ClockThứ Tư, 25/10/2017 14:26

Bên bến sông quê...

TTH - Nhớ những đêm trăng sáng, khi cây lúa bước vào thì làm đòng, đêm đêm, người dân quê tôi vẫn mang chiếc gàu sòng ra sông tát nước.

Nhà ở ven sông...

Suốt thời thơ bé, hình ảnh bến nước sông quê nằm soải dài phơi mình trong nắng gió đồng nội đối với tôi có sức quyến rũ lạ kỳ. Ở khúc sông ấy, biết bao trưa hè nắng nóng, tụi con nít trong xóm chúng tôi thường trốn mẹ ra sông tắm mát, chỉ rứa thôi mà niềm hân hoan vỡ giòn như bọt nước. Cũng có khi, nước sông rửa sạch những lằn roi của trò nghịch dại, rồi tôi nhanh chóng quẹt nước mắt cười toe ngụp lặn cùng chúng bạn. Chúng tôi thích chơi đánh trận giả, chơi trốn tìm trên những tán si rậm rạp ven sông. Chơi chán thì nằm vắt vẻo trên những cành sung to hái quả chấm với muối ớt ăn ngon lành. Cái vị chan chát của sung hòa quyện với vị mặn của muối, vị cay của ớt không làm sao quên được. Có đứa ăn nhanh quá nghẹn cả cổ, nước mắt, nước mũi trào ra vội chạy xuống sông vục lấy nước uống ừng ực, vừa uống vừa ho sặc sụa, để rồi nhìn nhau ôm miệng cười khoái chí. Rong chơi dưới nắng hè gay gắt nên da đứa nào cũng đen sạm, vậy mà khúc sông quê những trưa về chẳng bao giờ vơi bớt tiếng cười trẻ nhỏ.

Bên bến sông quê, những sớm mai đầy nắng, thấp thoáng bóng mẹ, bóng chị ra sông giặt giũ. Mặt nước sông trong xanh và sạch, dân trong làng già trẻ, trai gái sau giờ đồng áng lại ra sông tắm giặt, chuyện trò rôm rả. Tất cả họ, từ trong vô thức vẫn coi nơi ấy là chốn sinh hoạt mang tính cộng đồng từ bao đời… Nơi đây, họ thủ thỉ tâm sự cùng nhau chuyện nhà cửa, chuyện xóm làng, sẻ chia những niềm vui, nỗi buồn trong đời thường còn nhiều vất vả.

Nhớ những đêm trăng sáng, khi cây lúa bước vào thì làm đòng, đêm đêm, người dân quê tôi vẫn mang chiếc gàu sòng ra sông tát nước. Ánh trăng tròn vành vạnh tan loãng dưới lòng sông lấp loáng. Họ nhịp nhàng tay gàu múc nước mà tôi cứ ngỡ như đang “múc ánh trăng vàng đổ đi”. Cuộc sống thanh bần, đạm bạc, canh nông thuần chất êm ả giống như một bức tranh quê mộc mạc quá đỗi thân thương.

Thời gian trôi qua, tuổi thơ lớn dần theo năm tháng, dòng sông quê vẫn âm thầm chở nặng phù sa bồi đắp cho cánh đồng làng quê thêm trù phú, vẫn hiền hòa theo từng con nước nhưng dường như man mác nỗi buồn chi lạ. Ngày nay, hình ảnh gắn bó giữa con người với bến sông quê ít nhiều đã phai nhạt, bởi giờ đây nước sông cũng bị ô nhiễm, đa số người dân đã sử dụng nước máy để tắm và sinh hoạt hàng ngày. Bến nước bên sông vắng lặng, không còn in dấu chân của các bà, các chị, của con trẻ nô đùa. Hình ảnh chiếc thuyền neo đậu bến sông cũng dần biến mất, tất cả chỉ còn neo giữ trong giấc mơ vừa gần gũi vừa xa xôi...

Nguyệt Tú

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Siêu trộm đường sông sa lưới

Trưa 8/12, Công an TP. Huế cho biết, thời gian qua, trên địa bàn liên tiếp xảy ra nhiều vụ trộm. Thủ đoạn của đối tượng gây án là di chuyển bằng đường sông, lợi dung đêm khuya vắng vẻ để đột nhập vào nhà dân ven sông trộm cắp tài sản có giá trị.

Siêu trộm đường sông sa lưới
Mùa tát bàu

Bận rộn, vất vả nhưng vô cùng vui vẻ, háo hức, những ngày này, rất nhiều người làng tôi đang trông chờ vào mùa tát bàu bội thu.

Mùa tát bàu
Xanh rì bình bát ven sông

Tôi đứng ngẩn ngơ bên con hẻm nhỏ giữa phố, ngắm nhìn hàng rào gỗ mộc mạc xanh rì dây bình bát giữa sớm mai lao xao ngọn nắng mỏng.

Xanh rì bình bát ven sông
Quê mình có thêm sản phẩm mới

Không đợi đến khi những cánh đồng bị thu hẹp bởi tiến trình đô thị hóa mà ngay từ những năm 1960, khi thế hệ chúng tôi lớn lên, giống lúa gạo de An Cựu hầu như đã tuyệt chủng, một phần vì kén đất và năng xuất thấp, phần khác như khảo sát của TS. Trần Đình Hằng, cả vùng An Cựu, thời Nguyễn cũng chỉ trồng hơn 13 mẫu, chủ yếu được dành cung tiến Đại Nội.

Quê mình có thêm sản phẩm mới
Chuyện về những người yêu nước bên phá Hà Trung

Những dòng ghi chép thật là ngắn ngủi và vắn tắt, nhưng lại gợi lên biết bao điều suy đoán về một vùng đất, về những con người, về bối cảnh của sự việc đã diễn ra cách đây 105 năm mà lịch sử chưa đề cập đến tên của những nhân vật này...

Chuyện về những người yêu nước bên phá Hà Trung
Return to top