ClockChủ Nhật, 17/07/2016 06:34

Những nỗi buồn đẹp

TTH - Không phải buông bỏ. Chỉ là một cảm giác dễ chịu và nhẹ nhõm. Có lẽ vì thế tôi thích cách mà họa sĩ Nguyễn Văn Tuyên trò chuyện qua tác phẩm của anh.

Vẫn chỉ là dòng sông, con đò và những nếp nhà tranh mộc mạc, xưa cũ, thế giới trong tranh của Nguyễn Văn Tuyên vì thế mà luôn hồn hậu và dằng dai trong nỗi nhớ miên man với những vết loang trong các trường độ của gam màu xanh, trắng, đen và nhiều nhất là xám. Tôi cũng không rõ khi đối diện với chính mình trong cảm hứng sáng tạo, Nguyễn Văn Tuyên đã nghĩ đến những điều gì, như thế nào... nhưng sự mênh mang và chìm đắm với những đường nét không thật sự rõ ràng đã kéo người xem dừng lại, rất lâu, và có lẽ đều tự hỏi rằng, đó có phải là một nơi chốn mình đã qua?

Không mở ra một biên độ quá rộng và trừu tượng, rồi tùy thuộc vào cách hiểu, cách cảm cũng như sự vận dụng từ những trải nghiệm cuộc đời, như cách trao mình tới mọi người của nhiều họa sĩ đương đại khác, tranh của Nguyễn Văn Tuyên như là nhiều cách kể khác về miền ký ức thấm đẫm trong anh ở nơi mà con sông dùng dằng, con sông không chảy; nơi có những mùa mưa ngát trời đến độ bóng dáng con người cũng như lẫn vào mơ hồ. Nơi có nếp nhà cũ, bóng dáng người phụ nữ mảnh mai hao gầy. Nhưng trong những chiều lặng lẽ, trong những ngày mưa trắng trời, trong lễnh lãng khói sương, người ta vẫn nhận ra từng chấm sáng, rất nhỏ vừa sâu hút, lại vừa rực rỡ níu kéo mắt người trong mỗi bức tranh. Có lẽ đó là điểm riêng, dễ nhận biết của Nguyễn Văn Tuyên trong thế giới hội họa đa sắc màu và nhiều hình thức biểu hiện. Ngay cả khi dùng những gam màu khác, như vàng, vàng cam, vẫn có thể nhận ra những tiết chế tự thân của người họa sĩ với cái nhìn hiền hậu và bao dung trước những sóng gió mà anh đã đi qua

Tôi cũng chưa hình dung được cách mà anh dùng những ngón tay để mang đến những đời sống khác, phiên bản khác trên toan trắng và giá vẽ, nhưng chắc chắn là những ngón tay sơn dầu của người họa sĩ sẽ trở lại với những gam màu cũ trong một mê thức nào đó. Có lẽ chỉ khi ấy, anh mới là mình và tự tin thể hiện. Tranh của Nguyễn Văn Tuyên, có lẽ vì thế mà sẽ tạo được điểm nhấn khi đặt trong một không gian bộn bề, đa sắc của các gallery và sẽ góp mặt vào những bộ sưu tập nào đó, hiện diện trên những bức tường nào đó với sự lặng lẽ, khiêm nhường mà ấm áp. Như một cách ngoái nhìn, chờ đợi, lắng nghe, chia sẻ và vỗ về...

Và vì những điều mà mình cảm nhận được, tôi gọi tranh của Nguyễn Văn Tuyên là những nỗi buồn đẹp.

Một cuộc triển lãm và giới thiệu tác giả - tác phẩm về họa sĩ Nguyễn Văn Tuyên sẽ được Gallery Ngọc Diệp thực hiện trong thời gian tới tại số 4 Lương Thế Vinh – TP Huế

Bài, ảnh: HẠ NHI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tôn vinh “Thế gian Sư” Lê Văn Miến

Sáng 11/3, tại Khách sạn Duy Tân diễn ra buổi hội thảo Kỷ niệm 150 năm ngày sinh danh nhân văn hóa – họa sĩ Lê Văn Miến do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế và Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức.

Tôn vinh “Thế gian Sư” Lê Văn Miến
Huyền ảo tuyệt tác “Long vân khế hội”

Bức “Long vân khế hội” là một tuyệt tác trên trần chánh điện cũ Diệu Đế quốc tự sau khi được dịch chuyển lùi phía sau hiện đang được bảo tồn khá tốt trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Bức tranh từng là đề tài được tranh luận sôi nổi nhiều năm về trước về việc giữ lại chánh điện cũ hay hạ giải. Việc hạ giải cũng đồng nghĩa xóa sổ tuyệt tác này.

Huyền ảo tuyệt tác “Long vân khế hội”
Cuộc “hội ngộ vàng son” của hội họa

Những tác phẩm tiêu biểu của các họa sĩ tên tuổi, tài danh đất Cố đô nằm trong bộ sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Huế lần đầu tiên công bố đến với công chúng khiến người yêu nghệ thuật không khỏi rung động, cảm xúc. Ở đó các danh họa đã “hội ngộ”.

Cuộc “hội ngộ vàng son” của hội họa
Return to top