ClockThứ Ba, 17/10/2023 06:48

Xúc động câu chuyện của người con xứ Huế được gặp Bác Hồ

TTH - Những ngày bước sang thu, trời Huế bớt oi nóng và dịu nhiệt hơn. Chúng tôi những người làm việc ở bảo tàng mang tên Bác tại Huế, trong chuyến thực hiện đề tài “Nghiên cứu, thống kê, sưu tầm các loại hình di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế” tại huyện Phú Lộc, may mắn gặp được bác Lê Đình Thông - người đã từng gặp Bác Hồ. Bác Lê Đình Thông, hiện đang sống ở thị trấn Phú Lộc. Năm nay, bác đã gần chín mươi rồi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, lanh lợi và rất minh mẫn.

Anh hùng Hồ Vai 4 lần được gặp Bác

Bác Lê Đình Thông xúc động kể chuyện được gặp Bác Hồ 

Bác Lê Đình Thông sinh năm 1935 ở xã Phong Phú (nay xã Điền Hòa, huyện Phong Điền). Thuở nhỏ gia đình rất nghèo nhưng cũng tạo điều kiện cho bác đi học may ở một người thầy là con của một viên quan dưới thời vua Bảo Đại. Thầy dạy may rất thương bác Thông, ông cưu mang và tạo điều kiện cho bác ăn học, học xong được ở lại làm nghề cùng với thầy. Thầy giáo là người giác ngộ và hoạt động cách mạng từ khá sớm, ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và là Chủ tịch Mặt trận xã. Trong một trận càn của thực dân Pháp đến chỗ thầy, trò bác Thông làm việc, đầu máy khâu thì bị chúng lấy, nhà thì bị chúng đốt. Không còn nghề nghiệp để làm, lại căm thù giặc Pháp, được sự giới thiệu của người em con cậu ruột làm Xã đội trưởng, bác Thông theo cách mạng. Tuy bác Thông là con một, cha mẹ đã lớn tuổi nhưng bác vẫn quyết tâm rời địa phương để tham gia hoạt động cách mạng. Bác Thông vốn là người nhanh nhẹn, khéo léo nên được tuyển lên an ninh tỉnh và được ở với đồng chí Phan Xu, Phó phòng An ninh tỉnh Thừa Thiên. Năm 1951, 1952 bác được đồng chí Phan Xu giới thiệu tham gia vào biệt động Thành Huế. Sau khi tham gia trận đánh vào dinh thự của Hà Văn Đông (nằm gần đường Lê Lợi ngày nay), bác gặp lại đồng chí Phan Xu. Sau đó, bác Thông được đồng chí Phan Xu giới thiệu sang phục vụ Đại hội Quân chính của tỉnh. Trong Đại hội bác gặp đồng chí Thân Trọng Một và được đồng chí Thân Trọng Một xin về đại đội của mình làm trinh sát.

Sau hiệp định Giơ-ne-vơ (Genève) 1954, Đại đội 107 của đồng chí Thân Trọng Một, trong đó có bác Thông, được tập kết ra Hà Nội. Ở Thủ đô, bác Thông được tham gia vào lớp học huấn luyện duyệt binh của quân đội. Chính tại đây, bác Thông đã có cơ hội gặp Bác Hồ.

Khi gặp Bác Hồ, bác Thông mới có 19 tuổi. Năm nay bác đã 88 tuổi, như vậy sau 70 năm gặp Bác Hồ, câu chuyện được gặp Người vẫn như in trong tâm trí người lính cụ Hồ năm xưa. Bác Thông bồi hồi, xúc động kể lại câu chuyện được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Tôi được gặp Bác lần đầu tiên là sáng ngày 20/12/1954, tại sân bay Bạch Mai, khi tôi tham gia đợt huấn luyện duyệt binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Để chuẩn bị cho một cuộc duyệt binh lớn của Quân đội Nhân dân Việt Nam diễn ra tại quảng trường Ba Đình vào ngày 1/1/1955, chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng về Thủ đô Hà Nội sau chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi. Đoàn duyệt binh có 54 đại đội, trước khi tham gia duyệt binh, Bác Hồ xuống từng đại đội để mọi người thoải mái nhìn Bác thật kỹ, để khi vào duyệt binh chính thức mọi người tập trung chú ý vào đội hình, đội ngũ và động tác, khỏi nhìn chăm chăm lên Bác trên Kỳ đài làm mất đội hình, đội ngũ.

Sau khi duyệt qua Kỳ đài lần thứ nhất xong, các đơn vị nhận lệnh cho bộ đội quay lai Kỳ đài tập hợp, xa đứng trước, gần đứng sau (trong Nam xa tập hợp trước, còn ngoài Bắc gần đứng sau), khi 54 đại đội tập hợp xong, chúng tôi tiếp tục được gặp Bác và nghe Người nói chuyện. Bác nói giọng Nghệ An truyền cảm lắm, tôi vẫn nhớ như in:

Khi thấy Bác tiến lên Kỳ đài mọi người đồng thanh hô to “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm”, “Hồ Chủ tịch muôn năm”, Bác xua tay ra hiệu nên mọi người im phăng phắc, rồi Bác hỏi:

-      Các chú ăn có no không?

-      Dạ thưa Bác no!

-      Các chú ngủ có đủ 8 tiếng không?

-  Dạ thưa Bác đủ! (Mặc dù lính duyệt binh chúng tôi không chuẩn bị trước, nhưng mọi người trả lời đồng thanh to và rõ ràng).

- Bác hỏi tiếp thế các chú có cần gì không?

