ClockThứ Sáu, 02/08/2019 21:47

Trung Quốc với nhiều sai phạm trên biển đông

TTH - Cuộc tranh chấp giữa các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc, bao gồm cả Việt Nam và Trung Quốc dự kiến sẽ được bàn luận tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) trong tuần này, đặc biệt là khi ASEAN và Trung Quốc đang tiến gần hơn đến việc hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).

Trung Quốc không thể thắng nếu chơi bài “tổng bằng 0” ở Biển Đông

Không hy vọng va chạm, nhưng Việt Nam cũng sẽ không dung thứ cho những hành động vượt qua giới hạn. Ảnh minh họa: The Diplomat

Được biết, các yêu sách “lãnh thổ chồng chéo” từ lâu đã gây nên sự căng thẳng trong mối quan hệ Trung Quốc – Việt Nam. Cụ thể, đối với vấn đề về Bãi Tư Chính (tiếng Anh gọi là Vanguard Bank), đây là khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý tính từ đường cơ sở và hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đưa ra yêu sách “Đường chín đoạn” dù đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) bác bỏ vào năm 2016.

Biển Đông là một trong những tuyến giao thương đường thủy nhộn nhịp và quan trọng nhất thế giới, với lượng giá trị hàng hóa đạt khoảng 5 nghìn tỷ USD mỗi năm. Các tranh cãi trong vùng biển này bao gồm giữa các nước Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei. Bãi Tư Chính đánh dấu là cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất của hai quốc gia kể từ tháng 5/2014, khi Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đem giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển gần khu vực đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Lúc này, Việt Nam đã cử tàu ra ngăn chặn. Cuộc căng thẳng tiếp tục khi vào ngày 12/7/2019 khi Trung Quốc cố tình xâm phạm khu vực Bãi Tư Chính. Việt Nam đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy tàu khảo sát địa chất của Trung Quốc đã tiến hành một cuộc khảo sát dầu khí quanh Bãi Tư Chính - rạn san hô do Việt Nam kiểm soát. Được biết, không chỉ với Việt Nam, Trung Quốc cũng tham gia vào nhiều tranh chấp tương tự với Malaysia và Philippines về các hoạt động “thăm dò năng lượng”.

Liên tục bác bỏ phương án hòa giải, Trung Quốc đã ngăn chặn các nỗ lực của khối ASEAN trong tiến trình xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.

Bằng chứng về sự xâm nhập của Trung Quốc

Trong tranh chấp gần đây nhất, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) và Trung tâm Nghiên cứu quốc phòng cấp tiến (C4ADS) ra báo cáo cho thấy, nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8 đã đi vào vùng biển gần quần đảo Trường Sa. Cùng với nhiều hành động khác như vấn đề liên quan đến chuyến tuần hành của tàu Haijing 35111, giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc cần hiểu rõ các hành vi như vậy sẽ đi ngược với lợi ích của nước này, nhiều khả năng sẽ gây ra sự đối đầu với các liên minh tôn trọng chuẩn mực toàn cầu.

Việt Nam cứng rắn

Sau nhiều nỗ lực, Việt Nam bày tỏ rõ quan điểm không hy vọng va chạm, song đồng thời cũng sẽ không dung thứ cho những hành động khiêu khích và sẵn sàng đáp trả nếu Bắc Kinh vượt qua giới hạn. Những nỗ lực giải quyết trong hòa bình của Việt Nam được thực hiện với hy vọng cuộc tranh chấp sẽ không làm leo thang và mang lại thiệt hại, cũng như xung đột cho mối quan hệ giữa hai nước.

Cụ thể, Việt Nam đã nhiều lần liên lạc với Trung Quốc qua các kênh khác nhau, đưa ra các công hàm phản đối hành vi vi phạm của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc ngừng mọi hành động phi pháp và rút tàu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Yêu cầu tôn trọng quy tắc toàn cầu

Dẫn đầu phái đoàn tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng Phong trào Không liên kết (NAM) diễn ra từ ngày 21-22/7 tại Caracas (Venezuela) để chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao NAM diễn ra vào tháng 10 sắp tới, Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, giải quyết hòa bình các xung đột, tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế nêu trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển... Vị đại sứ cũng kêu gọi các nước tự kiềm chế và tránh các hành động gây phức tạp tình hình, bao gồm các hành động đơn phương và quân sự hóa ở Biển Đông.

Mỹ quan tâm

Bộ Ngoại giao Mỹ thông tin, các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc đe dọa an ninh năng lượng của khu vực và phá hoại thị trường năng lượng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Nhất trí với bình luận của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton cũng nhận xét hành vi của Trung Quốc đối với các nước láng giềng Đông Nam Á là phản tác dụng, đe dọa đến hòa bình và ổn định khu vực. Tuyên bố của Mỹ nhấn mạnh, Trung Quốc phải thay đổi chính sách Biển Đông và không làm xáo trộn trạng thái cân bằng hiện có của khu vực. Tốt nhất là Trung Quốc phải rút các tàu đang hoạt động trên vùng biển Việt Nam và chấm dứt chủ nghĩa phiêu lưu quân sự như vậy trong tương lai.

HẠNH NHI

(Tổng hợp từ Eurasia Review, BBC & Jakarta Post)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kinh tế đình trệ, ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc chọn cuộc sống độc thân

Cô Chai Wanrou, nhà sáng tạo nội dung làm việc tự do ở thành phố Tây An, Trung Quốc, cho rằng hôn nhân mở ra một cuộc sống không công bằng với phụ nữ. Giống như nhiều phụ nữ trẻ ở Trung Quốc, cô là một phần của phong trào tôn thờ chủ nghĩa độc thân, định hướng một tương lai “không chồng, không con” - đặt ra một thách thức mà mà chính phủ có thể phải đối mặt.

Kinh tế đình trệ, ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc chọn cuộc sống độc thân
ADB: Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), mặc dù tổng thương mại của một số nước với Trung Quốc đã giảm, nhưng sự tham gia và tầm quan trọng của nước này trong chuỗi giá trị toàn cầu vẫn không hề suy giảm, và Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới.

ADB Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới
Return to top