ClockThứ Hai, 23/11/2015 05:57

“Yêu” đèn xếp Huế

TTH - Với sản phẩm đèn xếp Huế xinh xắn và tinh tế, thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Trà, giảng viên Khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường đại học Nghệ thuật Huế vinh dự là tác giả duy nhất của Huế đạt giải thưởng Ngày phụ nữ sáng tạo năm 2015 và được nhận Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Nguyễn Thị Thanh Trà (đầu tiên, bên trái) hướng dẫn sinh viên cách làm đèn xếp Huế

“Đó là sự đan xen giữa cảm giác hạnh phúc tràn ngập, lòng biết ơn chân thành đến những người yêu thương xung quanh và một chút hãnh diện với chính bản thân khi mình mang lại niềm vui nho nhỏ cho những ai đã và đang giúp đỡ, đặt hy vọng ở mình”, Nguyễn Thị Thanh Trà nhớ lại.

Bốn tiêu chí Ban tổ chức đưa ra là tính mới của sản phẩm và giải pháp, hiệu quả kinh tế và xã hội, tính bền vững và nhân rộng sản phẩm và sự tác động đến các đối tượng hưởng lợi. Trong tổng số 120 tác phẩm của hơn 200 tác giả và nhóm tác giả từ 35 tỉnh/thành trong cả nước gửi về tham dự, không nhiều sản phẩm đáp ứng được cả 4 tiêu chí ấy và được trao giải năm nay. Chỉ có 31/200 sản phẩm sáng tạo của 18 tập thể và 13 cá nhân được Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trao giải và Nguyễn Thị Thanh Trà là tác giả nữ duy nhất của Huế vinh dự nhận được giải thưởng này.

Vẫn phát huy lối gấp truyền thống, các sản phẩm đèn xếp Huế mới của Thanh Trà kế thừa tính năng gấp gọn thu nhỏ khi vận chuyển cho dù kích thước đèn có tăng lên gấp đôi hay gấp ba lần. Những mô típ trang trí trên thân đèn được tác giả triển khai thêm nhiều mẫu mới và phần lớn đều hướng về tinh hoa mỹ thuật dân gian Việt thông qua nhiều nhóm tranh: làng Sình - Huế, Đông Hồ - Bắc Ninh, Hàng Trống - Hà Nội, và những hoạ tiết cách điệu văn hoá Huế qua hình tượng diều Huế hay phong cảnh Huế. “Lần này mình gửi nhóm nhiều sản phẩm đèn xếp Huế bao gồm nhiều mẫu mã và kích thước khác nhau để dự thi. Đó là minh chứng cho sự trưởng thành và phát triển sản phẩm đèn xếp Huế Tranh dân gian làng Sình - tác phẩm đầu tiên được giải Nhì tại cuộc thi thiết kế sản phẩm quà tặng hàng lưu niệm cho tỉnh Thừa Thiên Huế và giải Khuyến khích tại Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc”, Thanh Trà nói.

Để có được kết quả hôm nay, Trà không ngừng sáng tạo và thử nghiệm. “Mình mong muốn góp thêm một sản phẩm thủ công để quảng bá giới thiệu về Huế, góp phần vào thị trường hàng lưu niệm Huế vốn chưa thực sự nhiều và phong phú hấp dẫn với du khách và tạo nên hiệu ứng thúc đẩy sự đổi mới sản phẩm quà tặng, hàng lưu niệm, đặc biệt trên lĩnh vực thiết kế, tạo dáng. Sự động viên, khích lệ của nhiều tổ chức, đơn vị và cá nhân trong nước cũng như bạn bè ở nước ngoài chính là động lực để Trà theo đuổi quyết tâm. Hiện tại, mình đã lên kế hoạch tiếp tục cải tiến và đổi mới mẫu mã theo định kỳ để làm mới, làm đẹp và làm phong phú hơn cho sản phẩm đèn xếp Huế”, Thanh Trà cho hay.

Chia sẻ về những khó khăn mà phụ nữ làm nghiên cứu khoa học và sáng tạo gặp phải. Thanh Trà bảo, người phụ nữ luôn phải đối mặt với cuộc chạy đua thời gian và sức lực khi họ phải đảm nhận tốt thiên chức làm mẹ, bổn phận làm vợ trong gia đình và vai trò trong xã hội. Với những phụ nữ làm khoa học và nghiên cứu, thời gian để nghiền ngẫm, thử nghiệm tìm tòi lại càng quý giá hơn. “So với nam giới, phụ nữ làm khoa học và nghiên cứu chịu nhiều áp lực về thời gian khi quỹ thời gian cho gia đình chiếm phần lớn, Trà nói - Để vượt qua khó khăn đó, phải biết quản lý, sắp xếp mọi công việc một cách khoa học, hợp lý và nhờ sự hỗ trợ của bạn bè và người thân. Không ai có thể làm tất cả mọi việc một mình mà không cần đến sự hỗ trợ của người khác. Bản thân mình luôn đặt niềm tin và kêu gọi sự giúp đỡ từ gia đình và bạn bè khi cần thiết, đặc biệt là từ “bạn chồng”. Gọi như vậy vì “ông xã” cũng chính là bạn, người đồng nghiệp của mình. Nếu không có sự sát cánh, chia sẻ, hỗ trợ trong công việc và cuộc sống của người “bạn chồng” này thì mọi ý tưởng của mình khó có thể trở thành hiện thực. Với Trà, đây là một điều may mắn!”.

Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam

TIN MỚI

Return to top