡ có bước chân ai “nghịch tặc” táy máy vô rỡ thứ chi trong vườn. Đơn giản vậy thôi mà cánh cổng kia đủ sức che chắn cho bà những năm cuối đời, khu vườn hàng lối thẳng tắp sớm sớm cây trái trổ bông đủ cho bà mang ra chợ đầu làng đắp đổi một quãng đời hai bà cháu.

 

Bà mất. Cháu lên thành thị theo bố mẹ. Bố mẹ dân công chức nhà nước những năm đầu sau thời kỳ hậu chiến nên cánh cổng nhà cũng là cánh cổng chung của cả khu tập thể. Khung sắt rộng dài tự nhiên thành chiếc đu cho lũ trẻ lốn nhốn bu quanh mỗi chiều. Những căn hộ tập thể thẳng hàng khiến tất cả vô tình quay mặt ra cánh cổng. Cũng từ nơi ấy, ám ảnh trong cái nhìn của đứa bé con là những chiếc đòn gánh trĩu nặng của những người bà con ở quê thình lình xuất hiện vào tầm mỗi chiều tối. Thời ấy, mối liên hệ của những người thành phố với người quê mình sao mà gắn bó. Mỗi ai ở thành phố ngoài những mối quan hệ ruột thịt đều có một chùm dây thân quen ở quê. Thành thử những khi có việc vào thành phố khám bệnh, đi thi, đi xin việc, thậm chí với cả những người đàn bà buôn chuyến… thì nhà người thành phố nghiễm nhiên thành chỗ trú chân của họ. Mà người quê thì cứ thay nhau vào. Nên cứ chiều chiều, tôi thường thấy mẹ tôi nhìn ra cánh cổng, xem thử trong bóng người lù lù hiện ra, có ai là ở quê mình. Cho tận mãi bây giờ, ám ảnh về cánh cổng nơi này là những bóng người quê ở đâu hiện đến và lầm lũi đi vào những căn phòng tập thể bé tí hin với nhiều cái giật thột thảng thốt của mẹ.

 

Dâu bể cuối cùng cũng chia cánh cổng khu tập thể đó thành nhiều cái cổng nhà khác nhau cho mỗi căn hộ trong khu tập thể. Những cánh cửa sắt bé nhỏ khép mở vội vàng thu vén cái riêng tư khiến cho người thành phố bỗng vời vợi như thể ngăn sông cách đò. Mỗi lần đi qua ngôi nhà có cổng sắt chừa vài ô vuông, tôi thường thấy có cụ ông bắc ghế ngồi sau, đôi mắt nhìn ra phía bờ sông ưu tư vời vợi. Cô cháu gái giải thích: ông bị lẫn, mở cổng cho ông ra ngoài lại sợ ông quên khóa, nhỡ đâu người xấu lẻn vào. Cánh cổng đâu lớn lao gì mà sao vẫn chứa đựng cả một khung trời cách biệt con người ta?

 

Đôi khi cuộc sống quay nhanh quá, người ta quên mất hồn vía những thứ đang tồn tại xung quanh mình mà đâu biết mỗi cánh cổng cũng có một đời sống riêng tư. Như hôm nọ đến nhà một người quen cũ lâu ngày không gặp lại, bước xuống xe thấy hai cái biển số nhà, một mới một cũ. Cái mới nằm tươi tắn, cái cũ ngó hiền lành. Người bạn ra đón mỉm cười nhìn cái biển cũ mòn mỏi lớp bụi phủ bóng thời gian và nói khẽ khàng: “cổng cũ rêu phong ý đợi người…”.

 

Đông Hà

 

*: Lời bài hát “Em mãi là hai mươi tuổi” của Khúc Dương.

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Return to top