ClockThứ Năm, 13/06/2019 16:19

Cô học trò khiếm thị đoạt các giải thưởng lớn

TTH - Không còn “ngôn ngữ” của đôi mắt, Hồ Thị Kim Trang (học sinh lớp 7/6, Trường THCS Hùng Vương, TP. Huế) dùng ngôn từ để làm phong phú thêm đời sống tinh thần và em cũng đã đạt được một số giải thưởng với sở trường viết lách của mình.

103 thí sinh người mù tham gia hội thi tay nghề

Hồ Thị Kim Trang yêu môn văn và coi ngôn từ là cánh cửa giúp em bày tỏ thế giới tâm hồn

Mắc bệnh ung thư mắt từ khi mới hai tuổi và phải sống cuộc sống mù lòa từ thuở còn thơ bé, Trang đã từng mang nhiều nỗi buồn và trở nên sống khép kín. Mãi đến năm 9 tuổi, em mới bắt đầu học tiền hòa nhập ở Trung tâm Giáo dục - Hướng nghiệp Trẻ em mù (thuộc Hội Người mù tỉnh). “Cuộc đời em đã bắt đầu sang trang từ đây, em được học con chữ, phép tính, được mở rộng thế giới vốn bị thu nhỏ của mình và còn làm quen với những người bạn cùng cảnh ngộ”, Trang nói. Đến năm 13 tuổi, em học hòa nhập ở Trường tiểu học Trường An (TP. Huế) và em đang học hòa nhập tại Trường THCS Hùng Vương. 

Khi bắt đầu học hòa nhập, việc học của em gặp nhiều khó khăn mới. Những đứa trẻ bình thường dùng sách chữ in, bảng đen phấn trắng, Trang thì dùng sự tinh tế của đôi tay để đọc và viết chữ nổi. Trong những buổi học yên ắng, tiếng lạch cạch phát ra mỗi khi Trang gõ bảng chữ nổi cứ đều đặn vang lên đã trở nên quen thuộc với tất cả thành viên trong lớp. Những gì nghe cô giảng được, Trang chủ động tự viết, còn những gì chỉ có trên bảng hay trong sách, Trang nhờ bạn cùng lớp đọc giúp để chép theo. Những giờ học đó, ngoài tiếng giảng bài, đôi tai của Trang còn dùng để lắng nghe âm thanh của phấn, là niềm vui đơn sơ giản dị của em.

Mùa hè năm 2018, cứ đều đặn hai buổi sáng chiều mỗi ngày, Trang lại lên Trung tâm Giáo dục - Hướng nghiệp Trẻ em mù để học và tập luyện cách sử dụng máy tính. Những tháng đầu khổ luyện bên bàn phím, có những khi đôi tay em tê cứng vì các thao tác gõ phím liên tục nhưng chưa nhuần nhuyễn. Sự kiên trì rồi cũng được đền đáp, bây giờ, cô học trò nhỏ đã có thể tự tin làm chủ tin học văn phòng với các thao tác đánh máy văn bản, sao chép dữ liệu dưới sự hỗ trợ đắc lực của một số phần mềm đọc màn hình dành cho người khiếm thị ở bất kỳ chiếc máy tính nào. “Đối với những người khiếm thị như em, công nghệ thông tin là cánh cửa để chúng em kết nối với thế giới rộng lớn ngoài kia được hiệu quả hơn. Vì vậy, môn tin học có tầm quan trọng rất lớn đối với em”, Trang nói. Hơn cả mong đợi, cùng trong năm ấy, Trang “ẵm” giải nhì tin học trong cuộc thi tay nghề dành cho người mù toàn tỉnh.

Yêu môn văn, Trang có thú vui “sắp xếp” ngôn từ bằng những bài văn trên lớp và đôi khi là viết cho riêng mình. Nhờ có công nghệ thông tin, em tiếp cận đọc những cuốn sách hay qua mạng internet. Niềm vui bất ngờ đến khi em đạt giải đặc biệt dành cho học sinh khuyết tật cuộc thi viết thư UPU Quốc gia năm 2018 với chủ đề “Hãy tưởng tượng bạn là một lá thư du hành xuyên thời gian. Bạn muốn gửi gắm điều gì tới người đọc?”. Mang nhiều trăn trở và mối quan tâm về môi trường sống, Trang đã viết một bức thư giả định gửi cho người bạn thân ở phương xa của mình. Trong thư, em đưa người đọc trở về thời đại chưa có xe máy, xe ô tô, hay xăng dầu, các chất độc hại. Qua đó bày tỏ khát khao giữ được không khí trong lành, giữ cho “ngôi nhà” trái đất thêm xanh. Niềm vui nối tiếp, trong năm 2019, em lại đạt giải khuyến khích Quốc gia cuộc thi viết Onkio dành cho người mù năm 2019. Trang chia sẻ: “Với người bình thường, đôi mắt được coi là cửa sổ của tâm hồn. Còn với em, điều may mắn nhất là em được học con chữ. Nhờ biết chữ mà em học được những điều hay lẽ phải. Cũng nhờ con chữ, em có thể bày tỏ thế giới tâm hồn của mình”.

Ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, nhận xét: “Trang là một cô bé nỗ lực vươn lên và đã đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc và sự kiên trì, ý chí của em là một tấm gương sáng cho những trẻ em khiếm thị khác”.

Bài, ảnh: Phước Ly

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top