ClockThứ Năm, 08/08/2019 13:15

“Hạnh phúc hay bất hạnh là ở suy nghĩ của mình”

TTH - Cơ thể không lành lặn như bao người, nhưng Hoàng Tấn Quảng (công tác tại Viện Công nghệ sinh học Đại học Huế) lại rất nỗ lực trong học tập và trở thành tiến sĩ với nhiều nghiên cứu nổi bật về cây dược liệu. Mỗi lần nhắc đến chuyện của mình, anh lại nhẹ nhàng: “Hạnh phúc hay bất hạnh là ở suy nghĩ của mình”.

Lên núi“cứu” sâm ngọc linhViện Công nghệ sinh học – ĐH Huế sẽ thành TTQG về CNSH miền Trung“Kết nối nghiên cứu và ứng dụng chuyển giao”

 TS. Hoàng Tấn Quảng hỗ trợ các đồng nghiệp làm nghiên cứu

Nghị lực vượt khó

Hỏi những khó khăn, anh Quảng suy nghĩ một hồi rồi lắc đầu. Anh bảo: “Mọi thứ với mình đã trở nên thích nghi và quen thuộc. Thực tâm, chỉ sợ phiền những người giúp đỡ mình, bản thân không có gì vất vả”.

Trái với câu trả lời của Hoàng Tấn Quảng, nhiều bạn bè hay đồng nghiệp lại đánh giá những gì anh vượt qua phải là người có ý chí nghị lực mới làm được. Bị sốt bại liệt, rồi khuyết tật tay phải, hai chân từ lúc hơn 1 tuổi, thế nhưng chẳng bao giờ người ta thấy anh “đầu hàng” trước khó khăn. Thời tiểu học, cơ thể yếu, anh Quảng thường xuyên bị ngã và có đến 7 – 8 lần gãy tay, phải bó bột. Hai chân không thể tự đi xe, đến trường phải có người đưa đón. Bạn bè lúc đầu cũng hay chọc ghẹo, nhưng dần thì anh quen và không buồn. Anh tự nhủ, dù chuyện gì xảy ra, cũng không bao giờ có ý nghĩ bỏ học.

Nghị lực giúp Hoàng Tấn Quảng vươn lên trong học tập. 12 năm học, cậu học sinh quê ở Quảng Bình luôn đạt học lực giỏi. Đặc biệt, trong giai đoạn trung học phổ thông, anh gặt hái rất nhiều giải thưởng cấp tỉnh, cấp quốc gia, trong đó ấn tượng nhất là giải nhì kỳ thi học sinh giỏi môn sinh cấp quốc gia và lọt vào vòng dự tuyển chọn đội Olympic sinh học Quốc tế. Giai đoạn học ĐH (Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế), Hoàng Tấn Quảng vẫn nỗ lực để đạt loại giỏi sau đó tiếp tục học thạc sĩ (2004 – 2007) và tiến sĩ (2008 – 2012). Anh giải thích, trong cái rủi lại có cái may. Cũng vì bị tật từ nhỏ nên tôi đã lập trình sẵn những thói quen như viết bằng tay trái, khả năng chịu khó và thích nghi tốt với nhiều vấn đề trong cuộc sống.

Theo TS. Hoàng Tấn Quảng, phải nhìn vào những điều may mắn mới có được niềm vui. Như bản thân anh, điều hạnh phúc là luôn có người thân, bạn bè, đồng nghiệp quan tâm, hỗ trợ nhiều mặt. “Mình không thuộc diện “nghèo vượt khó”, nhưng sinh ra trong môi trường ba mẹ là giáo viên, chị em trong gia đình đều nỗ lực học tập. Động lực để mình cố gắng là phải giữ nếp nhà, giữ truyền thống hiếu học. Hạnh phúc hay bất hạnh là ở suy nghĩ của chính mình. Nếu cố gắng, mọi thứ đều có thể vượt qua”, anh Quảng thật lòng.

Giàu đam mê nghiên cứu

Nếu học tập là điểm nhấn lúc nhỏ của Hoàng Tấn Quảng thì hiện nay, nhiều người lại biết đến tiến sĩ 39 tuổi với những nghiên cứu có giá trị về cây dược liệu. PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học (CNSH), ĐH Huế nhận xét: “Với những gì tôi chứng kiến thì Hoàng Tấn Quảng là người không chỉ giàu nghị lực mà đam mê nghiên cứu và có tài năng”.

Cách nói của Viện trưởng Viện CNSH có thể thay lời giải thích về những thành tích nghiên cứu của anh. Hơn 15 năm tham gia nghiên cứu, TS. Hoàng Tấn Quảng đã có 51 công trình trong nước và quốc tế, tập trung về hướng cây dược liệu để nhân giống và trồng hoặc sản xuất các hợp chất từ cây dược liệu, trong đó có 17 công trình đăng tải trên các tạp chí quốc tế. Tuy nhiên, khi nói về thành tích của mình, anh lại luôn thể hiện sự ái ngại: “Những gì tôi làm so với nhiều người khác chưa là gì. Nếu cho tôi nhận, chỉ dám nhận là mình đam mê vì trong nghiên cứu, không có đam mê thì khó mà làm được”.

