ClockThứ Ba, 02/08/2022 08:49

Xanh rì bình bát ven sông

Ký ức Ô LâuChợ làng thoáng gặpMơ đến ngày xưa

Tôi đứng ngẩn ngơ bên con hẻm nhỏ giữa phố, ngắm nhìn hàng rào gỗ mộc mạc xanh rì dây bình bát giữa sớm mai lao xao ngọn nắng mỏng. Những bông hoa trắng xóa nằm phơi mình trên vạt dây leo, như đang thảnh thơi khoe sắc dưới ánh mặt trời. Thấp thoáng trong vạt lá hình ngôi sao xanh biếc, những quả bình bát đỏ chót đến chói mắt, điểm tô cho hàng rào thêm sống động.

Lũ chim trời nghe mùi thơm của trái chín, kéo về rúc rích nơi hàng rào. Những bàn chân bé xíu bám trên từng sợi dây leo mỏng mảnh, chiếc mỏ bé xíu thích thú mổ lên những quả đỏ chín mọng. Buổi sáng nơi con hẻm nhỏ xanh rì màu lá bỗng rộn ràng bởi những tiếng chim. Tôi nhìn vạt dây leo thân thuộc, bồi hồi như gặp lại người quen cũ. Chủ nhân của ngôi nhà này, chắc họ cũng yêu quê lắm, mới đem thứ dây leo bình dị nơi thôn xóm, vắt lên hàng rào gỗ mộc mạc giữa phố xá thênh thang. Tôi đứng bên hàng rào nơi phố thị, mà cứ ngỡ như đang đứng đâu đó bên bờ giậu quê nhà.

Đêm trước trời đổ mưa rả rích. Mùa hè này thường có những cơn mưa bất chợt lạ lùng như thế. Đêm nằm ngủ nghe tiếng mưa rơi lộp độp trên mái nhà, kéo tấm chăn mỏng phủ lên người, nghe mùi đất theo hơi nước phả vào nhà mà cứ ngỡ đang trôi giữa mùa thu mát lạnh ở chốn quê. Sáng ra trời vẫn còn âm ẩm mùi mưa dìu dịu, cỏ cây đã bỏ quên vẻ héo rũ của mình mà vươn lên xanh mướt. Tôi nhìn những ngọn bình bát treo vắt va vắt vẻo trong gió mà nhớ dáng ngoại nơi quê nhà. Nhớ những tháng ngày tuổi thơ trong veo bên lũy tre làng. Nơi đó, dây bình bát quanh năm xanh um vắt ngang vắt dọc nơi lũy tre lúc nào cũng kĩu kịt tiếng gió.

Những buổi trưa trốn ngủ, tôi cùng đám bạn thường xúm xít bên lũy tre đầu ngõ nhà. Cả bọn bứt tóc câu đám cun cút nằm trong những chiếc lỗ nhỏ xíu trên đất. Trong tiếng gió thì thầm là tiếng radio của bà loang dài trong vệt nắng trưa hắt nồng mùi lá tre mục nát. Bà thường chỉ nằm chút xíu rồi luồn lách dưới mấy khóm tre bẻ măng vòi và hái rau bình bát. Những dây bình bát thường vắt ngang vắt dọc trên thân tre, những chiếc lá hình ngôi sao lúc nào nhìn cũng xanh non mơn mởn. Bà sẽ kéo những dây bình bát xuống rồi bứt cả thân dài, gom lại thành một nhúm to mới ngồi tỉ mẩn nhặt lá và ngắt lấy những đọt non.

Tôi thường hay theo chân bà hái rau bình bát, hái luôn cả những trái bình bát non xanh và cả những trái vừa chín đỏ. Bà hay đưa tay vuốt những mái tóc khét cháy mùi nắng của mấy đứa cháu, khi cả bọn xúm xít bên ngọn lá chuối đựng nhúm muối ớt vừa len lén trộm trong chái bếp của mạ. Trái bình bát nhìn y như quả dưa chuột, chấm muối ớt cay xé lưỡi, ăn giòn giòn, có vị vừa chua vừa chát, vậy mà cả đám đứa nào cũng nhai rào rạo đầy thích thú. Cái thuở khó nghèo, một quả mít cám chát ngầm, quả chanh giấy chua lè cũng khiến những buổi trưa của lũ trẻ xôn xao rộn rã những tiếng cười.

