ClockThứ Sáu, 02/09/2016 05:26

Câu chuyện xúc động về một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng

TTH - Ông Hoàng Đức, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh chia sẻ: “Câu chuyện của hai người phụ nữ, Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Ràng và bà Nguyễn Thị Sen (xã Phong Bình, huyện Phong Điền) rất xúc động. Chiến tranh có thể lấy đi những thứ quý giá của đời người nhưng tình cảm chân thành của những người vợ vẫn mãi trường tồn. Đó là tình cảm thiêng liêng không gì đổi được, xuất phát từ sự hy sinh của những con người có tấm lòng cao cả.

Vợ chồng ông Diện đọc lại những bức thư của hai liệt sĩ  

Cưới vợ cho… chồng

Cựu binh Phạm Bá Diện đã quá nổi tiếng, người được biết đến với tư cách là nghệ nhân truyền bá văn hóa dân gian của làng Phò Trạch. 95 mùa xuân qua ngõ nhưng ông vẫn minh mẫn, khí khái, hào sảng, đậm chất người lính Cụ Hồ. Miên man cùng cựu binh già với những câu chuyện chiến đấu của người lính, bất giác ông dừng lại ở tấm ảnh Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Ràng tay bồng, tay dắt con tiễn chồng ra tiền tuyến. Nhìn ảnh, mắt ông ngấn lệ.

Nhắc đến bà Ràng, người khuất núi hơn mươi năm trước bỗng dưng tim ông đập mạnh, cảm xúc lẫn lộn. “Hồi hộp lắm anh ơi, kể chuyện này không biết bắt đầu từ đâu. Vợ trước (bà Ràng) của tôi là người phụ nữ kiên trung, chu toàn, hết mực thương yêu chồng con”, ông Diện mở đầu câu chuyện.

Bên cạnh tấm ảnh Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Ràng là một bài báo giới thiệu về mẹ được ông đóng khung cẩn thận. Trong đó có đoạn: “Mẹ Nguyễn Thị Ràng sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng. Chồng mẹ, ông Phạm Bá Diện, từng tham gia cách mạng năm 1945. Năm 1951, ông vào bộ đội và ra Bắc. Mẹ ở lại quê hương vừa tần tảo nuôi 2 người con gái, vừa hăng hái hoạt động cách mạng và chờ đợi chồng. Hai người con gái của Mẹ sớm tham gia cách mạng và hy sinh nơi chiến trường…. Xa chồng, con hy sinh, song Mẹ đã nén đau thương, tiếp tục hoạt động cách mạng đến ngày miền Nam giải phóng, gặp lại chồng sau 25 năm xa cách”.

25 năm xa cách ấy đủ dài cho những thương nhớ nhưng khi gặp lại chồng bà Ràng lại đi cưới thêm vợ cho…chồng. “Năm 1972, tôi công tác, hoạt động tại Quảng Bình. Bởi tôi xa gia đình quá lâu, trong khi 2 đứa con hy sinh nơi chiến trường nên tổ chức tạo điều kiện cho vợ chồng được gặp nhau. Gặp nhau, vợ chồng đều đã già, vợ tôi không còn khả năng sinh đẻ. Ngày đêm bà trằn trọc, muốn “tạo điều kiện” cho tôi lấy vợ bé để có con, vì anh em tôi đều đã hy sinh”, ông Diện nói.

Biết được suy nghĩ của vợ, ông Diện một mực từ chối với lý do: “Tôi là đảng viên, không thể cưới thêm vợ. Nếu tôi muốn lấy vợ thì những năm tháng xa bà tôi đã cưới người khác”.

Mặc cho những lời giải thích chân thành của ông Diện, hàng đêm, nước mắt bà Ràng lăn dài trên gò má. Với người phụ nữ, ai mà chấp nhận chuyện san sẻ người đàn ông của đời mình cho người khác, nhưng Mẹ Ràng lại mải miết kiếm tìm một người phụ nữ để sẻ chia… người chồng, chỉ với lý do để chồng có thêm một người bầu bạn.

Trong cuộc kiếm tìm vợ cho chồng, bà Ràng giấu ông Diện, trở lại mảnh đất Phong Bình đầy khói lửa, nhờ những cụ cao niên trong họ tộc đến nhà của một phụ nữ cùng thôn ngỏ ý. Thuyết phục mãi, tấm lòng của mẹ mới nhận được cái gật đầu của người phụ nữ tên Sen. Giấu nước mắt vào trong, mẹ làm mâm cơm đạm bạc như cái lễ ra mắt với tổ tiên. Ra Quảng Bình, mẹ báo tin cho chồng, động viên chồng bầu bạn với vợ mới.

