Thế giới

Lạc quan và thách thức

ClockThứ Tư, 03/02/2016 22:12
TTH - Năm Ất Mùi - 2015 đã khép lại và cộng đồng quốc tế đón chào năm mới 2016 trong niềm hân hoan, hy vọng cùng sự trăn trở, lo toan. Nhìn lại 365 ngày qua, có thể thấy thế giới đang tiếp tục vận động, phát triển với những mảng màu sáng tối đan xen và tương lai của nó sẽ rất khó dự đoán chính xác.
Sau 5 năm đàm phán kéo dài, TPP về đích với sự hài lòng của các bên tham gia. Ảnh: Internet

Hòa bình và hợp tác tiếp tục là xu thế nổi bật trong quan hệ quốc tế, đã tác động tích cực đến tình hình thế giới năm 2015, trước hết, trên lĩnh vực kinh tế. Sau nhiều nỗ lực chung tay khắc phục khó khăn, kinh tế toàn cầu đã và đang có những dấu hiệu phục hồi trong năm này, dù có chuyên gia cho rằng đó là sự “phục hồi yếu ớt” hay “phục hồi trong tình trạng hụt hơi”. Theo dự báo của  WB về tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong giai đoạn 2015 - 2016, kinh tế thế giới có thể tăng 3%, cao hơn 2,6% so với năm 2014.

Những điểm kỳ vọng

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết  là một dấu mốc quan trọng, được coi là “thỏa thuận thương mại của thế kỷ 21”, đẩy mạnh sự  hội nhập của 12 quốc gia, bao gồm cả Mỹ và Nhật Bản, để trở thành một khối chiếm đến 40% thương mại toàn cầu.

Về chính trị và an ninh, quốc phòng, trong năm 2015, thế giới tuy còn nhiều bất ổn với những xung đột quốc tế, nhưng về cơ bản, nền hòa bình, an ninh toàn cầu, khu vực vẫn được duy trì bởi sự “vào cuộc” của Liên hợp quốc và vai trò của các trung tâm quyền lực, các liên kết quốc tế.

Các quốc gia tham gia Hiệp định TPP. Ảnh: Internet

Trước hết là những điểm sáng đáng ghi nhận. Sau 11 năm đàm phán ngày 14/7/2015, Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) đã đạt được thỏa thuận lịch sử, theo đó Iran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân và đổi lại, các nước sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Tehran. Đây được xem là bước đi tích cực nhằm góp phần giảm căng thẳng kéo dài, tiến đến xây dựng một Trung Đông an toàn và ổn định hơn.  Ở góc độ khu vực, sau 13 năm ASEAN đề xuất ý tưởng về thành lập cộng đồng chung, ngày 31/12/2015, Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời với 3 trụ cột chính là Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong tiến trình liên kết khu vực sâu rộng của tổ chức này nhằm hướng tới mục tiêu “Một tầm nhìn - Một bản sắc - Một cộng đồng”.

Nhiều thử thách

Theo giới phân tích, trong năm 2015, thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều thử thách, khó khăn. Nổi bật là Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đang ngang nhiên thách thức cả cộng đồng quốc tế với các hành động tội ác man rợ. Năm 2015,  hàng loạt vụ đánh bom, bắt cóc con tin, xả súng đã diễn ra, đặc biệt là các vụ tấn công đẫm máu tại tòa soạn báo Charlie Hebdo (ngày 7/1/2015) và nhà hát Bataclan (ngày 13/11/2015) ở Paris (Pháp), vụ đánh bom máy bay Nga ở Ai Cập (ngày 31/10/2015)... gây chấn động thế giới.

Các tàu hút bùn của Trung Quốc hoạt động quanh đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AFP

 Làn sóng người di cư ồ ạt từ các nước Trung Đông và Bắc Phi đổ vào châu Âu đã biến thành cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng nhất trong hơn 7 thập niên qua, gây ra hậu quả tiêu cực về an ninh, kinh tế - xã hội cho nhiều nước châu Âu và thế giới, đồng thời tạo nên sự bất đồng về chính sách ứng phó trong nội bộ EU mà vẫn chưa có hồi kết.

