ClockChủ Nhật, 25/09/2016 18:06

Tâm khùng

TTH - “Thà nó chết theo gia đình còn hơn”. Những người nén lòng không nổi đã thốt lên như thế khi nhìn đứa con gái dở điên dở tỉnh vì cú sốc quá lớn. Nó học lớp mười trường huyện về muộn nên sống sót. Cả gia đình của nó đã chết hết vì nồi cháo thịt cóc.

Đứa con gái đang độ tuổi rằm trăng đã từng làm cho những thằng con trai ra ngẩn vào ngơ giờ đã là một con khùng lê la cùng làng khắp xóm. Và khi lớp vỏ bụi bặm của con khùng được tẩy rửa dưới những cơn mưa để hiện ra một tạo vật tuyệt mỹ đạt đến độ hoàn thiện đang hừng hực sức xuân thì đến trời cũng vén mây nhìn xuống…

“Con Vân khùng đã có chửa”. Người ta bảo nhau.

Có phải nhờ một quyền năng huyền bí nào mà đến ngày vượt cạn, Vân khùng biết đến trước trạm xá rên la để được hộ sinh một thằng cu.

Năm tháng dần trôi. Có phải nhờ phương thuốc tình mẫu tử mà chứng khùng của Vân đã giảm, đã biết làm lụng nuôi con. Tuy nhiên Vân không ý thức được việc làm đẹp của phụ nữ. Thân thể chị luôn có một lớp bụi bặm cơ cực phủ lên. Và như động lòng trắc ẩn, đấng tối cao đã khiến cho thằng Tâm lớn lên cũng bị “lệch pha” giống mẹ. Vẻ ngây ngô hiền lành sẽ biến mất để trở nên hung tợn như chó dữ bảo vệ chủ nếu có kẻ xấu nào trêu ghẹo, động chạm đến mẹ nó. Nhưng xem ra đấng tối cao chưa thành tâm. Bởi thằng bé không thể ở bên mẹ suốt ngày đêm, nó có những giấc ngủ say và những trò chơi của tuổi nhỏ.

***

Cái ống trúm cuối cùng được đặt xong thì mưa tới. Tâm khùng dang thẳng hai cánh tay, nhắm mắt, ngửa mặt lên trời đón những hạt mưa nặng như hạt sạn. Trong tư thế đó, nó xoay tròn rồi nhảy cẩng lên như con bê con, miệng hét to từng tiếng một “Mưa! Mưa!”. Rồi giả trò chơi máy bay, nó giữ hai cánh tay dang thẳng chạy trong màn mưa trắng xóa đất trời…

Trên đường làng vắng ngắt, một người cao lớn trùm áo mưa cánh dơi rẽ ngoặt vào một khu vườn. Bỗng người ấy khựng lại. Trong ánh sáng của lằn chớp lóe lên, lồ lộ một thân thể trắng ngần của một phụ nữ tắm mưa. Cơ thể kẻ chứng kiến hốt nhiên nóng bừng. Y chuyển cái túi vải đang ôm trước bụng qua bên hông, hối hả bước tới… Bỗng đâu xuất hiện một thằng người dang hai cánh tay chạy lạch bạch lướt ngang qua. Trời sụp tối hẳn.

Chỉ mới một đêm mưa mà nước trên đồng duềnh lên trắng xóa. Dân làng túa ra đồng để xem lại hoa màu. Tâm khùng cũng có mặt trên đồng. Nó đi trút lươn. Nhưng quái lạ! Toàn bộ số ống trúm không có một con. Nó đứng tần ngần giây lát rồi xăm xăm đi tiếp.

- Mày đi trút trúm hả?

Tâm khùng đứng lại nhìn người đàn ông chận nó trên đường đi. Nó dang tay chỉ con kênh xa xa phía trước nước mớn mém mặt bờ trông như một dải lụa trắng dưới ánh mặt trời ban mai.

- Nước lớn. Đừng đi!- Người đàn ông nắm tay Tâm khùng giữ lại.

Tâm khùng ngước mặt nhìn người đàn ông, cười ngờ ngệch. Nó gỡ tay ông ta rồi chạy ù đi. Người đàn ông hoảng hốt chạy theo gọi toáng lên:

- T.â.. âm! Đứng l.. ại!

Tiếng thét gọi bất ngờ làm những người ở gần đó hướng mắt về hai người đang rượt đuổi:

- Việc gì vậy hả ông Phán?

Bên này con kênh nước đang chảy xiết là ông Phán và Tâm khùng vừa chạy tới. Bên kia là những người hiếu kỳ đang chạy lại, trong đám có Vân khùng và hai thằng nhỏ xách hai cái đụt nặng tay. Bỗng đâu một tiếng hét bất ngờ vang lên. Một trong hai thằng nhỏ loay hoay thế nào ngã tõm xuống dòng kênh. Trong tích tắc dòng nước cuốn thằng nhỏ trôi qua trước mặt mọi người. Nó trồi lên hụp xuống trước sự bối rối của những người chứng kiến. Giọng ai đó vang lên trong tiếng kêu cứu của những người chứng kiến:

- Ông Phán cứu thằng Tùng đi! Nhanh lên!

