ClockThứ Bảy, 29/05/2021 14:15

Yêu thương từ “Nhà trung chuyển”

TTH - “Nhà trung chuyển” tại Trung tâm Y tế huyện Phú Vang, là nơi bệnh nhân bị liệt bởi chấn thương sọ não hay tai biến mạch máu não… được thực hành sinh hoạt “nhuần nhuyễn” với những vật dụng, dụng cụ phù hợp.

Bước tiến của Trung tâm Y tế huyện Phú Vang

Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Phú Vang giới thiệu các vật dụng hỗ trợ bệnh nhân

Theo ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Vang: Hiện nay, tại trung tâm y tế của 9 huyện, thị trên địa bàn tỉnh, thì chỉ Trung tâm Y tế huyện Phú Vang có “Nhà trung chuyển” (khánh thành tháng 12/2019),  hoạt động hiệu quả, đem lại lợi ích cho người bệnh, cho nhiều gia đình và cộng đồng, xã hội.

Những bệnh nhân bị liệt do chấn thương sọ não nguyên nhân từ tai nạn hoặc do tai biến mạch máu não, đột quỵ…, sau khi được cứu chữa, phục hồi chức năng, sẽ được đưa đến ở tại “Nhà trung chuyển”, trước khi xuất viện, trở về với gia đình. Tại đây, những đồ vật và vật dụng quen thuộc phục vụ sinh hoạt cá nhân, cuộc sống hằng ngày, như ly, cốc, ca nhựa, thìa, đũa, bàn chải đánh răng, lược chải tóc, dao, kéo, bút bi… được chế tạo thêm phần chuôi, phần tay cầm to hơn, “biến hóa” thêm nhiều chi tiết phụ để các đồ vật, vật dụng này phù hợp với tình trạng đôi tay yếu ớt do bị liệt của bệnh nhân, giúp họ cầm, nắm được dễ dàng hơn. Bác sĩ, kỹ thuật viên luôn luôn ở bên quan sát, hướng dẫn, khích lệ, nhưng người bệnh phải tự lực cánh sinh rèn luyện, thực hành, cho đến lúc sử dụng các đồ vật "nhuần nhuyễn", tự lực trong sinh hoạt cá nhân, không phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác. 

Khi chúng tôi đến, "Nhà trung chuyển" đang có 2 nữ bệnh nhân lưu trú. Đang kiên trì tập sử dụng những dụng cụ làm bếp, các chị xúc động bộc bạch rằng, rất vui mừng vì đã được y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Phú Vang cứu chữa, giành giật lại sinh mạng từ cơn tai biến mạch máu não. Bây giờ, các chị cố gắng luyện để đôi tay linh hoạt hơn đối với các vật dụng, để sau này có thể chủ động tự thực hiện mọi sinh cá nhân, thậm chí có thể đỡ đần việc nhà cho con, cháu, sống cuộc sống có chất lượng, ý nghĩa.

Bác sĩ Võ Tự Tín, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Trung tâm Y tế huyện Phú Vang cho biết: Trang thiết bị tại “Nhà trung chuyển” như giường, bàn ghế… được một tổ chức trang bị. Độ cao, kích thước của bếp, phòng vệ sinh tuân theo thiết kế của viện thiết kế tại Hà Nội thực hiện. Riêng các đồ vật, vật dụng phục vụ sinh hoạt cuộc sống hàng ngày là do kỹ thuật viên của khoa tùy tình hình của mỗi bệnh nhân mà tự tay sáng tạo ra. Bằng mọi cách có thể, bệnh nhân tập cho bàn tay linh hoạt. Quá trình chế tạo, “biến hóa” các vật dụng, cần rất nhiều sự tỉ mỉ. Cán bộ y tế Trung tâm Y tế huyện Phú Vang đã làm điều đó bằng tất cả trách nhiệm của người thầy thuốc và tình thương đối với người bệnh.

Chị Nguyễn Thị Lưu Phương, kỹ thuật viên vật lý trị liệu và anh Đỗ Văn Nhật, kỹ thuật viên hoạt động trị liệu là những người luôn bên cạnh, theo sát người bệnh, trong những ngày họ sống tại “Nhà trung chuyển”, kiên trì hướng dẫn, khích lệ người bệnh thực hiện mọi sinh hoạt. Những lương y áo blouse trắng bày tỏ, cứ mỗi một bệnh nhân tưởng chừng như bị liệt, mọi sinh hoạt phải nhờ đến người khác, nay khỏe mạnh lên, tự sinh hoạt cá nhân, hòa nhập dễ dàng với cuộc sống bình thường sau khi rời khỏi “Nhà trung chuyển”, là thêm một lần các anh chị vui mừng, hạnh phúc.

“Nhà trung chuyển” là niềm tự hào của tất cả cán bộ y tế Trung tâm Y tế huyện Phú Vang, theo ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Vang.

Bài, ảnh: QUỲNH ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu hút nguồn nhân lực bác sĩ ở Thừa Thiên Huế

“Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân là đầu tư cho phát triển...”. Thực hiện quan điểm ấy của Đảng, những năm qua, ngành y tế Thừa Thiên Huế luôn quan tâm đến yếu tố con người, chú trọng việc phát triển, thu hút nguồn nhân lực y tế nói chung, nguồn nhân lực bác sĩ nói riêng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.

Thu hút nguồn nhân lực bác sĩ ở Thừa Thiên Huế
Tăng kíp, phân luồng phục vụ khám bệnh sau tết

Sau kỳ nghỉ tết dài ngày, lượng người dân đến khám chữa bệnh ngày đầu năm tăng hơn thường lệ. Các bệnh viện đã chủ động xây dựng kế hoạch, bổ sung nhân lực hỗ trợ nhằm tránh tình trạng chờ đợi; thậm chí có nơi khám xuyên trưa cho bệnh nhân ngoại tỉnh…

Tăng kíp, phân luồng phục vụ khám bệnh sau tết

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top