ClockThứ Tư, 19/09/2018 08:08
Ảnh hưởng do khai thác mỏ đá vôi ở Phong Xuân:

Phải có phương án cụ thể, đảm bảo an toàn và quyền lợi cho người dân

TTH - Ngày 18/9, Bí thư Huyện ủy Phong Điền Nguyễn Đại Vui, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Trịnh Đức Hùng cùng các phòng chức năng của huyện đã có chuyến khảo sát tại xã Phong Xuân để tìm hiểu ảnh hưởng do khai thác mỏ đá vôi đối với người dân trong khu vực; đồng thời làm việc với lãnh đạo Công ty CP Xi măng Đồng Lâm nhằm tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc.

Phong Xuân: Khai thác mỏ đá ảnh hưởng đời sống người dân

Kiểm tra đất nông nghiệp của người dân bị ảnh hưởng do khai thác mỏ đá vôi

118 nhà dân bị ảnh hưởng

Tại buổi khảo sát, ông Nguyễn Đại Vui cùng đoàn đã đến thăm hỏi các hộ dân có nhà bị rạn nứt; những hộ gia đình nằm cạnh băng tải chuyền của Nhà máy Xi măng Đồng Lâm; những ruộng đất nằm sát mỏ đá bị ảnh hưởng ...

Ông Trần Văn Cân, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Phong Xuân cho biết, toàn xã có 118 nhà dân thuộc 3 thôn Xuân Lộc, Xuân Điền Lộc, Cổ Xuân-Quảng Lộc bị nứt nẻ, hư hỏng. Trong đó, có 47 nhà dân nằm cách đê bao mỏ đá 300m, 35 nhà dân cách đê bao mỏ đá từ 300 đến 400m, 36 nhà dân cách đê bao mỏ đá từ 400m đến 500m. Đa số các nhà đều bị hư hỏng như: nứt tường, nứt sảnh dầm, nứt tại vị trí liên kết các góc tường, thấm nước hư hỏng sơn tường, sạt nứt các lớp vữa trát tường...

Từ năm 2017 đến nay, UBND xã Phong Xuân đã phối hợp với Công ty CP Xi măng Đồng Lâm khảo sát nhằm hỗ trợ cho dân theo 2 hướng: hỗ trợ tiền cho người dân tự sửa chữa hoặc để công ty tiến hành sửa chữa. Theo đó, công ty đã chi hỗ trợ cho 96 nhà dân với tổng số tiền là trên 476 triệu đồng để người dân tự sửa chữa; đồng thời cũng đã sửa chữa cho 18 nhà dân với tổng số tiền là 580 triệu đồng. Hiện còn 4 nhà của 4 hộ dân đã mời họp và thống nhất để công ty sửa chữa và hoàn thành trước mùa mưa lũ. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ cho 118 hộ, với 354 tấn xi măng để xây dựng hạ tầng thiết yếu.

Giải quyết những vấn đề tồn tại

Ông Phan Lê Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng Đồng Lâm khẳng định: Đồng hành với sản xuất kinh doanh, công ty luôn quan tâm đến lợi ích, quyền lợi của người dân. Hiện nay, đang phối hợp với chính quyền địa phương để hỗ trợ cho người dân có đất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Sắp tới, sẽ có phương án để chuyển đổi cây trồng phù hợp với loại đất bị ảnh hưởng từ mỏ đá vôi. Công ty cũng đã yêu cầu đơn vị chuyên chở đất làm sạch đường tỉnh lộ, trước khi tưới nước nhằm làm giảm bụi...

Về việc nổ mìn, gây rung chấn, công ty yêu cầu và giám sát nhà thầu khai thác đá Tân Việt Bắc (đơn vị mà Đồng Lâm thuê nổ mìn khai thác đá) thực hiện nghiêm túc các giải pháp như: Giảm lượng thuốc nổ tối đa được UBND tỉnh cấp phép là 3.000kg xuống còn 1.500kg đối với tầng âm 10 (vị trí gần khu dân cư) và 2.500kg đối với các tầng sâu hơn âm 20, âm 30, xa khu vực dân cư. Áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong khoan nổ mìn, sử dụng phương pháp nổ mìn vi sai phi điện; thiết kế các bãi mìn có được nhiều mặt thoáng để giảm xung lực khi nổ mìn nhằm hạn chế mức độ rung chấn...

Về tiếng ồn, Đồng Lâm đã và đang hợp đồng thuê đơn vị quan trắc độc lập là Trung tâm quan trắc Môi trường thuộc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh đo đạc định kỳ các chỉ tiêu cần quan trắc theo quy định với tần suất 3 tháng/lần và báo cáo cơ quan chức năng....

Ông Nguyễn Đại Vui, Bí thư Huyện ủy Phong Điền ghi nhận những nỗ lực của công ty trong việc khắc phục những hạn chế trong quá trình vận hành mỏ đá; đồng thời, chỉ ra một số tồn tại cần tiếp tục được khắc phục trong thời gian tới như: 5 hộ dân nằm sát đường băng tải của Nhà máy bị ảnh hưởng nặng nề về khói bụi, tiếng ồn cần sớm di dời; 42 nhà dân khác nằm cách mỏ đá 300m bị ảnh hưởng cần có giải pháp lâu dài và phải có phương án cụ thể với huyện để huyện trình tỉnh xem xét, quyết định, đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân. 12ha lúa của người dân sát mỏ đá bị ảnh hưởng phải có phương án cụ thể về việc đền bù hoặc chuyển đổi cây trồng phù hợp với loại đất. Ngoài ra, công ty cần đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông dưới đường băng tải của nhà máy...

Bài, ảnh: Hải Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Mắt thần” đảm bảo an ninh ở Phong Điền

Từ khi mô hình camera giám sát an ninh trật tự (ANTT) được triển khai ở Phong Điền đã góp phần phát hiện, ngăn chặn kịp thời các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật.

“Mắt thần” đảm bảo an ninh ở Phong Điền
Đảm bảo an toàn tại các điểm du lịch suối thác

Mùa hè về, loại hình du lịch sinh thái gắn với tắm suối thác đang thu hút nhiều khách du lịch nội địa. Việc chủ động các giải pháp đảm bảo an toàn cho du khách phải được đặt lên hàng đầu.

Đảm bảo an toàn tại các điểm du lịch suối thác
Khai thác triệt để các giá trị dữ liệu để xây dựng địa chí làng

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ sáng 9/4 tại buổi làm việc với các cơ quan, địa phương về việc triển khai thực hiện Thông báo kết luận 552-TB/TU ngày 11/12/2023 xây dựng lịch sử làng thông qua việc xây dựng địa chí làng.

Khai thác triệt để các giá trị dữ liệu để xây dựng địa chí làng
Khai thác thế mạnh du lịch làng nghề

Bên cạnh những loại hình du lịch vốn là thế mạnh của Huế như du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh, sinh thái... thì du lịch làng nghề đã và đang trở thành hướng đi triển vọng và thu hút khách.

Khai thác thế mạnh du lịch làng nghề
Return to top