Ông Phán bước vài bước trên bờ kênh, đáp với sang:

 - Chân tôi đau. Bơi không được.

Trong cảnh hoảng loạn ấy, thằng Tâm khùng vụt chạy như tên bắn dọc theo bờ kênh rồi lao ùm xuống dòng nước đang chảy xiết.

Việc diễn ra quá nhanh, quá đỗi bất ngờ trước mắt mọi người khiến họ chưa kịp định thần thì lại một tiếng thét lanh lảnh vang lên:

- C… on!

Mọi cặp mắt rời dòng kênh dồn về một hướng. Sau tiếng thét xé ruột, Vân khùng vùng chạy lên hướng thằng Tâm đang bơi. Tức thì những người đàn ông đứng gần bên nắm tay giữ chặt chị ta lại mặc cho chị vùng vẫy, gào thét. Và trước khi hóa dại, Vân khùng giận dữ ném qua bờ kênh bên kia cái nhìn sòng sọc vào ông Phán.

Vân khùng được buông ra khi thằng Tâm dìu được thằng Tùng vào bờ. Chị nhào đến ôm con vào lòng, bàn tay của người mẹ trẻ cứ vuốt tóc, vuốt mặt thằng bé như mèo mẹ liếm con. Trước cảnh ấy ông Phán như vừa thoát khỏi một giấc mơ. Suýt nữa ông đã nhảy xuống dòng kênh cứu thằng Tâm. Bây giờ ông phải tiếp tục vai diễn của mình, bước tiếp những bước khập khểnh, mặt nhăn nhó như cố kìm nén cơn đau.

- Sao tôi thấy ông rượt đuổi thằng Tâm mà ông nói ông đau chân?

Ông Phán giật mình, đứng thẳng người lên. Lại rùng mình, khom người bước khập khểnh. Nhăn nhó đáp:

- Thì do rượt nó nên tôi bị trặc chân chớ nước có lớn hơn nữa cũng nhằm nhò gì với tôi.

- Ừ. Chắc có lẽ vậy chớ ông là quán quân bơi lội mà! Chẳng lẽ vì thù hiềm với cha thằng Tùng mà ông thấy chết không cứu?- Nói xong, người nói nhếch mép cười nửa miệng.

Cha mẹ thằng Tùng được thông báo vừa chạy đến. Họ rối rít cảm ơn Tâm khùng. Mọi người cũng không tiếc lời khen ngợi nó. Nhưng mẹ con người khùng chỉ đón nhận bằng nụ cười ngờ nghệch và thái độ hờ hững khiến họ mất hứng đành xoay qua nói chuyện với nhau. Mải chuyện, người ta quên béng rằng sát bên họ vừa có một người làm nên kỳ tích. Nhưng Tâm khùng thì có cần quái gì việc người ta nhớ hay quên và có hiểu cóc khô gì về kỳ tích. Trong lòng mẹ, nó đang bận nhìn dòng nước đục ngầu chảy xiết.

Chuyện chán rồi ai lo việc nấy. Riêng thằng nhỏ đi với thằng Tùng ở lại. Trước khi theo cha mẹ về, thằng Tùng nói với nó: “Thằng Thanh mày ở lại gặp thằng Tâm rồi trả lại mớ lươn cho nó. Nó đã cứu tao. Tao ân hận lắm”!

Vần xong nồi cơm để lát nữa thằng Tâm về ăn, Vân khùng đi lên nhà trên. Trí óc còn tỉnh táo buổi sớm mai giúp chị nhận ra cái túi vải quen thuộc để trên bàn và cái dáng quen của người đàn ông đang nhìn chị. Nhìn túi vải và ông ta, chị hiểu ông ta muốn gì. Bỗng đâu sự tức giận bộc phát khiến chị hóa dại bước nhanh tới tát vào mặt ông ta bằng tất cả sức mạnh làm ông xiểng liểng té ngồi lên giường. Vân khùng chồm tới với miệng há ra và những ngón tay cong lại… Người đàn ông lách người tránh qua, bật dậy chạy nhào ra cửa. Chạy như bị ma đuổi…

Thời tiết hết nắng rồi mưa. Mùa vụ vẫn nối tiếp, cũng như làm giàu thêm cho những kẻ sẵn tiền buôn lúa non như ông Phán. Mỗi khi mưa gió lũ lụt người ta vẫn nhắc đến tấm gương cứu người của Tâm khùng, đồng thời cũng không quên thắc mắc về cái chân đau của ông Phán hôm ấy. Tuy vậy ông vẫn cứ là người “ngồi trên nói trước” trong các cuộc hội họp đình đám bởi sự giàu có…

Thằng Tâm khùng, thằng Tùng, thằng Thanh kết thành bộ ba không rời nhau trong những trò chơi niên thiếu và cả trong học tập. Thằng Tùng đã dạy thằng Tâm biết đọc, biết viết, nhớ được hai bốn chữ cái và đang tập ráp vần. Nhìn những nét chữ xiên xẹo và nghe tiếng ê a ráp vần của đứa con, tâm trí u mê của người mẹ dở điên dở tỉnh mơ hồ nhận diện những ký hiệu đã từng biết ở một thuở nào xa lắc khi đọc theo con như một trò chơi.

