ClockThứ Năm, 19/11/2015 18:08

Lợi ích nhóm và tác hại

TTH - Thời gian gần đây, trên các diễn đàn cũng như trên các phương tiện truyền thông, các chuyên gia kinh tế thường hay nói đến “lợi ích nhóm”. Không có một định nghĩa rõ ràng nhưng xem ra nội dung của “ nhóm lợi ích” và “ lợi ích nhóm” khác nhau về bản chất. Khác nhau là ở chỗ không phải là mục đích mà ở chỗ phương thức tác động.

Theo một nhà nghiên cứu “Nhóm lợi ích là tập hợp những người cùng mục đích, có chung lợi ích. Phương thức hoạt động chủ yếu của nó là tìm cách tác động lên chính quyền (nghị viện, chính phủ, các hội đồng địa phương) hoặc khai thác sự đa nghĩa trong một số điều khoản luật nhằm đạt được những lợi ích cho nhóm, tiêu biểu là những hoạt động vận động hành lang “lobby”.

“Nhóm lợi ích” hoặc” lợi ích nhóm” thì ở đâu cũng có, từ các nước phát triển đến các nước chậm phát triển. Nghĩa là tác động lên chính quyền để nhằm đạt được lợi ích của nhóm. Song, vấn đề đáng bàn ở đây là lợi ích của nhóm có dung hòa lợi các nhóm lợi ích khác hay không ?

Ở Việt Nam, nhóm lợi ích thì có lẽ không cần bàn. Ví dụ như các hiệp hội, các hội đoàn, thậm chí là các đoàn thể mang tính chất chính trị xã hội. Nhưng như trên đã nói, trên các diễn đàn, các chuyên gia nói nhiều đến “ lợi ích nhóm” là nói đến tác động tiêu cực của nó.

Thử nhìn vài tác động tiêu cực:

Trước tiên là nó làm méo mó chính sách. Một chính sách nào đó đưa ra là phục vụ cho sự phát triển, cho xã hội. Nhưng ở đây do tác động của một nhóm lợi ích đã làm cho chính sách không đạt được mục tiêu đó mà chỉ đạt được mục đích của một nhóm tác động. Trong thực tế rất dễ kiểm chứng điều này. Ví dụ như trước đây trong quy hoạch phát triển các khu đô thị, chính quyền thu hồi đất của dân đền bù theo giá đất nông nghiệp, có khi rất thấp. Đất này được giao cho các nhà đầu tư san lấp rồi bán theo giá đất ở có khi gấp hàng ngàn lần. Lợi ích ai lấy được ? Nhà đầu tư. Và tất nhiên không “tự dưng” nhà đầu tư tác động một cách dễ dàng lên chính sách như vậy ! Nó “lấp lánh” phía sau là sự “ có qua có lại”. Điều này sẽ gây mất công bằng xã hội, cản trở sự phát triển. Đã chính sách ban hành dành cho một nhóm lợi ích thì cũng đồng nghĩa với tước đoạt cơ hội của những người khác. Trong chính trị hoặc kinh tế, điều này thể hiện rất rõ ràng. Một người mà xã hội thường dùng là có “vai vế”, “có người đỡ đầu” , được đưa vào quy hoạch, được tạo nhiều điều kiện để “ đủ chuẩn” thì dễ thăng tiến hơn những người khác. Tuy nhiên chưa chắc những người như vậy đã giỏi hơn những người khác về nhiều mặt. Như vậy là tạo ra sự mất công bằng, cản trở sự phát triển. Trong chính trị đôi khi không thấy rõ lắm nhưng trong kinh tế thì thấy rất rõ . Người được tạo điều kiện tiếp cận quy hoạch, đất đai, thủ tục hành chính, chính sách thuế… khác với những người không được tạo điều kiện. Ở đây người được tạo điều kiện có lợi, người tạo điều kiện có lợi. Cái lợi ở đây từ đâu có ? Là từ cái thiệt của xã hội do sự không minh bạch.

Lợi ích nhóm khoét sâu thêm khoảng cách giàu nghèo. Người có cơ hội tiếp cận lợi thế thì ngày càng giàu, người không có cơ hội thì nghèo và ngày càng nghèo thêm. Người giàu do cơ hội “lợi ích nhóm” đưa lại chưa chắc dùng nguồn lực có được để đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho xã hội mà nguồn lực đó đầu tư vào bất động sản để tích lũy, đầu tư vào chi tiêu sang trọng. Như vậy, nguồn lực xã hội đã phân bổ méo mó.

Tác động tiêu cực thì có thể chỉ ra rất nhiều khía cạnh. Có khi nó làm thiệt hại cho chính bản thân Nhà nước. Một miếng đất “ vàng” giao cho một anh có năng lực tài chính và quản lý, họ làm ra trò sẽ tạo nhiều công ăn việc làm, tạo nguồn thu cho ngân sách. Khi giao cho một anh kém năng lực, miếng đất này không tạo ra gì mà còn gây lãng phí. Nhìn vào thực tế thấy rất rõ.

Lê Phương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top