Cùng các em nhỏ ở bản Mường
Lớp học tình thương
Cách Quốc lộ 1A chỉ vài cây số mà xóm người Mường ở thôn Khe Su (Lộc Trì, Phú Lộc) như một thế giới lạ, hoang vu và xa vắng. Xe dừng lại ven đường, ghé thăm nhà anh Hoàng Văn Cương, chúng tôi gặp mấy cháu nhỏ. Nguyễn Thị Hồng Phúc, cô nhân viên thư viện của Trường THCS thị trấn Phú Lộc cùng đi bất ngờ lên tiếng, nói như xin lỗi: “Chào các con. Hôm nay cô Phúc đi vội nên không kịp mua quà. Thôi lần sau nhé…”. Chúng tôi nghe những tiếng “dạ” ngoan hiền.
Chuyến ghé vô xóm người Mường ở Khe Su sáng nay khá bất ngờ đến từ lời mời của chị Cái Thị Diệu Trang, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Lộc. Chị muốn giới thiệu về phòng học mới cho lớp học tình thương chuẩn bị khai trương. Theo lời kể của chị Diệu Trang, phòng học này vốn là ngôi nhà có diện tích chừng 60m2 mà chị Hồng Phúc đã kết nối với Sư bà Thích nữ Huệ An ở chùa Phước Sơn (Lộc Trì), vận động xây dựng cho một hộ người Mường gặp khó khăn. Do nơi đây không thuận lợi cho làm ăn đi lại nên họ đã chuyển đi ở chỗ khác. Hồng Phúc đã tiến hành tu sửa, chỉnh trang lại thành phòng học.
Hỏi cơ duyên nào đưa chị và những người bạn đến xóm người Mường, Hồng Phúc cười bảo khởi đầu từ những chuyến đi làm từ thiện cả chục năm về trước ghé lại Rẫy Làng (tên gọi địa danh xóm người Mường này) để tổ chức phát quà, vui Tết Trung thu cùng trẻ em. Cứ mỗi lần đến đây, chị lại bị ám ảnh về những đứa trẻ da đen nhẻm, thất học. Vậy là, Hồng Phúc quyết tâm vận động giúp đỡ xóa mù và trợ giúp học hành cho các cháu. Hồng Phúc nhẩm tính, hiện xóm có 22 hộ gia đình mà đã có tới khoảng 12 người như anh Hoàng Văn Cương mù chữ. Còn lại có khoảng 20 em học từ mầm non đến trung học phổ thông cần được giúp đỡ để đến trường.
Lớp học tình thương do Hồng Phúc đỡ đầu, kết nối với Sư cô Hiền Thảo ở chùa Phước Sơn, hoạt động từ nhiều năm qua rất đặc biệt, vừa dạy xóa mù cho người lớn không biết chữ, lại vừa kiêm luôn “phụ đạo”, giúp cho các em học sinh phổ thông trong xóm theo kịp chương trình học ở trên lớp. Để có giáo viên, Hồng Phúc kết nối với bạn bè là những giáo viên ở Trường tiểu học Lộc Trì và Trường THCS thị trấn Phú Lộc. Chúng tôi cũng được biết thêm, từ nhiều năm qua, Hồng Phúc đã vận động thành lập “Tủ sách tình thương” với khoảng 500 đầu sách tại đây để giúp học sinh và cả người lớn tuổi có điều kiện nâng cao kiến thức.
Các em ở bản Mường thích thú đọc truyện do cô Phúc đem đến
Lần đầu gặp gỡ, Hồng Phúc như người quen gặp lại, vồn vã mời chúng tôi cố gắng sắp xếp để về dự lễ khai trương phòng học đầu tiên cho xóm người Mường ở Khe Su vào dịp khai giảng năm học mới. Rồi Hồng Phúc kể như đang lo công việc của gia đình mình. Nào là, chuẩn bị cho việc đưa phòng học mới vô sử dụng, chị đang liên hệ với Trường tiểu học Lộc Điền để mua lại 10 bộ bàn ghế thanh lý với giá rẻ. Nào là, đang tính toán đầu tư hệ thống điện, mái che, nhà vệ sinh, đổ đất tôn cao và làm con đường bê tông dài khoảng 50m từ đường chính vào phòng học mới. Rồi nữa, lo toàn bộ sách vở học tập cho các cháu học sinh và học viên xóa mù… “Tiền mô mà làm dữ rứa hè?”. Tôi hỏi, Hồng Phúc cười vui: “Em bỏ tiền túi ra trước, có chi vận động thêm. Thương bà con và các cháu học sinh lắm”.
