ClockChủ Nhật, 16/09/2018 07:39

Tính đến các giải pháp dài hơi

TTH - Sau những trận mưa lớn mấy ngày vừa qua, trên địa bàn Quảng Điền tái diễn tình trạng cá nuôi lồng chết hàng loạt khiến người dân hết sức lo lắng.

Đây là lần thứ 2 liên tiếp trong vòng 2 tháng xảy ra hiện tượng này. Điều đáng nói, đây không phải lần đầu xảy ra tình trạng trên mà lặp đi lặp lại những năm gần đây và không riêng địa bàn Quảng Điền. Điều này đặt ra yêu cầu bức thiết trong việc tổ chức lại sản xuất, nuôi trồng thủy sản nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung theo hướng bền vững, an toàn, hiệu quả.

Nông nghiệp nói chung vốn là ngành sản xuất chịu nhiều tác động của thời tiết. Để ứng phó với những diễn biến bất lợi của thời tiết, ông cha ta đúc rút nhiều kinh nghiệm hay từ việc chọn giống, loại cây trồng, lịch thời vụ đến các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, điều tiết thủy lợi… Tuy nhiên, với sự biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, gay gắt thì sản xuất nông nghiệp càng đứng trước những nguy cơ tổn thất nặng nề.

Trở lại chuyện cá lồng trên sông Bồ bị chết, qua theo dõi nhiều năm, nguyên nhân cũng đa dạng. Có năm do nước sông cạn kiệt, dòng chảy không đảm bảo, cá bị thiếu ô xy; có lần thì do nước lũ về mạnh làm thay đổi đột ngột môi trường nước. Còn lần này, lũ chưa về, nước sông không cạn mà cá vẫn chết. Theo người dân có thể do ảnh hưởng của đợt mưa lớn làm thay đổi môi trường nước, thêm vào đó nước từ trong đồng chảy ra đem theo các tồn dư hóa chất, thuốc diệt cỏ làm cá bị chết… Như vậy, dù nguyên nhân nào cũng cho thấy ngành nuôi trồng thủy sản dễ bị tổn thương, trong khi khả năng đối phó của người dân còn hạn chế. Hệ lụy, không ít nông dân trắng tay cả công sức lẫn vốn liếng, rơi vào vòng nợ nần, thậm chí đói nghèo. Đó không chỉ là tổn thất của cá nhân mà là thiệt hại của cải vật chất của xã hội.

Không riêng nghề nuôi cá lồng, nhiều ngành sản xuất khác cũng đang trong tình trạng phập phù, bấp bênh. Chuyện ồ ạt nuôi tôm trên đầm phá trước đây và nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát gần đây là những bài học nhãn tiền. Hoặc gần là tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa của một số cây trồng vật nuôi như gà, lợn, nông sản…

Nguyên nhân của tình trạng trên không khó chỉ ra. Ngoài yếu tố bất lợi của thời tiết thì nguyên nhân chính vẫn là việc phát triển sản xuất tự phát, chưa được sắp xếp hợp lý, đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật, một số vùng nuôi nằm ngoài quy hoạch, dễ dịch bệnh khi môi trường nước biến động.

Để hạn chế tổn thất trong sản xuất, các ngành chức năng, các địa phương luôn theo sát chỉ đạo, hướng dẫn khung lịch thời vụ, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh… Tỉnh cũng phê duyệt quy hoạch, có quy định về phát triển từng ngành nghề. Chẳng hạn, với nghề nuôi cá lồng, từ năm 2016, tỉnh có Quyết định 60 quy định rất cụ thể rõ ràng về điều kiện nuôi, vị trí đặt lồng bè, khoảng cách, mật độ lồng bè, con giống, việc xử lý chất thải…; trách nhiệm của người nuôi, các ngành liên quan, chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, trên thực tế người dân vẫn chưa tuân thủ chặt chẽ các quy định về nuôi trồng; các ngành chức năng chưa kiểm soát được quy trình, con giống, thức ăn; chính quyền địa phương chưa quản lý được người nuôi… Thậm chí, có không ít trường hợp vi phạm rõ ràng nhưng chính quyền địa phương chỉ dừng ở mức độ nhắc nhở, chưa kiên quyết xử lý khi mới manh nha dẫn đến phát triển ồ ạt, không kiểm soát được… Đây là điều cần sớm được khắc phục.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành nông nghiệp đứng trước nhiều thách thức, cơ hội để phát triển. Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao bắt đầu được đầu tư; các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi tôm theo quy trình khép kín được triển khai ở một số nơi; mối liên kết giữa doanh nghiệp với nhà nông hình thành… đem lại hiệu quả sản xuất cao. Đó là cơ sở để đưa nông nghiệp đến sản xuất an toàn, bền vững. Vẫn biết sẽ không dễ và không phải ngày một ngày hai để chuyển đổi cả nền sản xuất, nhưng nếu không sớm khởi động, tích cực nhập cuộc thì không biết khi nào đến đích và khi đó chúng ta càng ngày càng tụt hậu.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới

Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế-xã hội; liên quan trực tiếp các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương. Ðây là nguồn lực, là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới
Tìm giải pháp để sân khấu Việt 'cất cánh'

Nếu như năm 2022, sân khấu Việt có sự tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ cả về lượng và chất, sang năm 2023, sân khấu Việt lại có phần ảm đạm. Đâu là lý do của tình trạng này và làm thế nào để sân khấu Việt "cất cánh" trong những năm tiếp theo là một “bài toán khó” mà những người yêu sân khấu đang nỗ lực tìm lời giải.

Tìm giải pháp để sân khấu Việt cất cánh
Return to top