ClockThứ Bảy, 02/06/2018 12:15

Để giáo dục trẻ thơ đúng cách

TTH - Đọc Dạy con trong “hoang mang” tôi hiểu ra nhiều điều và cũng… “hoang mang” vì thấy không ít bố mẹ, thầy cô lâu nay cứ thản nhiên… “Dạy con tham nhũng”!

Giáo dục mầm non, thêm một góc nhìn tốtGiao lưu trực tuyến: Khẳng định vị trí cho môn giáo dục công dânGiáo dục trực tuyến trở thành công cụ quan trọng trong ngành giáo dục

 

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương trao đổi với phụ huynh trong buổi ra mắt sách “Dạy con trong hoang mang” tại Hà Nội. Ảnh: Internet

Hẳn là có bạn đã… giật mình khi đọc những từ này, cũng như tôi khi đọc tiết mục thứ 11 mang tựa đề như trên, trong số 30 tiết mục của cuốn sách. Giật mình vì tác giả đã gọi đúng tên một thói quen “vô tư” của rất nhiều người, tạo nên một “nếp sống” dẫn đến những hậu quả tệ hại về sau. “… Nếu thời xưa roi vọt là “công cụ chuyên chính” để giáo dục con cái thì nay khi thu nhập khá lên… việc nịnh bợ hay hối lộ con đang trở thành điều phổ biến trong xã hội… Mặc dù hối lộ con cái sẽ đem lại kết quả tức thời chẳng hạn đứa trẻ sẽ nín khóc, sẽ không la như ai đang tra tấn, sẽ hả miệng nuốt miếng cơm kế tiếp, sẽ làm xong bài tập vì đã 10 giờ đêm… nhưng chúng ta đang gieo những hạt giống bất hạnh mà cả chúng ta lẫn con cái sẽ nhận vào một ngày không xa.”

Tác giả không chỉ nêu ra hiện tượng phổ biến mà phân tích sâu hơn: “…Đã có hối lộ thì sẽ có tham nhũng, vì thật ra nghĩa đen của chữ tham nhũng có nghĩa là gây phiền hà khó khăn vì lòng tham. Trẻ sẽ gia tăng việc gây phiền hà cho phụ huynh để nhận được hối lộ nhiều hơn… Nghiên cứu cho thấy, trẻ biết cách mặc cả với cha mẹ về giá trị của món quà để chúng nín khóc, ngừng la hét, hay chấm dứt ăn vạ … Với thói quen này, khi lớn lên trẻ sẽ dễ rơi vào việc thấy tất cả tha nhân là người hối lộ và cần phải thường xuyên gây khó khăn cho người khác để mình đạt được phần lợi…”.

TS. Lê Nguyên Phương (LNP) với kinh nghiệm nhiều năm làm chuyên gia tâm lý học đường và giảng dạy tại các đơn vị khoa học có uy tín ở Mỹ, đồng thời là người sáng lập tổ chức Liên hiệp Phát triển Tâm lý học đường tại Việt Nam nhiều năm qua, đã đưa vào trong 30 tiết mục của cuốn sách những câu chuyện gần gũi với cuộc sống chúng ta rồi vận dụng kiến thức, kinh nghiệm mà ông tích lũy được, lý giải, phân tích để mỗi chúng ta tự “chuyển hóa chính mình” trong hành trình giáo dục trẻ thơ. Cuốn sách “gần gũi” với nhiều người còn nhờ ban biên tập đã tiến hành một cuộc “khảo sát nhỏ” trên cả nước, để tìm ra 25 chủ đề mà các bậc bố mẹ quan tâm, rồi “đặt hàng” cho tác giả. Nhờ thế, cuốn sách khoa học, mặc dù tác giả viện dẫn không ít tên tuổi các chuyên gia hàng đầu về tâm lý ở phương Tây, mà đọc dễ hiểu, đầy sức thuyết phục và lý thú nữa.

Ví như trong tiết mục “Anh hùng đa lệ”, tác giả nêu câu chuyện khi thấy một bé trai khóc lóc, ông bảo: “Con là đàn ông. Đàn ông không khóc!” Trong 10 đứa thì 9 đứa nghe thế sẽ nín ngay. Tưởng thế là đúng, nào ngờ tác giả phân tích một cách khoa học cả về mặt tâm lý và sinh-hóa, chỉ ra những điều chúng ta ngộ nhận hoặc chưa biết. Đó là nước mắt khi phản xạ (như bị bụi rơi vào), có đến 98% là nước, nhưng nước mắt do cảm xúc chứa cả các hormone chống đau, làm giảm sự căng thẳng của cơ thể và có cả chất lysozyme có thể diệt  90% vi trùng trong vòng 5-10 phút! Về mặt tâm lý, do không hiểu về “cơ chế khóc của trẻ”, nên nhiều bậc cha mẹ thường cấm con khóc, thậm chí trẻ con bị mắng hay đánh đập; mà không biết rằng “khóc là cú hích tự nhiên của cơ thể đẩy chúng ta đến đỉnh của chu kỳ giao cảm để ở đó chu kỳ đối giao cảm bắt đầu, cho phép ta nghỉ ngơi, hồi sức…”. Hơn thế, tác giả còn phân tích rằng việc khóc là sống trung thực với cảm xúc; và “người nam hiện đại còn phải cần biết tiếp chạm với phần nữ tính trong con người của mình, để biết sống quân bình, để biết linh hoạt mềm dẻo…”

