ClockChủ Nhật, 07/12/2014 18:04

Thay khớp háng bằng kỹ thuật mới

TTH - Ngày 7-12, Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế cho biết, vừa triển khai thành công kỹ thuật thay lại khớp háng qua đường cắt mấu chuyển lớn xương đùi rộng rãi để lấy bỏ phần ximăng còn sót lại và thay lại khớp mới cho ông Nguyễn Công Luận, 70 tuổi. Ca mổ do GS. Aare Martson, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Đại học Tartu, Estonia và TS. Lê Nghi Thành Nhân, Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình - lồng ngực, Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế phối hợp tiến hành. Kíp gây mê do TS Nguyễn Văn Minh chủ trì.

Các bác sĩ tiến hành ca mổ

Ông Nguyễn Công Luận, trú ở phường Thuận Hoà, TP.Huế nhập viện trong tình trạng đau dữ dội do bị lỏng khớp nhân tạo. Sau khi nhập viện, các bác sĩ của bệnh viện đã làm xét nghiệm, kiểm tra và xác định nguyên nhân của tình trạng này là do nhiễm trùng sau khi thay khớp (ông Luận đã được thay khớp háng toàn phần cách đây 4 năm). “Chúng tôi đã tháo khớp ra, làm sạch ổ khớp và lấp đầy khoảng ảo (trong xương) bằng ximăng xương có trộn với kháng sinh. Sau khi tình trạng nhiễm trùng ổn định, bệnh nhân đã được mổ thay khớp háng lại qua đường cắt mấu chuyển lớn xương đùi rộng rãi vào ngày 20-11-2014. Đây là một kỹ thuật mới lần đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế”, TS.Lê Nghi Thành Nhân cho biết.

Theo TS.Nhân, kỹ thuật này không quá khó nhưng đòi hỏi phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm mới làm được. Ưu điểm của kỹ thuật mới là loại bỏ được hoàn toàn phần ximăng còn sót lại trong ống tuỷ, do vậy sẽ loại bỏ nguy cơ nhiễm trùng tái phát. Một ưu điểm nữa là, mảnh xương sau được mổ lấy rời ra vẫn được nuôi dưỡng tốt do các cơ xung quanh xương vẫn bám trên mảnh xương nên sự liền xương sau mổ sẽ tốt hơn so với kỹ thuật cũ. “Trước đây, với những trường hợp như vậy chúng tôi chỉ mở một cửa sổ nhỏ ở thân xương để lấy bỏ ximăng còn dính lại trong lòng tuỷ, tuy nhiên cách làm này khó lấy hết hoàn toàn phần ximăng còn sót lại trong ống tuỷ, vì thế có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng tái phát”, TS.Nhân nói. Ngoài ra, kỹ thuật này còn giúp lấy bỏ phần chuôi xương đùi của khớp nhân tạo trong một số trường hợp đặc biệt khó tháo cấu phần này vì gãy chuôi, cấu tạo chuôi theo kiểu cũ quá xù xì nên bám vào xương quá vững không thể đóng ngược ra lại được… Do đó, đây là kỹ thuật có nhiều ưu điểm dành cho những ca thay lại khớp háng khó ở cấu phần xương đùi. 

Bệnh nhân Nguyễn Công Luận đã có thể chống nạng đi lại bình thường

Sau ca mổ 5 ngày, ông Nguyễn Công Luận đã có thể đi lại bằng nạng và đạp nhẹ trên chân mổ. Đến nay, ông Luận đã hoàn toàn ổn định và sẽ được xuất viện trong vài ngày tới. Thành công trong việc triển khai kỹ thuật này cho bệnh nhân đầu tiên chính là kinh nghiệm quý để Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế tiếp tục áp dụng kỹ thuật mới này trong việc điều trị cho bệnh nhân trong thời gian tới.

Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện

Ngày 24/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế tổ chức lễ ra viện cho bệnh nhân (BN) Phạm Q.T.. Đây là trường hợp ghép tim thứ 11 và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 10 tại đơn vị.

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện
Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

Sáng 20/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin đang tiếp nhận điều trị một nam bệnh nhân bị sốt rét tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Đây là trường hợp sốt rét ngoại lai thứ hai tại địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

TIN MỚI

Return to top