“Vác tù và” cho xóm người Mường
Nhân chuyện lớp học tình thương, xin được kể thêm về về sự ra đời của xóm người Mường này. Khoảng chừng 30 năm trước, tại bản người Mường ở xã Mường Long, huyện Yên Lập (Phú Thọ), có một nhóm phu trầm người Huế hàng ngày lui tới. Nhiều cư dân bản Mường theo nhóm này lang bạt khắp nơi “làm ăn”. Năm 1995, đặt chân đến chân núi Bạch Mã, ông Hà Xuân Lâm và Đinh Văn Giáp (dân tộc Mường) đã quyết định không đi, mà ở lại và lập nghiệp. Xóm người Mường ra đời từ đó. Hai năm sau đó, ông Lâm trở lại quê dẫn theo vợ con vào sinh sống và từ vài người, hình thành nên một cộng đồng người Mường. Được cấp đất, cấp ruộng và tạo điều kiện hỗ trợ, cho phép khai hoang, dựng nhà… cuộc sống của bà con dù còn nhiều khó khăn nhưng cũng từng bước ổn định.
Xóm người Mường trở thành điểm đến của những con người có tấm lòng vàng, ưa thích làm việc thiện như Nguyễn Thị Hồng Phúc. Bao bận vào ra, chị Hồng Phúc là một trong số ít người biết rõ nhất về cuộc sống khó khăn nơi “đất khách quê người” của những người bà con có quê gốc cách nơi đây hàng ngàn cây số. Cùng với chăm chút việc học hành cho con cái họ, chị Hồng Phúc còn vận động nhiều “mạnh thường quân” giúp đỡ bà con có thêm cái ăn, cái mặc. Cách đây không lâu, chị đã vận động kinh phí lắp đặt hệ thống điện sinh hoạt cho 2 hộ gia đình của xóm, đồng thời hỗ trợ kinh phí học tập cho con em của họ. Ai có việc nhờ vả, từ lo giấy tờ cho con đi học, đến cần tư vấn thủ tục hành chính việc mua bán, chị Hồng Phúc đều sẵn sàng giúp đỡ.
Điện, đường, trường, trạm... đầy đủ. Và rồi, những dự án du lịch dưới chân núi Bạch Mã đã giúp cộng đồng người Mường hưởng lợi, đó chính là những con đường xóa sự chia cắt ngày nào. Tuy nhiên, sự thay đổi lớn nhất chính là tư duy phát triển kinh tế của người dân. Bà con người Mường còn lắm nhọc nhằn nhưng giờ đã biết nuôi con bò, con heo để tích lũy vốn liếng, có mảnh vườn để chăm bón cây trái, biết tích cóp để xây nhà dựng cửa, ổn định sinh kế. Nhiều thế hệ người Mường ở Rẫy Làng - Khe Su đã đọc được con chữ, tính toán được sổ sách. So với hơn chục năm trước, viết được cái tên quá khó khăn thì bây giờ đó là một kỳ tích. Còn đằng sau những câu chuyện kể về xóm người Mường ở dưới chân núi Bạch Mã kia, chúng tôi đều thấy có bóng dáng của cô nhân viên thư viện Nguyễn Thị Hồng Phúc.
Chúng tôi được biết, cũng bởi thương người và sẵn có trong người cái chất của người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” mà từ nhiều năm nay cô nhân viên thư viện ngoài 40 tuổi này đã nổi tiếng ở Phú Lộc với những hoạt động thiện nguyện. Là một nhân viên thư viện trường học, chị đã thu xếp công việc, xin Ban giám hiệu nhà trường tranh thủ vào thứ tư hàng tuần để thực hiện công việc từ thiện. “Nồi cháo tình thương” giúp đỡ cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc thực hiện từ gần 5 năm qua. Cùng với “Nồi cháo tình thương” “Tủ áo quần tình thương” đặt tại các địa điểm công cộng để phân phát áo quần miễn phí cho người nghèo hay các “Tủ sách tình thương” giúp các em học sinh nghèo.
Về phố, chúng tôi cứ nhớ về cô nhân viên thư viện Nguyễn Thị Hồng Phúc. Chúng tôi nghĩ, sự ra đời của xóm người Mường ở Huế như câu chuyện cổ tích và Hồng Phúc như là cô Tấm thời hiện đại.
Bài, ảnh: HUẾ THU