ClockThứ Sáu, 26/04/2024 05:42

Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều

TTH - Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, bằng giai đoạn “hoàng kim” năm 2019. Thừa Thiên Huế là một trong địa phương có thế mạnh về du lịch. Để góp phần đưa du lịch Việt Nam tăng tốc trên “đường đua”, du lịch Cố đô cần tận dụng những điều kiện thuận lợi, nhất là hợp tác thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa Việt Nam và các nước.

Ba doanh nghiệp lữ hành ký kết hành động giảm nhựaTăng cường bảo đảm an toàn các hoạt động du lịch trong dịp lễ và cao điểm mùa hèĐảm bảo an toàn tại các điểm du lịch suối thác

 Khách nước ngoài đến Huế du lịch từ đường tàu biển

Trao đổi khách du lịch mở ra cơ hội

Công bố mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy tín hiệu đáng mừng khi khách quốc tế đến Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 4,6 triệu lượt, tăng 72% so với cùng kỳ và 3,2% so với 2019 - năm được đánh giá là “hoàng kim” của du lịch Việt Nam. Tại Thừa Thiên Huế, 3 tháng đầu năm chứng kiến sự “bùng nổ” khi lượng khách quốc tế đến Huế còn cao hơn cả khách nội địa, với 447 nghìn lượt (tăng 74,6% so với cùng kỳ).

Du lịch phục hồi mạnh mẽ nhờ hiệu quả của chính sách thị thực thuận lợi, chương trình kích cầu xúc tiến du lịch. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến hoạt động trao đổi khách du lịch. Những năm gần đây, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và phía đối tác đã thực hiện nhiều hoạt động hợp tác đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều. Điển hình như tháng 9/2023, Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) và Văn phòng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) tại Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ MOU về hợp tác nhằm thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa 2 nước. Từ hợp tác này, hai bên chia sẻ thông tin liên quan đến chính sách du lịch, xu hướng thị trường du lịch, thống kê du lịch và thúc đẩy giao lưu giữa các doanh nghiệp du lịch… Cũng từ đó, xây dựng các chương trình du lịch Việt Nam - Hàn Quốc mang tính chuyên nghiệp cao từ việc nghiên cứu nhu cầu của khách, xây dựng sản phẩm, quảng cáo, tư vấn cho khách du lịch, tổ chức các chuyến du lịch giữa 2 quốc gia.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng việc trao đổi khách giữa hai quốc gia sẽ tạo được mức độ rất cao trong phát triển du lịch. “Mối liên kết giữa hai bên ngày càng lớn. Chỉ khi nào việc trao đổi khách hai chiều được đẩy nhanh thì hợp tác du lịch Việt Nam - Hàn Quốc mới phát triển bền vững được”, ông Bình đánh giá.

Cùng với Hàn Quốc, ngành du lịch Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy trao đổi khách du lịch với các nước thông qua nhiều hoạt động hợp tác và kết nối kinh doanh du lịch, trong đó nổi bật như Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Australia… Theo các chuyên gia du lịch, sau đại dịch, những xu hướng du lịch mới đã nhanh chóng được áp dụng để điều chỉnh theo những thay đổi trong hành vi của khách hàng, việc hợp tác trao đổi khách du lịch cũng là một hướng hợp tác nhằm tăng cường kết nối các điểm đến. Thực tế, các chính sách hợp tác từ ngành du lịch, đặc biệt là từ vai trò của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ mở ra cơ hội gia tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Song, để tạo ra hiệu quả, vai trò của từng địa phương trong việc khai thác giá trị của điểm đến thông qua các sản phẩm du lịch và công tác xúc tiến, quảng bá rất quan trọng và cần tính chủ động.

