Thể thao trong nước

Cần cơ chế đặc thù cho cờ vua Huế

ClockChủ Nhật, 01/05/2016 06:46
TTH - Trước thềm Festival Huế 2016, đất Cố đô rộn ràng, sôi động hơn từ các giải xe đạp, quần vợt, cờ vua với sự góp mặt của nhiều VĐV đẳng cấp quốc gia và quốc tế. Điều này chứng tỏ, Huế vẫn là địa điểm lý tưởng cho các giải đấu thể thao lớn.

Hà Phương Hoàng Mai (phải), một  trong những triển vọng của cờ vua Huế. Ảnh: Võ Nhân

Đáng tiếc, những giải đấu này lại vắng bóng các VĐV chủ nhà, hoặc nếu có cũng chỉ là những VĐV trẻ với tinh thần cọ xát, học hỏi. Sở dĩ nói đáng tiếc bởi, Huế từng là nơi đầu tiên của Việt Nam đón nhận các môn thể thao hiện đại như quần vợt (với các sân ở Đại Nội, 11 Lê Lợi) hay xe đạp với lòng chảo nổi tiếng ở sân Tự Do. Tại sao quần vợt hay xe đạp Huế có tiềm năng, có truyền thống lại không phát triển được là cả một câu chuyện dài với nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan…

Với môn cờ vua lại khác. Phát triển rực rỡ, giữ vững vị thế hàng đầu trong cả thập niên 1990 cho đến khi cả một loạt tài năng cờ vua Huế ra đi tìm những bến đỗ mới… Vấn đề đặt ra cho ngành thể thao Huế là có những chiến lược thế nào để phục hưng môn thể thao thế mạnh?

So với nhiều môn thể thao, cờ vua Huế không có xuất phát điểm thuận lợi, dẫu vậy, chính cờ vua lại mang về nhiều vinh quang nhất cho thể thao Cố đô. Tuy nhiên, những năm gần đây, cờ vua Huế gần như vắng bóng ở bảng xếp hạng của giải cờ vua hạng Nhất quốc gia cũng như thành tích tại các giải quốc tế. Nguyên nhân ai cũng biết. Thế nhưng, đáng mừng là cờ vua Huế vẫn còn đó “nền tảng” của mình là bộ đôi HLV tài năng Bảo Tài và Nguyễn Thị Thuận Hóa.

HLV Bảo Tài là một người xuất thân từ một cử nhân toán học. Bằng niềm đam mê với môn thể thao trí tuệ, anh đã học hỏi, tìm tòi để có những phương pháp huấn luyện theo cách riêng của mình. Chính HLV Bảo Tài là người đã đặt nền móng và xây dựng nên ngôi nhà cờ vua của Thừa Thiên Huế. Những học trò của anh từ Thuận Hóa, Thanh Sơn đến Bảo Trâm, Như Ý… đã bước lên đỉnh cao sau khi được truyền đạt những nước cờ “độc” của HLV Bảo Tài. Còn với người bạn đời là HLV Nguyễn Thị Thuận Hóa, nữ kỳ thủ này cũng không kém cạnh khi đã và đang đồng hành cùng chồng mình để tiếp tục tạo nên những dấu ấn lớn cho cờ vua Huế…

Không như bóng đá vẫn được rót tiền tỷ, cờ vua Huế những năm qua hầu như chưa có sự đầu tư cần thiết xứng tầm với một môn thể thao thế mạnh. Chúng ta có hẳn một trường Trung cấp TDTT, cả một Liên đoàn cờ. Thế nhưng chưa bao giờ những đơn vị hay tổ chức xã hội này đứng ra tổ chức một hội thảo về cờ vua. Thầy Tài và cô Hóa vẫn đầy tâm huyết, nhưng đó chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để vực dậy cờ vua, bởi, để xóa bỏ khoảng trống giữa một thế hệ tài năng với lớp đàn em kế cận thì cần phải có cơ chế đặc thù cho bộ môn này, có càng sớm càng tốt!

PHI TÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cùng chơi mà học với cờ vua

Cờ vua đang được các bậc phụ huynh chọn làm môn thể thao cho các em học sinh nhỏ theo phương châm “chơi mà học”, đặc biệt là trong dịp nghỉ hè.

Cùng chơi mà học với cờ vua
Gặp gỡ tân kiện tướng cờ vua

Kết thúc Giải Vô địch cờ vua các nhóm tuổi Đông Nam Á mở rộng 2023 tại Bangkok - Thái Lan, Nguyễn Hà Khánh Linh (sinh năm 2008), học sinh lớp 10 chuyên Tin của Trường trung học phổ thông chuyên Khoa học Huế xuất sắc giành Huy chương Vàng (HCV) cá nhân cờ tiêu chuẩn và 2 HCV đồng đội cho đoàn thể thao Việt Nam. Khánh Linh được Liên đoàn Cờ vua Quốc tế (FIDE) trao tặng danh hiệu Kiện tướng FIDE nữ (WFM).

Gặp gỡ tân kiện tướng cờ vua
Return to top