Yêu cầu cấp dưỡng nuôi con và xác định tài sản riêng là không có cơ sở
TTH -
Sau khi Báo Thừa Thiên Huế (số 5094 ra ngày 21/4/2011) đề nghị Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao sớm giải quyết vụ án theo thẩm quyền đối với bà Lê Thị Hường yêu cầu xem xét theo trình tự giám đốc thẩm đối với Bản án phúc thẩm 03/2008/HNGĐ-PT ngày 9/6/2008 của TAND tỉnh xét xử vụ án tranh chấp hôn nhân và gia đình giữa bà và ông Nguyễn Đức Cư, cơ quan này nghiên cứu đơn của bà, các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và ban hành văn bản 142/HNGĐ-LĐ ngày 21/6/2011 trả lời đương sự.
Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi
Theo TAND Tối cao, quá trình chung sống, ông Nguyễn Đức Cư (nguyên đơn, tạm trú 127 Trần Phú, Trường An, Huế) và bà Lê Thị Hường (bị đơn, trú 69 An Dương Vương, phường An Đông, Huế) thừa nhận có ba con chung: Nguyễn Đức Tuấn (1991), Nguyễn Thị Quỳnh Nga (1994) và Nguyễn Thị Thu Hà (2002). Hai cháu đầu có lời khai xin ở với mẹ và cả hai ông, bà đều thống nhất giao các con cho mẹ nuôi. Trong thực tế, bà làm nghề uốn tóc tại nhà, còn chồng cũ không có nghề nghiệp, nên không có thu nhập (điều này được chính bà thừa nhận tại phiên tòa sơ thẩm của TAND TP Huế). Do đó, TAND cấp phúc thẩm căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của ông này và buộc phải cấp dưỡng nuôi con với mức 250.000 đồng/tháng/con là có căn cứ.
Nay, bà Lê Thị Hường khiếu nại yêu cầu ông Nguyễn Đức Cư phải cấp dưỡng nuôi con với mức 300.000 đồng/tháng/con, nhưng bà không đưa ra chứng cứ để chứng minh chồng trước đây có nghề nghiệp và thu nhập ổn định, nên không có cơ sở để TAND Tối cao chấp nhận. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, bà vẫn có quyền yêu cầu TAND thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con theo quy định tại khoản 2, điều 53 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000: “Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu TAND giải quyết”.
Do lấn chiếm nhà ở (bên phải) mà mẹ con bà Lê Thị Hường bị chính quyền TP Huế ra quyết định xử phạt