Chúng tôi thầm nghĩ, đất nước còn nghèo nên chúng tôi không yêu cầu gì cả nhưng mà lạnh quá!

Nói thực, lính ở miền Nam ra Bắc vào thời điểm ấy cảm thấy lạnh lắm mà chỉ có hai bộ áo quần mà thôi. Nhưng khi nhìn lại Bác, thấy Bác mặc bồ đồ kaki, quàng chiếc khăn không phải khăn len mà khăn bằng sợi vải, sợi bông; đi đôi dép cao su, phía trong là đôi tất trắng cũng bằng sợi vải thôi không phải sợi len. Bác ở rất gần nên chúng tôi nhìn rất rõ, Bác lớn tuổi rồi mà cũng ăn mặc hết sức đơn sơ, giản dị như vậy. Vì thế, chúng tôi không có yêu cầu, đòi hỏi gì, tuy lạnh nhưng chúng tôi hứa với Bác khắc phục hoàn cảnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Do trời lạnh quá khi đang nói chuyện, Bác bị ho nên ông Nguyễn Chí Thanh xin Bác nghỉ để đảm bảo sức khỏe và nói với chúng tôi thông cảm.

Sau khi nghỉ, chúng tôi về doanh trại ăn cơm uống nước xong úp bát và chạy ra sân bay để tiếp tục luyện tập. Lần này tôi được gặp trực tiếp Bác Hồ trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt:

Tôi đang trên đường đi ra sân bay để tập luyện thì gặp mấy cậu con của các đồng chí sĩ quan Sư đoàn 308, độ khoảng 12, 13 tuổi đang ngồi chơi. Thấy tôi là lính trẻ nên trêu đùa, lúc tôi đang chạy thì bị một cậu ngáng chân, làm tôi bổ (ngã) sấp xuống đường, hai tay bị rớm máu. Tôi bực quá, túm lấy và tát vào tai cậu bé.

Khi đó Bác đang ngồi ở trong Nhà khách Sư đoàn 308 cùng với sư trưởng, rất gần đường, nhìn thấy thế Bác liền đi ra cùng với hai đồng chí công vụ. Bác hỏi:

- Tại sao mà chú đánh trẻ con?

- Tôi run run trả lời (khi đó hồn xiêu phách lạc): Dạ thưa Bác! Cháu đang lật đật chạy mà nó ngáng chân cháu làm cháu bị bổ, hai tay chảy máu, hai trốc cúi cháu bị xước rách quần.

- Nói đến đây Bác hỏi ngay: à Huế ạ?

- Tôi lung túng trả lời: Dạ không ạ! Phong Phú, Phong Điền, Thừa Thiên ạ!

Bác cười hiền từ, một tay ôm cháu bé vào lòng, một tay để lên vai tôi và nhẹ nhàng nói: Lần sau cháu không được đánh em. Cháu đánh em tay cháu có hết chảy máu mô!.

Bác nói giọng Huế rất tình cảm, làm tôi xúc động vô cùng.

Một câu chuyện xảy ra trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt, cảm động về lần gặp gỡ trực tiếp Bác Hồ của bác Thông.

Sau này, bác Thông cũng có điều kiện gặp Bác nhiều lần nhưng đây là lần gặp trong hoàn cảnh đặc biệt mà bác Thông  nhớ mãi không bao giờ quên được.

Câu chuyện về gặp Bác Hồ và hình ảnh Bác Hồ luôn theo suốt bác Thông hơn 70 năm qua. Bác luôn kể cho đồng nghiệp, con cháu, bạn bè… nghe câu chuyện cảm động ấy. Mỗi lần nói về Bác, thấy hình ảnh Bác, bác Thông tâm sự: tôi đều xúc động rưng rưng nước mắt, thương và nhớ Bác vô cùng - một tình cảm rất sâu đậm tôi dành cho Người. Hôm nay, chúng tôi những cán bộ làm việc ở bảo tàng mang tên Bác may mắn được nghe câu chuyện xúc động này từ người con xứ Huế được trực tiếp gặp Bác Hồ.

Qua câu chuyện, chúng ta thấy cách ứng xử hết sức nhân văn, tinh tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ những việc lớn cho đến những việc nhỏ nhất, Bác đều có cách xử lý khéo léo, hợp tình, hợp lý, mang tính nhân văn sâu sắc. Câu chuyện đáng cho chúng ta suy ngẫm và học tập Người.

Bài, ảnh: Lê Văn Hà
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Như câu chuyện cổ tích giữa đời thường

Là cơ duyên khi có một xóm người Mường nơi chân núi Bạch Mã. Và cũng như sự sắp đặt, ở đó những người Mường nghèo khó kia nhận được nhiều sự giúp đỡ để hòa nhập, trong đó có cô nhân viên thư viện Nguyễn Thị Hồng Phúc.

Như câu chuyện cổ tích giữa đời thường
Hóa thạch & câu chuyện về sự sống

Lần đầu tiên, một triển lãm về nguồn gốc sự sống được giới thiệu đến công chúng ở Huế với hàng ngàn mẫu vật hóa thạch có niên đại cách đây mấy trăm triệu năm đến vài tỷ năm, mang đến cho người xem sự ngạc nhiên đầy thích thú.

Hóa thạch  câu chuyện về sự sống
Kỉ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng

Sáng 11/6, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long tổ chức Lễ kỉ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (11/6/1912-11/6/2022), người chiến sĩ cộng sản trung kiên, bất khuất; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự buổi lễ.

Kỉ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng

TIN MỚI

Return to top