ClockThứ Tư, 09/03/2016 09:53

Ý kiến trái chiều về đào tạo chung nguồn Thẩm phán và Luật sư

Đa số ý kiến trong Uỷ ban Tư pháp không tán thành với quy định về giao nhiệm vụ đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư.

Do còn những vấn đề chưa rõ, Uỷ ban Thường vụ Quốc quyết định chưa thông qua dự thảo Pháp lệnh về đào tạo một số chức danh tư pháp; đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm việc kỹ với các cơ quan liên quan và chuyên gia để trả lời thấu đáo, cụ thể tại phiên họp 47.

Khó khăn trong tuyển sinh và sử dụng sau đào tạo?

Pháp lệnh về đào tạo một số chức danh tư pháp vừa trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định mô hình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư bên cạnh việc mô hình đào tạo riêng từng chức danh theo đề xuất của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, tiếp thu ý kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp 41, Chính phủ đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh theo hướng không quy định chỉ giao nhiệm vụ đào tạo chung cho cơ sở đào tạo thuộc Bộ Tư pháp (Học viện Tư pháp) thực hiện, mà quy định cụ thể các điều kiện tổ chức đào tạo chung ba chức danh, cơ sở đào tạo nào đáp ứng đủ điều kiện thì người đứng đầu cơ quan chủ quản của cơ sở đào tạo đó xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, đa số ý kiến trong Uỷ ban không tán thành với quy định của Dự thảo Pháp lệnh về đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư vì cho rằng hiện nay đã có chủ trương cho các cơ sở đào tạo của TANDTC, VKSNDTC, Liên đoàn Luật sư Việt Nam được đào tạo nghề của ngành mình.

Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập các trường Đại học kiểm sát Hà Nội, Học viện Tòa án và sắp tới là Trường đào tạo nghề của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Trong Dự thảo Pháp lệnh cũng đã quy định các cơ sở này được đào tạo riêng các chức danh. Ngoài ra, nếu thành lập mô hình đào tạo chung cũng sẽ khó khăn trong việc tuyển sinh đầu vào và sử dụng học viên sau khi đã tốt nghiệp khóa đào tạo của Học viện tư pháp.

Một số ý kiến đồng ý với Dự thảo và cho rằng mô hình đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư đã được thực hiện tại nhiều nước trên thế giới như Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… và đã thu được những thành công nhất định.

Việc quy định đào tạo chung 3 chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư sẽ phục vụ cho nhu cầu luân chuyển, chuyển đổi vị trí công việc giữa các chức danh, đảm bảo chủ trương tăng cường tranh tụng trong xét xử. Loại ý kiến này cho rằng, nếu được thành lập cơ sở đào tạo chung nguồn 3 chức danh thì chỉ nên giao nhiệm vụ đào tạo cho Học viện Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp là cơ sở có kinh nghiệm nhiều năm đào tạo 3 chức danh và cơ sở vật chất bảo đảm.

Ý kiến khác cho rằng cần quy định cụ thể điều kiện đối với cơ sở đào tạo để được tiến hành hoạt động đào tạo chung (cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo…) và bất kỳ cơ sở đào tạo nào được quy định trong Pháp lệnh này nếu đáp ứng được các điều kiện nêu trên thì đều được tiến hành hoạt động đào tạo chung cho cả 3 chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư.

Hiểu nghề của nhau thì tranh tụng mới chất lượng

Nêu ý kiến tại phiên họp 46 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 8/3, ông Nguyễn Văn Thuân – Phó Chánh án TANDTC cho rằng Pháp lệnh chỉ nên điều chỉnh với Học viện Tư pháp và cơ sở đào tạo của Liên đoàn Luật sư vì điều chỉnh cả cơ sở đào tạo của Toà án và Viện Kiểm sát là không khả thi.

“Mỗi ngành đều có cơ sở đào tạo và chức danh đào tạo, người đứng đầu quyết định chương trình đào tạo thì không thể có một cái chung. Nếu nói về học viên thì người được đào tạo nguồn thẩm phán, kiểm sát viên phải qua quy trình rất chặt chẽ. Hiện đối tượng tuyển sinh phải có địa chỉ, chứ không phải thí sinh tự do, còn chuyện sau này đào tạo rộng hơn cho xã hội thì tính sau”, ông Thuân nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Văn Thuân – Phó Chánh án TANDTC

Cũng cho rằng đào tạo chung ba chức danh là khó khả thi, ông Trần Công Phàn – Phó Viện trưởng VKSNDTC cho biết, từ khi Đại học Kiểm sát được thành lập đã tạo sự chủ động về nguồn kiểm sát viên vì người được tuyển đã qua sàng lọc ở địa phương nên khi ra trường có thể phục vụ ngay.

“Với người trúng tuyển vào Đại học Kiểm sát sau đào tạo có bằng Đại học nhưng trong thời gian học có đào tạo nghề nên hướng tới sau khi tốt nghiệp vẫn thi vào công chức nhưng điều kiện bổ nhiệm kiểm sát viên là đủ. Hiện nay, chúng tôi đào tạo để phục vụ trong ngành”, ông Trần Công Phàn nói.

Khác với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng việc giao nhiệm vụ đào tạo chung cần cân nhắc ở nhiều khía cạnh khác nhau về mặt xã hội, kinh tế cũng như đòi hỏi của thực tiễn.

Theo ông Chiến, các nước có nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn khoa học là đào tạo chung đem lại lợi ích kinh tế xã hội, chất lượng công tác xét xử, điều tra, xác minh thu thập chứng cứ và hoạt động tranh tụng.

“Chất lượng tranh tụng xuất phát từ con người nên việc đào tạo chung để hiểu nghề của nhau, từ đó giúp cho nhau tốt hơn trong công việc, nâng cao chất lượng xét xử, đáp ứng yêu cầu bản án đạt đến chân lý, tránh oan sai”, ông Chiến nói.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng đồng tình với giải trình của Bộ Tư pháp rằng đào tạo nguồn thẩm phán, kiểm sát viên và luật sư chính là phục vụ làm nghề. Qua đào tạo chung vẫn đáp ứng được yêu cầu chọn lọc tiêu chuẩn riêng nên không có gì cản trở hay lãng phí. Bởi cùng được đào tạo, đủ điều kiện và chất lượng tốt thì tiếp nhận ngay cho ngành toà án, kiểm sát và luật sư.

Trước các ý kiến băn khoăn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu khẳng định, Pháp lệnh quy định chuẩn chung về đào tạo, hướng tới việc đảm bảo chất lượng đào tạo, tránh “trăm hoa đua nở” nhưng hoạt động đào tạo tản mác, ảnh hưởng chất lượng.

Ông Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, theo quy định sẽ có cả chương trình đào tạo riêng và đào tạo chung để lựa chọn ra làm nghề thẩm phán, kiểm sát viên hay luật sư. Cơ sở nào muốn đào tạo chung thì đăng ký, điều này không loại trừ mà tăng thêm lựa chọn.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ông Nhật cần đến luật sư để tìm hướng giải quyết dứt điểm

Mới đây, Báo Thừa Thiên Huế nhận được đơn của ông Lê Minh Nhật, nguyên là nhân viên Trung tâm Kỹ thuật - Công nghệ Thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Sở TN&MT (gọi tắt Trung tâm) phản ánh ông Nguyễn Tất Tùng, nguyên giám đốc Trung tâm (giai đoạn năm 2015 đến 2022) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra tình trạng mất đoàn kết trong đơn vị.

Ông Nhật cần đến luật sư để tìm hướng giải quyết dứt điểm

TIN MỚI

Return to top