Bước qua lời nguyền

Bà Nguyễn Thị Sen (70 tuổi), vợ bây giờ của ông Diện không chỉ ngày đêm chăm sóc cho chồng mà còn giúp chồng hương khói cho Mẹ Việt Nam Anh hùng cùng hai liệt sĩ, gói gém cẩn thận những kỷ vật thời chiến của chồng mình. Nhưng để sống chung với ông Diện, bà phải bước qua một “lời nguyền” của chính bản thân.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bà Nguyễn Thị Sen góp công trong việc nuôi giấu cán bộ cách mạng. Bà lập gia đình với một người cùng quê, khi mang thai đứa con đầu lòng, chồng bà ra đi bởi một tai nạn lao động. Bà ở vậy 10 năm trời nuôi con cho đến khi bà Ràng đến nhà động viên bà đi bước nữa. “Chồng mất, người thân, chòm xóm ai cũng khuyên tui lấy chồng nhưng tui không có tâm trí nghĩ chuyện đó nên ở vậy. Một hôm, có một phụ nữ và cụ cao niên cùng thôn đến động viên tui lấy chồng. Nhưng trớ trêu người được mai mối chính là chồng của bà mối. Tôi lập tức từ chối”, bà Sen chia sẻ.

Ngày tháng trôi qua, bà Ràng nhiều lần đến nhà bà Sen thuyết phục. Rồi một hôm, hai người đàn bà tâm tình những điều giấu kín. Bà Sen tâm sự: “Chị Ràng hỏi vợ cho chồng, nếu tui đồng ý sẽ mang tiếng “cướp” chồng người khác. Nhưng khi nghe chị tâm sự rằng, chiến tranh đã cướp đi những đứa con của vợ chồng chị. Những người thân của chồng chị cũng ra đi vì Tổ quốc trong khi chị không còn khả năng sinh con. Gia đình tui cũng theo cách mạng nên đồng cảm với những mất mát, tổn thất ấy. Tôi mủi lòng đồng ý và làm mâm cơm bái gia tiên mà không có mặt… chú rể”.

Bà Sen đi bước nữa nhưng không sống chung với chồng. Hỏi mới biết đó là điều kiện để bà đồng ý bầu bạn với ông Diện. “Trở về quê sinh sống, chị Ràng nhiều lần ngỏ ý muốn tui về sống chung nhưng tui chỉ đồng ý bầu bạn cùng ông Diện với điều kiện nhà ai nấy ở. Đàn bà dù hy sinh thế nào đi nữa thì ít nhiều họ cũng có máu ghen tuông, tui không muốn làm mất lòng ai nên sau khi cưới tui một mực ở riêng”, bà Sen trải lòng.

Bà Sen sinh cho ông Diện 3 đứa con, tất cả đều được bà Ràng nhận về làm con nuôi. “Chị Ràng thương những đứa con tui không khác chi con ruột. Tui cũng thương ông Diện nhưng mình là người đến sau, đồng ý bầu bạn chứ không giành giật tình cảm với chị Ràng. Nếu có chuyện gì xảy ra thì tui cũng không buồn, tủi thân vì có những đứa con làm chỗ dựa”, bà Sen nói.

Năm 2001, Mẹ Ràng ra đi vì căn bệnh ung thư dạ dày. Trước khi lâm chung, hai phụ nữ lại tỉ tê tâm sự. Bà Sen thổ lộ: “Trong những lời trăn trối sau cùng, chị Ràng bảo với tôi rằng: Dì hãy về sống với ông, giúp tôi chăm sóc ông phần đời còn lại. Hai chị em ôm nhau khóc nức nở, hóa ra tình cảm cũng có thể sẻ chia. Tui đành bước qua lời hứa với chính bản thân về sống chung với chồng. Lấy chồng 35 năm nhưng đến bây giờ tui ở cùng nhà với ông vỏn vẹn 15 năm”.

Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xúc động câu chuyện của người con xứ Huế được gặp Bác Hồ

Những ngày bước sang thu, trời Huế bớt oi nóng và dịu nhiệt hơn. Chúng tôi những người làm việc ở bảo tàng mang tên Bác tại Huế, trong chuyến thực hiện đề tài “Nghiên cứu, thống kê, sưu tầm các loại hình di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế” tại huyện Phú Lộc, may mắn gặp được bác Lê Đình Thông - người đã từng gặp Bác Hồ. Bác Lê Đình Thông, hiện đang sống ở thị trấn Phú Lộc. Năm nay, bác đã gần chín mươi rồi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, lanh lợi và rất minh mẫn.

Xúc động câu chuyện của người con xứ Huế được gặp Bác Hồ
Như câu chuyện cổ tích giữa đời thường

Là cơ duyên khi có một xóm người Mường nơi chân núi Bạch Mã. Và cũng như sự sắp đặt, ở đó những người Mường nghèo khó kia nhận được nhiều sự giúp đỡ để hòa nhập, trong đó có cô nhân viên thư viện Nguyễn Thị Hồng Phúc.

Như câu chuyện cổ tích giữa đời thường
Hóa thạch & câu chuyện về sự sống

Lần đầu tiên, một triển lãm về nguồn gốc sự sống được giới thiệu đến công chúng ở Huế với hàng ngàn mẫu vật hóa thạch có niên đại cách đây mấy trăm triệu năm đến vài tỷ năm, mang đến cho người xem sự ngạc nhiên đầy thích thú.

Hóa thạch  câu chuyện về sự sống
Return to top