Tôi thích vị của quả bình bát chín đỏ, vừa ngọt thanh lại có mùi thơm dìu dịu. Những hôm hái được nhiều trái chín, cả bọn vừa ăn vừa rúc rích cười khi nhìn lũ chim ngơ ngác đậu đầy trên ngọn tre. Dường như chúng cũng đang kêu lên những tiếng đầy bất mãn vì bị lũ trẻ cướp mất trái chín. Những bữa cơm chiều bên hiên nhà lộng gió, bao giờ cũng có tô canh rau bình bát nấu với tôm đồng. Cái vị thanh mát, ngọt lành của rau bình bát đã làm dịu cái oi nồng của chiều mùa hạ. Để những năm tháng xa nhà, đôi khi lại thấy nhớ da diết cái vị rau quê, nhớ dáng bà lom khom ngồi bên lũy tre làng, tỉ mẩn nhặt từng ngọn lá khi nắng chang chát phủ xuống ngọn tre làng.

Để sớm nay, khi đứng bên hàng rau xanh mướt, tôi lại nghĩ đến món canh quê. Ở quê nhà, mùa này chắc chim kéo về đầy trước ngõ, khi trái bình bát chín đỏ treo đầy trên những ngọn tre.

Linh Chi

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Nhìn vô trong Huế...”

Thuở ấu thơ, trẻ con làng tôi đứa mô cũng có một niềm ao ước đó là được đi Huế chơi ít nhất là một lần. Đình làng Đại Lộc quê tôi có một lùm mù u rậm rạp và là chốn để chúng tôi leo trèo và hát những câu nghêu ngao vào những buổi chiều hè: “Trèo lên cây mù u nhìn vô trong Huế...”. Rồi những đêm không trăng, trời đầy sao, lũ trẻ con làng chúng tôi nhìn về phía xa xôi, nơi có một quầng sáng phía chân trời và nói với nhau rằng, đó là Huế. Hồi đó, làng tôi có một chuyến đò đi Huế hàng ngày xuất phát ở bến đò Đồng Dạ, nơi con sông Ô Lâu bắt đầu chảy qua làng tôi. Nhưng phải có công chuyện chi quan trọng thì nông dân làng tôi mới đi Huế, còn trẻ con như chúng tôi thì rất khó để được đi.

“Nhìn vô trong Huế  ”
Lối về ngõ hạnh

Quê chồng tôi ở Phú Thượng (Phú Vang - nay thuộc TP. Huế), mỗi năm có vài lần kỵ, chạp. Mỗi lần ghé về, điều tôi thích nhất ngoài những căn bếp ngăn nắp có chiếc tủ gạc - măng - rê xưa cũ, ngoài những mẹt bầu, bí đao được cắt mỏng phơi khô tỏa mùi thơm giòn đặt trên mấy chạn củi của các thím, tôi còn vô cùng thích thú những con ngõ biếc xanh.

Lối về ngõ hạnh
Hình bóng quê nhà

Năm 2005, nhà báo Dương Phước Thu tặng tôi cuốn sách “Qua sông nhìn lại bến bờ” vừa ra mắt. Đây là tập bút ký tư liệu - nghiên cứu lịch sử, khảo lược quá trình hình thành xứ Thuận Hóa, tỉnh Thừa Thiên đến thành phố Huế ngày nay. Lướt qua phần viết về quê mình, tôi gọi điện cho anh, phản ứng vì xưa đến giờ, làng tôi chỉ là một, không có thôn La Chử Thượng, thôn La Chử Trung, thôn La Chử Đông, thôn La Chử Nam, thực chất Thượng, Trung, Đông, Nam là các phường của làng. Vài ngày sau, anh nói tôi tới lấy “vật chứng” với lời phàn nàn: Tức quá, sách mới ra đã có 2 người phàn nàn rằng chưa chính xác! Tài liệu anh đưa là bản sao Quyết định của UBND tỉnh về việc phê chuẩn số thôn, khu vực của các xã, thị trấn thuộc huyện Hương Trà từ tháng 8/2000; căn cứ để anh đưa thông tin vào.

Hình bóng quê nhà
Giữ gìn làng quê sạch đẹp

Hậu xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương trên địa bàn tỉnh thi đua nhân rộng các khu dân cư (KDC) kiểu mẫu. Đây là mô hình có tính tổng hợp các tiêu chí, là mẫu chuẩn trong xây dựng NTM gắn với các tiêu chí khó như: xây dựng KDC văn minh, thi đua làm các tuyến đường kiểu mẫu, thực hiện phân loại rác tại nguồn, chuyển đổi sản xuất an toàn…

Giữ gìn làng quê sạch đẹp
Đua trên đồng làng

Mới xong trận lụt to, vào "phây" của chú em đã thấy rộn ràng khi được biết chủ nhật đến quê tôi tổ chức đua ghe. Bao ký ức một thuở lại ùa về. Vậy là, dù bận rộn bao công việc phải lo và phải làm, cũng vội vàng sắp xếp để chủ nhật về làng coi… đua.

Đua trên đồng làng
Return to top