ClockThứ Bảy, 22/06/2013 07:16

Ý tưởng cũ, kiến nghị mới

TTH - Hội nghị Tỉnh uỷ lần thứ 4, (Khoá XIV) đã thông qua Nghị quyết về: Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hoá, du lịch, khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế nêu trên là định hướng chiến lược, quyết tâm chính trị của cấp có thẩm quyền. Là người dân Huế, tôi cũng luôn trăn trở, mình phải làm gì để góp phần nhỏ bé, làm cho Huế thêm đẹp, thêm tươi. Có dịp đi một số nơi, khi bàn đến chuyện xây dựng thành phố quê hương thì hầu như tất cả mọi người không phân biệt đẳng cấp, thành phần, khi tham gia đàm đạo đều thấm nhuần, hưởng ứng.

 

Một cảnh đeo bám khách du lịch tại cửa Thượng Tứ. Ảnh: Võ Nhân

Đôi lúc tôi tự hỏi, tại sao người dân của họ đồng tâm hiệp lực, nhất hô vạn ứng, chính quyền và nhân dân đồng thuận, chung tay chung sức xây dựng quê hương? Và có phải Huế vốn dĩ là Kinh đô của cả nước, và hiện nay là trung tâm giáo dục, y tế của vùng, rồi theo dòng lịch sử dân cư từ khắp nơi trong nước đổ về, nơi đây là miền đất hội tụ nhân tài, trí lực hơn hẳn một số địa phương, nhưng có gì đó Huế chưa tạo được phong trào toàn dân chung sức, tham gia xây dựng thành phố quê hương như nhiều nơi đã làm được.

Xây dựng thành phố Huế đạt được mục tiêu trên là công việc quá lớn lao, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và toàn dân phải xắn tay vào cuộc, tập trung trí lực, đồng thuận quyết tâm; từ mục tiêu chiến lược đến mục tiêu cụ thể; chuyển từ trong nhận thức của từng cán bộ, đảng viên, rồi tuyên truyền quảng bá, vận động thuyết phục, hành sự nêu gương, sao cho thấm nhuần trong ý thức đến tận người dân, tạo thành phong trào toàn dân xây dựng quê hương. Qua mắt thấy tai nghe, học tập cái hay, cái được của người, tôi mạnh dạn kiến nghị đôi điều, những mong có người quan tâm cùng đàm luận.

Huế phải thực hiện một số chữ không

* Không xả rác ở công viên

Hiện nay bắt đầu vào mùa hè, kết thúc năm học, sinh viên, học sinh thường tụ tập hát hò, vui chơi ở các công viên, sau đó xả rác bừa bãi, thiếu vẻ mỹ quan, đề nghị cấp có thẩm quyền động viên Hội Sinh viên Đại học Huế đảm trách việc này, có thể thành lập đội cờ đỏ của sinh viên, phân công đảm trách trật tự ở các công viên, để giữ vệ sinh, đồng thời bảo đảm an ninh cho du khách, cũng như người dân an tâm dạo chơi, nếu được như vậy là thiết thực và hữu ích hơn nhiều. Nên chuyển công tác tham gia giữ gìn trật tự giao thông đường phố của sinh viên sang đảm trách việc này.

Không có người ăn xin.

Du khách đến viếng đài Quán Thế Âm ở Cầu Tuần, là du sơn, ngoạn thủy, nhưng gặp quá nhiều người ăn xin, áo quần xộc xệch, dáng dấp làm ra vẻ tiều tụy, thiểu não cũng không khỏi chạnh lòng, không bố thí thì thấy ray rứt lương tâm, mà bố thí người này thì phát sinh người khác, áy náy vô cùng; mặt khác, thiếu mỹ quan cho một tụ điểm văn hóa, du lịch tâm linh, làm cho du khách hành hương cảm thấy thêm ưu phiền mà ngại quay trở lại; không phải chỉ ở đó mà cả khắp mọi nơi. Kiến nghị nên giao việc này cho Hội Người cao tuổi tỉnh đảm trách, phối hợp với các ngành có liên quan, quyết tâm làm một việc duy nhất cho tốt cũng đã có ý nghĩa lắm rồi.

Không đeo bám bán hàng rong

Đội ngũ này nằng nặc gọi mời, làm cho du khách vô cùng khó chịu, kiến nghị nên giao cho xã, phường, cảnh sát khu vực, công an viên khu phố, các tình nguyện viên và cả nhân viên các nhà hàng đảm trách. Còn việc mưu sinh của một số người nên tìm chỗ ngồi cố định, người cần ắt tìm đến.

