ClockThứ Năm, 17/12/2020 13:45

YouTuber và những câu chuyện cần lên án

TTH - Lợi dụng các vấn đề thời sự, những sự kiện đau thương, mất mát của nhiều người, nhiều YouTuber (tạm dịch là những người quay, upload video lên trang Youtube) đã có mặt “trực chiến”, gây náo loạn và phản cảm. Việc này từng được lên án, nhưng rồi đâu lại vào đó.

YouTube đạt 100 triệu người xem trên TV mỗi tháng

Một trong số những YouTuber đang livestream ở sự kiện Rào Trăng 3

Gần đây, đội ngũ YouTuber xuất hiện ở nhiều tỉnh thành, có những nhóm YouTuber bay hàng ngàn cây số ra tới hiện trường để livestream.

Một sự kiện nào đó xảy ra, ngoài cơ quan chức năng, báo chí, người thân… thường có những nhóm YouTuber xuất hiện rất nhanh. Họ trang bị đầy đủ các thiết bị hỗ trợ như điện thoại, sạc dự phòng, đèn... và sẵn sàng xô đẩy để quay được khung hình đẹp nhất.

Trong một lần tác nghiệp tác ở ngã 3 xã Phong Xuân, huyện Phong Điền - lối dẫn vào Đường 71, nơi các chiến sĩ, cán bộ hy sinh trong quá trình tìm kiếm các nạn nhân mất tích, chúng tôi không khỏi bức xúc với những hình ảnh YouTuber như thế. Họ là một nhóm rất đông người, nói giọng miền Nam. Khác với những người miền Nam theo các chuyến xe cứu trợ, họ là những người trẻ nhưng ra miền Trung để livestream sự kiện ở nơi mà không cần sự xuất hiện của họ.

Tuỳ vào thời điểm, các YouTuber đưa máy lên cao, rồi hạ xuống thấp, đủ mọi góc cạnh. Nhất cử, nhất động những YouTuber đều lao tới, quay và bình luận. Trong nhiều giờ đồng hồ liên tục, họ kêu gọi người xem thả tim, chia sẻ để có động lực quay. Những hình ảnh ấy đã gây phản cảm, bức xúc cho những ai chứng kiến.

“Đây là đường vào Rào Trăng 3. Các thi thể tìm thấy sẽ được đưa ra đường này” - một YouTuber vừa giơ cao điện thoại vừa nói lớn. “Like, chia sẻ và cập nhật liên tục để nắm thông tin các bạn nhé”, “Các bạn muốn xem cảnh quay gì thì cứ để lại bình luận và đừng quên đăng ký theo dõi kênh của mình”... liên tục những lời kêu gọi của các YouTuber cứ thế thay nhau nói.

“Chỉ vì muốn kiếm tiền, câu like không cần biết được phép hay không, thích là đăng, muốn viết gì là viết, chẳng cần rõ đầu đuôi câu chuyện. Họ chỉ để ý vào những con số: bao nhiêu người xem, bao nhiêu người like, bao nhiêu người chia sẻ…” – một đồng nghiệp của tôi tác nghiệp ở Phong Xuân lắc đầu ngao ngán khi nói về những YouTuber lợi dụng những sự kiện tang thương để kiếm tiền. Người đồng nghiệp này cũng nhờ công an kiểm tra, và mong đừng bị hiểu nhầm những YouTuber đó là phóng viên, nhà báo.

Không chỉ những sự kiện thời sự, mà lâu nay khi hay tin có một vụ cướp nào đó chấn động, một nghệ sĩ nào đó qua đời lại xuất hiện những đám đông bất chấp tất cả, với những hành vi lệch chuẩn để câu view. Thậm chí có những vụ công an đang truy tìm tội phạm, khuyên người dân hạn chế ra đường, bởi tội phạm có khả năng đang cầm vũ khí nóng thì không ít YouTuber vẫn lao ra và likestream.

Nếu thử đặt chúng ta vào vai “nạn nhân” và đang bị một đám đông livestream, bạn nghĩ sao? Tất nhiên, phần đông trong số chúng ta khó chấp nhận việc hình ảnh riêng tư, nhất là những hình anh tang thương, đau buồn của gia đình mình đăng lên các trang mạng xã hội (trừ trường hợp ngoại lệ, được sự cho phép). Càng tệ hại hơn khi, những người thực hiện hành vi đó chỉ vì mục đích cá nhân của mình, kiếm tiền mà đi ngược lại giá trị đạo đức, vô tình tạo thêm những cơn đau tâm lý cho những người ở lại.

Ngược với những YouTuber “sống trên nỗi đau của người khác”, có rất nhiều YouTuber chân chính. Họ làm các phim giáo dục, du lịch, ẩm thực, chia sẻ những câu chuyện hay trong cuộc sống… Vì thế, họ nhận được rất nhiều sự khen ngợi, tương tác. Tất nhiên, cách làm đó luôn được ủng hộ và khuyến khích.

Công nghệ giúp con người gắn kết lại với nhau qua các nền tảng, ứng dụng… Nhưng đâu đó, công nghệ cũng chính là “con dao hai lưỡi” vô cùng nguy hiểm, làm tổn hại đến nhân phẩm, sức khỏe, danh dự không biết bao nhiêu người. Và những YouTuber “sống trên nỗi đau của người khác” chính là người tạo nên con dao đó. Đã đến lúc cần có chế tài với những YouTuber như thế.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lên án hành vi gây tai nạn, bỏ trốn khỏi hiện trường

Dù bất cứ lý do gì để biện minh cho hành vi của bản thân, nhưng việc các lái xe gây tai nạn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng chết người, nhưng lại bỏ trốn khỏi hiện trường là không thể chấp nhận được. Không chỉ gây khó khăn cho lực lượng chức năng, mà xã hội lên án cật lực với những hành vi này.

Lên án hành vi gây tai nạn, bỏ trốn khỏi hiện trường
Xúc động câu chuyện của người con xứ Huế được gặp Bác Hồ

Những ngày bước sang thu, trời Huế bớt oi nóng và dịu nhiệt hơn. Chúng tôi những người làm việc ở bảo tàng mang tên Bác tại Huế, trong chuyến thực hiện đề tài “Nghiên cứu, thống kê, sưu tầm các loại hình di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế” tại huyện Phú Lộc, may mắn gặp được bác Lê Đình Thông - người đã từng gặp Bác Hồ. Bác Lê Đình Thông, hiện đang sống ở thị trấn Phú Lộc. Năm nay, bác đã gần chín mươi rồi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, lanh lợi và rất minh mẫn.

Xúc động câu chuyện của người con xứ Huế được gặp Bác Hồ
Lên án hành vi chống người thi hành công vụ

Thời gian gần đây, trên địa bàn TP. Huế nổi lên tình trạng, thanh, thiếu niên manh động, sẵn sàng chống người thi hành công vụ bằng việc tông thẳng xe mô tô vào lực lượng công an đang làm nhiệm vụ.

Lên án hành vi chống người thi hành công vụ
Lên án hành vi báo tin giả, sai sự thật

Mới đây, Công an TP. Huế và Công an huyện Phong Điền đã “vạch trần” sự thật 2 người dân có hành vi tự mình gây ra chuyện, tạo hiện trường giả, rồi đến công an trình báo bị các đối tượng xấu đe dọa cướp, trộm tài sản của mình. Vụ việc không chỉ gây mất thời gian, tốn công sức của lực lượng công an, mà còn tạo bất ổn về an ninh trật tự.

Lên án hành vi báo tin giả, sai sự thật

TIN MỚI

Return to top