ClockThứ Ba, 09/11/2021 14:44

Yêu thêm cuộc đời

TTH - Một người bạn của tôi có cuộc hôn nhân không như mong muốn. Tháng ngày của ngọt ngào thì nhanh chóng qua mau, những tệ hại của cảm xúc thì cứ thế lớn dần. Và hơn hết, trong mọi nguyên nhân của gắt gỏng, khó chịu đều đến từ phía người còn lại. Có lẽ, không hề hiếm những cuộc hôn nhân như thế này trong đời sống hiện nay.

Chè đắngNiềm vui

Chúng ta dễ phụ thuộc vào một điều gì đó trong cuộc sống này. Vào người chồng, vào người vợ, vào sếp, vào khách hàng… Đó là một phép tính có tỉ lệ thuận, khi sự phụ thuộc càng nhiều thì nỗi đau lại càng lớn. Giống như một cây tầm gửi phụ thuộc vào thân chủ và khi thân chủ chết đi, nó cũng không còn nơi đeo bám.

Không ai không có những nỗi buồn riêng. Tôi có, bạn có. Cuộc sống là liên tiếp những nút thắt, có chuyện nhỏ và có chuyện lớn, chỉ khác ở cách nhìn nhận và vượt qua. Nhưng sau cuối, tin vào một niềm vui sống chính là lý do để chúng ta tồn tại và hy vọng.

Cuộc sống này có biết bao điều thú vị khác dành đến cho mỗi người. Căn bếp là một nơi như thế. Bạn có thể biến tấu biết bao thể loại từ các nguyên liệu nấu ăn. Hay như cái trò thêu thùa từ kim và chỉ, bạn có thể lấy đó làm tiêu khiển khi sở hữu một chiếc áo có bông hoa làm điểm nhấn hay một chiếc khẩu trang đặc biệt hơn bình thường… Và cách mà tôi đang vun vén mỗi ngày cho bản thân là việc đi sâu vào thế giới của những bài hát được phổ từ thơ. Có rất nhiều thứ tôi có quyền làm trong thế giới của niềm vui thú đó. Tôi có thể đưa ra “top” những tác giả phổ thơ xuất sắc qua sở thích và cảm nhận của chính mình. Hay như tôi đi tìm xem, đâu là bài thơ được nhiều nhạc sĩ “nhòm ngó” nhất.

Như bài “Màu tím hoa sim” của nhà thơ Hữu Loan, có rất nhiều nhạc sĩ tìm đến và phổ thành những bài hát nổi tiếng. Có thể kể đến như “Áo anh sứt chỉ đường tà” (Phạm Duy); “Những đồi hoa sim” (Dzũng Chinh); “Chuyện hoa sim” (Anh Bằng); “Màu tím hoa sim” (Duy Khánh); “Tím cả chiều hoang” (Nguyễn Đặng Mừng), “Tím cả rừng chiều” (Thu Hồ)… Hay như khi biết được bài hát “Cơn bão nghiêng đêm” (nhạc Thanh Tùng) đến từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Tế Hanh thì tôi rất đỗi ngạc nhiên. Bởi cái bài hát tôi nghêu ngao từ lâu chợt biết hình hài trước đó là một bài thơ. Thỉnh thoảng, tôi cũng thử tự mình tạo ra giai điệu từ các bài thơ đã biết. Dĩ nhiên, tôi không nói về chuyện các bài thơ phổ nhạc ở đây, nhưng việc tìm một thú vui không hề khó, nó ở quanh ta, bất cứ lĩnh vực nào, bất cứ chi tiết nào trong một lĩnh vực đều tạo thành đề tài cho bạn.

Thật khó có được niềm vui chung nếu không đi từ niềm vui riêng mà ra. Hãy thử một lần bước chân ra khỏi vấn đề đang gặp phải và ngắm nhìn những gì xung quanh, một thế giới đẹp tươi vẫn sẵn lòng trao đến bạn. Và cả khi, vấn đề đó không thể có kết quả tốt đẹp thì những niềm vui bạn xây cho chính mình vẫn ở đó để bạn tiếp tục bồi đắp, vui lấy và yêu mến.

Tôi đã nhiều lần thay đổi công việc, nhưng xuyên suốt mọi thời điểm tôi nhớ mình cần hát một ca khúc, ngẫm lấy lời và tìm ra điều thú vị sau những câu chữ. Đó cũng là một công việc dù không tạo ra những thứ như cơm ăn, áo mặc nhưng nó mang đến cho tôi một tinh thần trong trẻo sau những áp lực của cuộc sống, của công việc. Tôi gọi đó là niềm vui tự thân. Nhờ có nó, tôi biết yêu lấy chính mình - cũng là cách để yêu thêm cuộc đời.

Yên Thường

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Return to top