Không phạt xe du lịch lần đầu đến Huế mà vi phạm lỗi nhỏ

Lực lượng tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông nên hướng dẫn cho du khách tận tình, ví dụ như do không quen nên đã đi vào đường cấm… Việc này kiến nghị cấp có thẩm quyền quán triệt cho lực lượng cảnh sát giao thông cũng như lực lượng tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông đảm trách.

Không có các “ổ gà, ổ trâu, ổ voi” trên các tuyến đường đến các điểm du lịch

Dù nghèo nhưng không đến nỗi không có vài xe hỗn hợp nhựa vá đường, ngành giao thông nên quan tâm để khỏi mang tiếng là thành phố đặc sắc về du lịch.

Bao nhiêu cái không khác sẽ tiếp tục hoặc đồng thời thực hiện, một lúc quá ôm đồm sẽ không kham nổi.

Một số kiến nghị khác

Festival nghệ thuật cũng như làng nghề nên định ngày âm lịch, gối đầu với Đại lễ Phật Đản

Không nói thì Huế vẫn là trung tâm Phật giáo lớn của cả nước, không khí lễ và hội Phật Đản được đại bộ phận nhân dân hưởng ứng, tham gia tích cực, các festival nên tiếp nối không khí đó, nếu Chính quyền có phát động phong trào gì trong đợt này như vệ sinh đường phố, nhà cửa; treo cờ, treo đèn, kết hoa, bận áo dài khi ra đường… sẽ được nhiều người dân hưởng ứng vì có gắn với yếu tố tâm linh.

* Xây dựng cồn Dã Viên thành điểm vui chơi, giải trí

Hiện tại ở đây cây cối che phủ, cỏ mọc um tùm, đang thiếu bàn tay săn sóc của con người nên rất hoang dã, nhưng đây là khu đất vàng. Nhất thiết phải kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, có tư vấn, thiết kế đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí, làm cho cảnh quan môi trường thêm đẹp, thu hút du khách đến lưu trú ở Huế lâu hơn.

* Mở một số quán nước đẹp trong công viên khu vực từ Phu Văn Lâu đến cầu Dã Viên

Hiện tại, khu vực này cây cối tốt tươi, xanh mát, nhưng vắng du khách bộ hành, thường thì cảnh phải có tình, nếu ở đây không có các điểm vui chơi, giải khát thì về đêm như hoang vắng, du khách không dám vãng lai.

* Nghiên cứu chỉ để đèn vàng cảnh báo ở một số nút giao thông, và cho quẹo phải thêm một số đường có thể

Có những giao lộ rất ít xe qua lại nhưng cũng đèn báo hiệu xanh, đỏ, vàng. Đề nghị nên để đèn vàng cảnh báo giảm tốc độ cũng đủ nhắc nhở tài xế các loại xe.

* Mở rộng đối tượng tham gia quy hoạch phát triển

Sở dĩ từ trước đến nay, khi thông qua các đề án xây dựng và phát triển đô thị Huế thường có mặt các nhà khoa học, chuyên môn và quản lý nhà nước về lĩnh vực liên quan, điều đó rất cần nhưng theo tôi là chưa đủ. Không ai hiểu ruộng đất bằng các “lão nông tri điền”, không ai biết mồ mả ông cha bằng các “trưởng lão” trong họ tộc; không ai hiểu lịch sử địa phương bằng các nhà “dư địa chí” quê hương, không ai nhanh nhạy phản ánh tiếng nói của người dân, đa chiều bằng các nhà báo, rồi địa chất, môi trường, tài nguyên nước… Có những người không có học hàm học vị, nhưng thiết tha yêu Huế và hiểu Huế rất sâu, cho nên cần phải có tiếng nói của đa thành phần trong quy hoạch và phát triển.

Thiển nghĩ, mọi phản biện xã hội liên quan tới quy hoạch và phát triển đô thị nên mở rộng thảo luận, phản biện và tham gia. Chính quyền chỉ thực hiện quy hoạch khi có sự đồng thuận cao thông qua kiến nghị đề xuất của Hội quy hoạch và phát triển.

Để làm tốt công tác phản biện xã hội mà đặc biệt là quy hoạch và phát triển trước hết, nên mở rộng đối tượng tham gia Hội quy hoạch và phát triển Thừa Thiên Huế, những ai yêu Huế, hiểu Huế, có chuyên môn trên các lĩnh vực dân sinh có thể nói lên những điều tâm huyết liên quan đến quy hoạch và phát triển như đã nêu trên thì mời họ tham gia vào Hội để có tiếng nói chung, cùng góp phần xây dựng thành phố thân yêu.

Mấy điều suy nghĩ, phác thảo như trên cũng chỉ là ý tưởng, mạo muội nói ra, mong những ai quan tâm cùng đàm thảo.

Hồ Tư
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top