Kỳ tích có xảy ra hay không thì chỉ có tạo hóa mới biết. Chứ như người đàn ông nhận lấy cái tát như trời giáng của Vân khùng thì không ai được biết vì chị không nói. Mà chị có nói hỏi có ai tin? Ai lại tin lời của một người khùng?

***

Ông Phán đi bộ tập thể dục. Bên vệ đường ông gặp thằng Tâm khùng đang chơi với lũ trẻ trong làng. Tóc nó đã hớt cao, mặc chiếc áo lành lặn của đoàn từ thiện phát vừa rồi nên trông mặt mày cũng sáng sủa chứ không cáu bẩn như trước. Ông nghe đâu lũ trẻ đã dạy cho nó biết đọc, biết viết. Thằng khùng mà biết đọc, biết viết? Ông không tin! Hay là sẵn dịp ông đến thử nó xem?

Lũ trẻ mãi ham chơi nên chẳng chú ý gì đến ông Phán. Ông định hỏi đố thằng Tâm thì bỗng đâu một ý nghĩ xẹt đến làm ông bỏ ý định ban đầu khi thằng Tâm ngẩng mặt nhìn ông. “Thằng Tâm là con ai nhỉ? Ai mới thật sự là cha nó?”. Câu hỏi tự đặt mà không trả lời được làm ông tức tối với chính mình. Cái nỗi tức bực cần phải xả. Ông như hóa khùng, quát lên:

- Thằng Tâm! Đi... về!

Lũ trẻ giật mình hoảng hốt đứng cả dậy tụ vào nhau. Chúng ngạc nhiên nhìn ông Phán cho vay bỗng đâu nổi khùng với chúng. Thằng Tùng trấn tỉnh lại trước tiên. Nó là đứa gan lỳ nhất trong bọn trẻ và cũng là đứa có ác cảm nhất với ông Phán vì ông là quán quân bơi lội mà thấy nó sắp chết đuối lại không cứu. Nó đốp chát:

- Ông có quyền gì mà quát bảo thằng Tâm về? Ông làm như là cha nó vậy!

Ông Phán càng điên tiết khi nghe tiếng quát hỏi lại của thằng Tùng. Trong cái làng mà hầu hết là con nợ mùa vụ của ông, chưa ai dám chất vấn ông như cái thằng này. Ông làm tới luôn:

- Ừ! Tao là cha thằng Tâm! Cha thằng Tâm! Mày hiểu ch.ư.ưa?

Quát lại thằng Tùng xong ông Phán thấy thật thỏa mãn, sung sướng tột độ. Những ức chế vì gìn giữ bấy lâu trong phút chốc bị xổ toẹt qua lời nói bất ngờ nhất. Trong cảm giác ấy, ông nhìn lũ trẻ há hốc mồm đứng như trời trồng nhìn ông không chớp. Bỗng đâu ý thức được sự nguy hại của lời nói khiến ông hoảng hốt thì những cây người bất động kia vùng chạy tán loạn, la lên:

- A ha..ha… Biết ai là cha của thằng Tâm khùng rồi!... Biết ai đã lấy cô Vân có chửa rồi!… Ông Phán cho vay là cha của thằng Tâm!... Ông Phán nhà giàu lấy cô Vân khùng có chửa sinh ra thằng Tâm khùng bà con ơ... ơi!

Ông Phán đứng bất động như tượng đá. Tâm tình bấn loạn, có cảm giác như đang rơi xuống vực thẳm không đáy. Âm thanh tiếng nói của lũ trẻ như trống làng vang lên bốn phía, như những nhát búa của quan tòa đang gõ vào nỗi sợ hãi đang vùn vụt lớn mạnh trong ông khiến ông tức thở rồi ù té chạy…

Những người dân làng đang làm đồng gần đó nghe rõ mồn một lời của lũ trẻ, nhìn ông Phán chạy dẫn đầu như trò chơi rồng rắn kéo theo sau một đàn trẻ nhỏ có thằng Tâm khùng đang hò reo chỉ trỏ, nói với nhau:

- “Chẳng lẽ làng mình lại có thêm một người khùng”?

Phụng Tú

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top