Một vấn đề bất ổn đang được dư luận quan tâm theo dõi là việc tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông giữa các nước, vùng lãnh thổ, trong đó, nhân tố gây quan ngại lớn nhất chính là Trung Quốc. Năm 2015, Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hành động đơn phương ở Biển Đông, trong đó có việc xây dựng và tôn tạo trái phép các đảo và bãi đá ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, làm leo thang căng thẳng, đe dọa an ninh, an toàn hàng hải và hàng không, hủy hoại môi trường sinh thái ở Biển Đông khiến dư luận khu vực và thế giới quan ngại sâu sắc và đã nhiều lần cảnh báo quốc gia này.

Về dự báo kinh tế thế giới năm 2016, ngày 30/12/2015, trả lời phỏng vấn tờ Thời báo thương mại Đức, bà Christine Lagarde - Tổng Giám đốc IMF cho rằng kinh tế thế giới sẽ “gây thất vọng và tăng trưởng không đồng đều” do lo ngại về những tác động gây mất ổn định có thể xảy ra của việc Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản; các nền kinh tế mới nổi đã trở nên dễ bị tổn thương bởi sự mất giá thường xuyên của đồng nội tệ so với USD do dự trữ ngoại hối giảm, nợ ngoại tệ của doanh nghiệp cao và sự sụt giảm của giá nguyên liệu thô. Còn theo dự báo của IMF, trong năm 2016, tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ ở mức khoảng 3,5%, thấp hơn so với thập kỷ trước khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, song vẫn ở mức cao trong vòng 5 năm qua.

Về chính trị và an ninh, quốc phòng, trong năm 2016, thế giới vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều cuộc xung đột. Những điểm nóng nếu không xử lý tốt sẽ có thể tiếp tục kéo dài và gây nên những hậu quả khôn lường, thậm chí tạo nên những “hiệu ứng domino” bùng phát cả khu vực.

Nhìn một cách tổng quát, bức tranh thế giới 2016 sẽ có những dấu hiệu lạc quan hơn trên nhiều lĩnh vực của đời sống quốc tế, trong đó, chính năm 2015 đã tạo được một số nền tảng tích cực cho năm 2016. Tuy nhiên, những thách thức của năm cũ vẫn để lại những hệ lụy và chỉ được khắc phục phần nào trong năm mới khi có sự nỗ lực, chung tay của cả nhân loại tiến bộ, đặc biệt là vai trò của các cường quốc, nước lớn và các tổ chức quốc tế, khu vực quan trọng.

PGS.TS. Hoàng Văn Hiển

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tín hiệu lạc quan với bóng đá trẻ Huế

Bóng đá trẻ Huế đang có những bước tiến bộ đáng ghi nhận. Đó là nền tảng để chờ đợi sự bứt phá trong tương lai của bóng đá tỉnh nhà. Vòng chung kết U19 Quốc gia 2024 đã khép lại, nhưng dư âm của giải đấu này vẫn đọng lại với bóng đá Huế.

Tín hiệu lạc quan với bóng đá trẻ Huế
Ngành hàng không toàn cầu đối mặt nhiều thách thức về giá vé và nhân sự

Theo các chuyên gia trong ngành, ngành hàng không toàn cầu thời hậu đại dịch vẫn không thiếu những thách thức, từ việc giữ giá vé máy bay ở mức phải chăng – nhất là trong các mùa lễ hội khi tỷ suất lợi nhuận “mỏng như dao cạo”, cho đến việc có đủ lực lượng lao động tận tâm với nghề.

Ngành hàng không toàn cầu đối mặt nhiều thách thức về giá vé và nhân sự
Thách thức trong vụ nuôi thủy sản mới

Biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Theo đó, môi trường vùng nuôi, ao nuôi cũng có nhiều biến động, thay đổi đặt ra yêu cầu với người nuôi thủy sản phải có những biện pháp thích ứng, phù hợp.

Thách thức trong vụ nuôi thủy sản mới
Ngập úng kéo dài đến bao giờ - Kỳ 1: Thách thức cho bài toán chống ngập

Thực trạng ngập úng tại các đô thị, nhất là đô thị mới, hay gần đây, việc thoát lũ tại các khu công nghiệp đặt ra bài toán cần lời giải từ hiện tại và cả trong tương lai. Các chuyên gia cũng nhiều lần chỉ rõ, biến đổi khí hậu sẽ tạo ra những thách thức không hề nhỏ cho khu vực đô thị, khu công nghiệp.

Ngập úng kéo dài đến bao giờ - Kỳ 1 Thách thức cho bài toán chống ngập
Return to top