ClockThứ Ba, 31/10/2017 15:49

Lợi nhỏ, hại lớn

TTH - Vì cái lợi nho nhỏ trước mắt, nhưng sau đó hàng hóa ứ đọng, bán đổ bán tháo, thậm chí phải mang đổ bỏ là hậu quả có thể đoán trước...

-Tuần trước mới đi Hà Nội, mua mấy món quà bằng lụa tơ tằm về tặng, không khéo trúng đồ dổm thì tiếng mang không hết.

Anh xuýt xoa khi thấy ti vi chiếu cái phóng sự về mấy cửa hàng tơ tằm khá nổi tiếng của Hà Nội “thư’’ khách hàng bằng cách mua hàng Trung Quốc về, cắt bỏ mác rồi gắn mác Việt Nam vào. Phóng sự phát không lâu, thấy tin các cơ quan chức năng tìm đến tận nơi “sờ gáy’’ doanh nghiệp. Có thể bị phạt nặng; có thể sau vụ này doanh nghiệp sẽ tởn tới già (?)... Mọi thứ đều đang ở “thì’’ giả thiết. Tuy nhiên, sẽ có một sự thật chắc chắn là sau sự cố này du khách đến Hà Nội sẽ hết sức cảnh giác, thậm chí không còn mặn mà với hàng lụa tơ tằm nữa. Đáng nói là mặc dù không phải tất cả mà chỉ một số địa chỉ vi phạm, song sự ảnh hưởng tiêu cực thì không dừng ở mức độ đơn lẻ mà chắc hẳn sẽ làm tổn hại cả thương hiệu lụa tơ tằm. Đó là điều hết sức đau xót!

Sẽ rất thất vọng nếu đi du lịch mà mua nhầm một món hàng kém chất lượng (Ảnh minh họa)

Vụ lụa tơ tằm lại buộc người ta phải nhớ đến chuyện độn tạp chất vào tôm để tăng trọng lượng; vào cua để làm cua trứng; bơm nước vào heo, vào bò, rồi độn cát sỏi, hóa chất vào mủ cao su để tăng thêm độ nặng; ngâm tẩm hóa chất vào trái cây, nông sản để giữ tươi, tăng “sáng”... Thôi thì vô thiên lủng không thể kể xiết! Đến nỗi, riêng chuyện thực phẩm thôi, từ lâu rồi đã lưu truyền... triết lý: “Ăn cũng chết, không ăn cũng chết...”. Có nghĩa là bây giờ đi chợ không tin được bất cứ thứ gì, thứ gì cũng có thể mất an toàn, nhưng không ăn thì biết sống thế nào. Thôi thì nhắm mắt đưa chân, may nhờ rủi chịu.

Đó là nói chuyện đối nội. Thị trường rộng, khách hàng đa giai tầng nên người sản xuất, người bán hàng đôi lúc mang tâm lý người này “chê” thì có người khác chọn (!) Nhưng nếu cứ đem cái tâm lý thị trường nội địa ấy “ứng” cho hàng hóa xuất khẩu thì hỏng to. Xuất hàng đi chính ngạch không khéo không được nhận mà còn phải tốn phí chở về hoặc tiêu hủy. Nếu đi tiểu ngạch thì có thể lọt vài bận nhưng sau đó khi bị lộ tẩy hàng bẩn, hàng điêu thì thế nào cũng sẽ bị cạch mặt. Dần dà, người này truyền tai người kia, hàng hóa mang mác Việt Nam đến lúc nào đó gây “dị ứng” cho người tiêu dùng- kiểu như bây giờ với rất nhiều người Việt, hễ nghe tới hàng Trung Quốc là lập tức “dội”- thì là một sự tổn hại vô cùng to lớn cho nền kinh tế, cho người sản xuất, kinh doanh.

Cổ nhân đã dạy: “Kiến tiểu lợi đại sự bất thành” là vậy. Chỉ vì cái lợi nho nhỏ trước mắt, nhưng sau đó hàng hóa ứ đọng, bán đổ bán tháo, thậm chí phải mang đổ bỏ là hậu quả có thể đoán trước nếu không từ bỏ, không kiên quyết loại trừ kiểu làm ăn chụp giật, điêu ngoa như nhiều trường hợp bị công luận và các cơ quan chức năng lật tẩy trong thời gian qua.

Hiền An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top