Xin dẫn thêm một tiết mục nữa, một vấn đề gần đây dư luận xã hội rất quan tâm; đó là “Dây đàn xấu hổ”; điều thú vị với riêng người Huế là không hiểu tác giả đi “thực tế” ở Huế lúc nào mà dẫn ra “dân Huế có một chữ độc đáo… gọi xấu hổ là “ôốc dột”…”; còn với mọi người thì tác giả cho thấy vấn đề không chỉ đáng quan tâm vì có những kẻ trơ lỳ, “liệt dây thần kinh xấu hổ”, ngang nhiên buông ra các hành vi, lời nói sai trái, mà cần phải hiểu mối quan hệ giữa khái niệm xấu hổ và mặc cảm tội lỗi, “khi cảm giác này trở nên vượt mức hối lỗi bình thường sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các sinh hoạt trong cuộc sống”. Hơn nữa, xấu hổ còn có mặt trái của nó vì “những giá trị giả” hoặc thành kiến sai trái; ví như xấu hổ vì là người da đen, vì bố mẹ là công nhân nghèo khổ… Do đó, “chỉ nên xấu hổ khi mình suy nghĩ hay hành động điều gì hại mình và hại người… Xấu hổ chân chính đi đôi với chính trực và danh dự… biểu hiện cho lòng tự tin và tự trọng thay vì tự ti và tự bỉ”.

Không phải toàn bộ 30 tiết mục trong cuốn sách đều mới lạ, như chuyện “Trông con bằng iPad” thì lâu nay chúng ta đã đọc, đã nghe nhiều lời cảnh báo việc dùng các thiết bị điện tử (điện thoại, ti-vi…) để dỗ con trẻ ăn hay tránh bị chúng quấy rầy sẽ để lại những hậu quả về nhiều mặt…; nhưng hầu hết các vấn đề tác giả nêu lên đều là những mối bận tâm của các bậc cha mẹ và thầy cô giáo và đều được phân tích một cách sâu sắc. “Thành công không hạnh phúc; Con theo phe cha; Suốt đời sợ hãi; Không nghề nào hèn; Thông minh là định mệnh; Cái bị sách; Khen con phải lối; Nhục hình với trẻ; Em thích con gái; Mơ ước thủ khoa; Tập nhiễm vô cảm; Thành kiến võ đoán…” Có lẽ chỉ đọc qua nhan đề các tiểu mục, bạn đọc đã thấy cuốn sách rất gần gũi và rất đáng tham khảo; và từ đây, mỗi người sẽ tự chọn cho mình cách giáo dục trẻ thơ thích hợp, hiệu quả nhất…

Nguyễn Khắc Phê

(Nhân đọc Dạy con trong “hoang mang”  của TS. Lê Nguyên Phương, NXB Tổng hợp TP.HCM & ANBOOKS, 2017)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn kết chặt chẽ “ba nhà” trong giáo dục nghề nghiệp

Mô hình Hội đồng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cấp tỉnh ra đời mới đây được kỳ vọng là “lời giải” cho bài toán tuyển sinh - tuyển dụng, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động (LĐ).

Gắn kết chặt chẽ “ba nhà” trong giáo dục nghề nghiệp
"Trồng" những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện

Rèn luyện đảm bảo sức khỏe, nâng cao thể lực cho học sinh là “khâu” quan trọng, hiệu quả trong nâng cao chất lượng dạy và học của ngành giáo dục & đào tạo (GD&ĐT) huyện Phú Vang; “trồng” những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện, để sau này các em tiếp bước xây dựng quê hương.

Trồng những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện
Đồng bộ nâng cao chất lượng dạy và học

Những năm gần đây, học sinh các cấp trên địa bàn Phú Vang ngày càng đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, Quốc gia. Riêng tại kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 THCS cấp tỉnh năm học 2023-2024 mới đây, học sinh Phú Vang đoạt gần 40 giải. Đó là nỗ lực và kết quả của quá trình vượt lên nhiều khó khăn, bền bỉ nâng cao chất lượng dạy và học của thầy và trò huyện Phú Vang.

Đồng bộ nâng cao chất lượng dạy và học
Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

Với mục tiêu đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế triển khai nhiều giải pháp trong đổi mới giáo dục tiểu học (TH), giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiên đại, phát triển các khả năng hội nhập, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học
Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ

Làm gì để giữ gìn văn hóa Huế trong dòng chảy cuộc sống hôm nay? Đó là nỗi trăn trở của những người yêu Huế. Muốn giữ gìn, phát huy, lan tỏa thì phải chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục đối với mọi tầng lớp nhân dân, trong đó phải kể đến đối tượng học sinh – sinh viên đang học tập, sinh hoạt trong mỗi trường học.

Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ

TIN MỚI

Return to top