 Khách chuẩn bị lên tàu trải nghiệm đường tàu du lịch Huế - Đà Nẵng

Nỗ lực hút khách

Năm 2023, ba địa phương là Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế phối hợp Hội Hữu nghị Malaysia - Việt Nam tổ chức Chương trình giới thiệu du lịch tại Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC), Kuala Lumpur, Malaysia và tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế ITB ASIA ở Singapore. Bên cạnh việc giới thiệu điểm đến, cập nhật thông tin, sản phẩm du lịch mới và dịch vụ du lịch của các doanh nghiệp đến các đối tác nước bạn, công tác xúc tiến, quảng bá và hợp tác với các đối tác quốc tế để khách du lịch từ Malaysia, Singapore và khu vực ASEAN cũng như từ các thị trường chuyển tiếp khác sẽ tăng trưởng trở lại cũng được triển khai, trong đó có các hợp tác theo hướng trao đổi khách du lịch.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, mục tiêu phấn đấu về lượng khách năm 2024 của du lịch Huế là đón khoảng 3,5 - 4 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 30-40%. Trên những thuận lợi của chính sách thị thực, các chính sách lớn của ngành du lịch, chính quyền địa phương và ngành du lịch tỉnh đang đẩy mạnh hợp tác với chính quyền và các doanh nghiệp đối tác nước bạn để xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với từng thị trường khách du lịch, khai thác và tổ chức tốt các chuyến bay charter, kết nối và mở thêm các đường bay quốc tế mới.

Theo bà Dương Thị Công Lý, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh, ngành du lịch tỉnh và Hội Lữ hành cũng sẽ tập trung tổ chức các chương trình famtrip để các doanh nghiệp du lịch quốc tế khám phá, tìm hiểu về thông tin điểm đến, sản phẩm du lịch của Huế, từ đó đưa vào khai thác và giới thiệu cho du khách. Đầu năm 2024, đoàn famtrip đến từ Philippines với hơn 60 người, đại diện cho gần 60 doanh nghiệp lữ hành nước bạn đến tìm hiểu, khảo sát các tuyến điểm du lịch ở các tỉnh miền Trung Việt Nam gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Sắp tới, sẽ có thêm nhiều hoạt động để giới thiệu và tiếp cận các thị trường khách tiềm năng nhằm tạo sức hút đưa khách đến Việt Nam nói chung, Huế nói riêng.

Hiện, các doanh nghiệp lữ hành của Thừa Thiên Huế cũng tăng cường liên kết với các đối tác ở nước ngoài, thúc đẩy trao đổi khách du lịch hai chiều; vừa phục vụ nhu cầu du lịch nước ngoài của khách gắn với nâng cao chất lượng các chương trình du lịch và đảm bảo quyền lợi của khách Việt Nam khi đi du lịch nước ngoài. Ở chiều ngược lại, cũng hợp tác để thu hút khách đến Huế trải nghiệm dịch vụ du lịch.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đẩy nhanh tiến độ các quy hoạch phân khu

Năm 2024, TP. Huế tập trung chỉ đạo hoàn thành 18 đồ án QH, quy chế, bao gồm 11 QH phân khu, 1 quy chế quản lý kiến trúc thực hiện để phủ kín QH phân khu các phường, xã và 6 đồ án QH lập, điều chỉnh để phù hợp QH chung đô thị tỉnh. Đến nay, các đồ án điều chỉnh QH các phường thuộc phạm vi thành phố trước khi mở rộng đã cơ bản hoàn thành trình thẩm định theo kế hoạch; các đồ án QH các phường, xã sáp nhập vào thành phố đã hoàn thành trình thẩm định, phê duyệt và đảm bảo phủ kín 100% QH phân khu trên địa bàn thành phố.

Đẩy nhanh tiến độ các quy hoạch phân khu
Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét
Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch

Huế có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng vẫn còn hạn chế trong việc liên kết phát triển du lịch, nhất là kết nối giữa các điểm đến, kết nối điểm đến với doanh nghiệp lữ hành. Đây là điểm cần khắc phục để tăng sức hấp dẫn và tạo ra nhiều trải nghiệm thu hút khách.

Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch
Phát triển các tiện ích, hệ sinh thái du lịch thông minh

Sự tác động của cuộc cách mạng 4.0 đã kéo theo sự phát triển của xu hướng du lịch thông minh. Các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành du lịch không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra các sản phẩm mới, giúp nâng cao trải nghiệm của du khách mà còn cần những sự thay đổi phù hợp với tình hình mới.

Phát triển các tiện ích, hệ sinh thái du lịch thông minh

TIN MỚI

Return to top