Mỗi ngày đi làm, anh phải nhờ đồng nghiệp đưa đón. Buổi trưa ở lại cơ quan, nhiều lúc ăn xong lại tranh thủ nghiên cứu. Chuyện thức đêm để làm các nghiên cứu hoặc ngủ lại ở phòng thí nghiệm là bình thường. Vất vả, nhưng đôi khi cũng không tránh được những thất bại. Điển hình như lần nghiên cứu nuôi cấy tế bào cây bảy lá một hoa, anh mất 1,5 năm nghiên cứu nhưng không đạt được kết quả gì. Tuy nhiên, dù phải “vò đầu, bứt tóc”, anh vẫn kiên quyết theo đuổi và sau đó đã thành công.

Quá trình nghiên cứu, Hoàng Tấn Quảng có nhiều công trình nổi bật về nhân giống và trồng cây dược liệu như: giảo cổ lam, ba kích, nhân trần cát… Ngoài ra, anh còn nghiên cứu sản xuất các hợp chất từ nuôi cấy cây dược liệu.

Năm 2012, Hoàng Tấn Quảng được bổ nhiệm làm phó trưởng bộ môn sinh học phân tử và đến nay là trưởng phòng thí nghiệm công nghệ gen. Là quản lý đơn vị hoạt động chuyên môn, tiến sĩ sinh năm 1980 luôn năng nổ trong các hoạt động nghiên cứu khoa học. Anh bảo, mình có hạn chế về sức khỏe nhưng có khả năng tổ chức thí nghiệm, tổng hợp xử lý số liệu và viết báo cáo - đó là những kỹ năng cần thiết của người làm nghiên cứu. Ngoài những nghiên cứu của bản thân, anh vẫn thường xuyên hỗ trợ người khác làm công việc nghiên cứu. Với mô hình hoạt động của Viện CNSH là tự thu tự chi, cần những nghiên cứu để tạo nguồn thu nên không chỉ tham gia nghiên cứu, anh còn nỗ lực tìm kiếm các nguồn đề tài khoa học công nghệ từ nhiều cấp, địa phương; đồng thời tham gia hướng dẫn nghiên cứu, giảng dạy ngắn hạn tại một số địa phương như Quảng Trị, Gia Lai…

Công việc bận rộn và dẫu đam mê với nghiên cứu, nhưng Hoàng Tấn Quảng vẫn đang là “người đàn ông tốt” của gia đình. Chị Nguyễn Thị Khánh Quỳnh, vợ anh Quảng tiết lộ, có 3 điều của người đàn ông khác làm được thì anh cũng đáp ứng tốt là làm kinh tế, nuôi dạy con và san sẻ việc nhà cùng vợ, kể cả chuyện nội trợ. “Công việc nghiên cứu của anh ấy rất nhiều nhưng phân định thời gian rạch ròi, sau khi dành thời gian cho gia đình, hơn 10 giờ đêm anh mới làm công việc riêng, cũng bởi vì thế anh không bị phân tâm cho công việc và luôn hoàn thành những kế hoạch đặt ra nhanh nhất”, chị Quỳnh kể.

Mỗi lần nghe khen, Hoàng Tấn Quảng vẫn cứ khăng khăng rằng, chẳng ai hoàn hảo và chính anh cũng đang có những yếu điểm cần phải nỗ lực, thay đổi. Song với vai trò là một đảng viên và là cán bộ quản lý phòng thí nghiệm thì phải đặt trách nhiệm với công việc lên đầu. TS. Hoàng Tấn Quảng tin rằng, đam mê có thể giúp anh tiếp tục mở rộng, phát triển các hướng nghiên cứu, góp phần xây dựng Viện CNSH ĐH Huế đi đúng theo lộ trình đã được xác định là trở thành Trung tâm CNSH cấp Quốc gia tại miền Trung.

Bài, ảnh: MINH TÂM

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giúp sinh viên có kỹ năng viết CV và phỏng vấn hiệu quả

Ngày 24/4, Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo – Đại học Huế phối hợp với Trường Du lịch – Đại học Huế tổ chức TalkShow “Chinh phục nhà tuyển dụng: Viết CV và phỏng vấn tìm việc” cho hơn 200 sinh viên Trường Du lịch.

Giúp sinh viên có kỹ năng viết CV và phỏng vấn hiệu quả
Gần 500 đoàn viên công đoàn được tập huấn nghiệp vụ

Sáng 24/4, Công đoàn Đại học Huế tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, thực hiện Nghị quyết đại hội Công đoàn các cấp nhiệm kỳ nhiệm kỳ 2023- 2028 và tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động công đoàn.

Gần 500 đoàn viên công đoàn được tập huấn nghiệp vụ
Return to top