ClockChủ Nhật, 18/06/2017 08:24

Ngưỡng

TTH - Hãy để ý đến công chúng nhưng không phải tìm mọi cách để tác động lên công chúng. Điều đó đôi khi sẽ có tác động ngược trở lại đối với chính sản phẩm, thương hiệu mà doanh nghiệp đã mất rất nhiều thời gian, công sức để xây dựng. Đó là cách mà tôi hiểu bằng nhận thức và trải nghiệm mà mình có qua thời gian.

 

Không phải là người trong nghề, và cũng không thật sự quan tâm đến các thuật ngữ cũng như sự phân định rạch ròi giữa các khái niệm về Marketting (tiếp thị), Advertising (quảng cáo) và PR (quan hệ công chúng), tuy nhiên tôi thích cách mà các thương hiệu, hay sản phẩm nào đó tác động, kể cả tương tác với người tiêu dùng bằng sự tinh tế, khéo léo của nó. Có lẽ, để làm được điều này, doanh nghiệp đó phải có người hay chuyên gia có độ thẩm định và hiểu biết sâu không chỉ về doanh nghiệp, thương hiệu hay sản phẩm mà mình đang làm việc/cộng tác mà còn phải hiểu về nhu cầu, thị hiếu của người dùng sản phẩm và quan trọng hơn, hiểu được thói quen, nếp sống, phong tục, tập quán và phong cách sống trong chiều sâu văn hóa ở mỗi vùng đất mà thương hiệu đó, sản phẩm đó và doanh nghiệp đó đứng chân.

Ở mối quan hệ và tương tác này, chúng ta thường thấy có những sản phẩm được phủ sóng bằng các hình thức truyền thống trên một địa bàn rộng, hoặc rất rộng khi nó vượt qua biên giới của các quốc gia. Nhưng có những sản phẩm lại tìm những cách khác, dựa trên phong tục, thói quen, văn hóa... của từng vùng miền để tìm phương thức tác động đến các đối tác/người tiêu dùng của họ. Hiểu được điều này trên tính nền tảng, cộng với việc tạo lập sự khác biệt dựa trên chất lượng sản phẩm cũng như sự tác động/hiện diện mang tính trực quan ở nhiều phương thức khác nhau, doanh số bán ra cũng như thương hiệu của sản phẩm đó sẽ có chỗ và phát triển khi được người tiêu dùng lựa chọn.

Đương nhiên khi đi ngược với những điều này, hoặc nói một cách khác đi là sản phẩm của thương hiệu đó, doanh nghiệp đó không chuyển tải được một hình ảnh, thông điệp tích cực đến khách hàng mục tiêu và cộng đồng nói chung; hoặc khi xây dựng phương thức và chiến dịch truyền thông mà thiếu đi sự am hiểu mang tính nền tảng và cốt lõi về văn hóa mà chỉ quan tâm đến nhu cầu thực tế một cách đơn thuần, nếu không nói là trần trụi và thiếu tinh tế, sản phẩm và thương hiệu đó sẽ dễ dẫn đến sự gãy đổ, hoặc một điểm rơi nào đó do chạm phải ngưỡng văn hóa. Ở đây có lẽ còn là vấn đề của nhận thức và đôi khi, là sự chủ quan do thiếu tương tác văn hóa. Điều này sẽ đẩy những người thực hiện vào những ý tưởng sáng tạo mang tính chủ quan, và sai lầm sẽ đến từ những ý tưởng tầm thường, thiếu kiểm chứng và đôi khi, là sự phản cảm mà ý tưởng đó, đội ngũ đó đã xây dựng và đưa ra công chúng.

Trong mối liên quan này, có thể nhận thấy rằng việc gán ghép một sản phẩm nào đó lên hình ảnh các công trình kiến trúc, cảnh quan văn hóa và nhất là những di sản đã được công nhận là điều cần được cân nhắc một cách thấu đáo, cho dù đó chỉ là những hình ảnh nhất thời, trong một thời điểm.

MINH HÀ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top