ClockThứ Bảy, 09/09/2017 13:56

Yêu một Huế xưa cũ

TTH - Anh dẫn lời trong một bài hát mượt mà về Huế, đính kèm ảnh tường thành Đại Nội phong rêu cùng lời nhắn: “Muốn trở lại nơi này”. Niềm vui bỗng dưng lan nhẹ.

Lối vào Tả Trà (cung Diên Thọ, Đại Nội). Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh

Lời nhắn ấy đến từ một người bạn Sài Gòn của tôi thời đại học. Một người chẳng có chút “dây mơ rễ má” chi nhưng đắm đuối Huế vô cùng. Nhiều năm sau ra trường, chúng tôi chẳng còn mấy dịp gặp nhau nhưng lâu lâu anh lại gửi cho tấm hình “check – in” mình đang lênh đênh trên sông Hương, khi lại là khoảnh khắc trầm ngâm trước Thành Nội, thay lời chào muôn thủa. Anh tự nhận, mình là người hoài cổ. Và giữa nhịp sống xô bồ tấp nập, anh bị Huế quyến rũ bởi sự bình yên xưa cũ và sâu lắng không nơi nào có được.

Huế là cố đô duy nhất của Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình, với hệ thống thành quách, cung điện, đền đài, lăng tẩm. Tuy nhiên, các trận chiến ác liệt năm 1947, mùa Xuân năm 68… đã phá hủy hàng loạt công trình thuộc kinh thành Huế. Điện Cần Chánh và hàng loạt cung điện trong Tử Cấm Thành (Đại Nội) bị thiêu rụi. Những khu vực lăng tẩm, hoặc nằm trong khu vực tranh chấp, hoặc là rơi vào khu vực thiếu an ninh nên bị huỷ hoại hoặc lãng quên trong bom đạn.

Sau chiến tranh, toàn bộ khu vực Tử Cấm Thành gần như bị xoá sổ. Hoàng Thành chỉ còn lại 62 công trình so với 136 công trình kiến trúc lúc nguyên thuỷ. Toàn bộ quần thể di tích Cố đô Huế sau chiến tranh còn khoảng 300 công trình lớn nhỏ, hầu hết đều bị hư hỏng ở những mức độ khác nhau. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước và sự chung tay của bạn bè quốc tế, di sản văn hóa Huế vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp, từng bước được hồi sinh với diện mạo ban đầu của một Cố đô lịch sử, đồng thời, trở thành thế mạnh du lịch của Thừa Thiên Huế và khu vực.

Giữa nhiều “thiên đường” du lịch trong nước và cả khu vực miền Trung, đôi lúc Huế bị “luốt” đi trong suy nghĩ của nhiều người khi họ nghĩ rằng Huế chẳng có gì mới ngoài những công trình di tích hàng trăm năm tuổi, ngoài nhịp sống chầm chậm mang vẻ trầm buồn. Thực tế, “thiên đường” của Huế không giống như những nơi khác. Huế là “Di sản trong di sản”. Nhà Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng và cũng là triều đại thống nhất lớn nhất từ xưa đến nay của Việt Nam. Di sản văn hóa của triều đại ấy để lại là sự kế thừa, kết tinh và nâng cao các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam bao đời.

Ngay cả trên thế giới, cũng hiếm có một triều đại nào có đến 5 di sản văn hóa ở cả ba loại hình được UNESCO và các tổ chức thuộc UNESCO công nhận, gồm: Di sản văn hóa vật thể, Di sản văn hóa phi vật thể và Di sản tư liệu. Hơn nữa, trong bản thân mỗi công trình di tích của di sản văn hóa Huế không chỉ đơn thuần chứa đựng một giá trị vật thể kiến trúc cung đình, mà còn hàm chứa nhiều giá trị văn hóa phi vật thể liên quan. Và chính vì muốn chuyển tải sinh động những thông điệp văn hóa phi vật thể ấy, Thừa Thiên Huế đã mở cửa Đại Nội về đêm đón khách, mở nhiều dịch vụ du lịch và tổ chức nhiều triển lãm, trưng bày tư liệu tại khu di sản văn hóa Huế.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế, lượng khách đến với khu di sản Huế nhiều năm qua vẫn tăng với tốc độ ổn định. Doanh thu trực tiếp từ vé tham quan từ năm 1996 đến năm 2016 đạt hơn 1.536 tỷ đồng, riêng doanh thu từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 100 tỷ đồng. Trong tháng 8 đầu năm 2017, khu di sản Huế đã đón khoảng 2,5 triệu lượt khách (với gần 1,2 triệu lượt khách quốc tế), đạt doanh thu xấp xỉ 224 tỷ đồng. Tuy chỉ tiêu được giao thu 260 tỷ đồng trong, nhưng Trung tâm BTDTCĐ Huế phấn đấu thu đạt 300 tỷ đồng trong năm 2017. Đây là mức thu mà trước đó, Thừa Thiên Huế dự kiến có thể đạt được từ khu di sản Huế vào năm 2020.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế lạc quan: “Trong giai đoạn người người đang phải bận lòng với nỗi lo cơm áo gạo tiền và nhiều bạn trẻ đang mải mê với những giá trị mới, du lịch Huế với thế mạnh về văn hóa di sản có thể phát triển chậm hơn một chút. Nhưng nếu chúng ta bảo vệ được di sản văn hóa Huế thì chắc chắn đến một lúc nào đó, người ta sẽ thấy được đầy đủ giá trị hiếm có của nó. Đó là nền tảng quan trọng để du lịch Huế phát triển lâu dài, bền vững”.

Trong nỗi niềm “Đừng phụ bạc di sản Huế” đã đăng trên Báo Thừa Thiên Huế, tác giả Diên Thống nhận định: “Di tích và những giá trị văn hóa đã làm tốt vai trò "hút khách" đến với Huế. Tăng thêm tính hấp dẫn để giữ chân khách, để tạo sức lan tỏa và thu hút du khách nhiều hơn, ấy là cái tài của nhà quản lý, của những doanh nghiệp du lịch”. Xin chia sẻ như một niềm mong. Để Huế tuy là Huế cổ kính, bình yên nhưng vẫn hấp dẫn được ngày càng nhiều du khách hoài cổ như anh bạn yêu Huế của tôi.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa tình yêu Huế xưa

Nhìn thấy được sức mạnh của mạng xã hội, Đào Hữu Quý thử thách bản thân bằng việc trở thành “nhà sáng tạo nội dung” (content creator), “nhồi nặn” sức hút của vẻ đẹp truyền thống Huế thành những video về văn hóa Huế… đăng lên mạng xã hội, khởi đầu là các món ăn độc lạ của Cố đô.

Lan tỏa tình yêu Huế xưa
Tái sinh hình hài của Huế xưa

Ngày 2 tháng 5 năm Nhâm Tuất (23/6/1802), vua Gia Long lên ngôi, sáng lập vương triều Nguyễn, chọn Huế là Kinh đô, chấm dứt 2,5 thế kỷ đất nước bị chia cắt bởi các cuộc chiến phân tranh. Từ đây, xứ Huế, vốn là một vùng đất biên viễn của quốc gia Đại Việt, đã trở thành trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, giáo dục của nước Việt Nam thực sự thống nhất. Một quần thể công trình kiến trúc với thành quách, cung điện, đền đài, đình tạ, lăng tẩm…, do vua Gia Long khởi dựng và được các triều vua kế vị hoàn thiện, bổ khuyết đã hình thành và tồn tại với miền đất sông Hương - núi Ngự trong hơn 2 thế kỷ qua.

Tái sinh hình hài của Huế xưa

TIN MỚI

Return to top