ClockThứ Sáu, 15/03/2019 17:04

“Theo tràm gió, đỏ con mắt”

TTH - Lòng bàn chân dường như bỏng rát giữa nắng gắt xứ cát. Ấy thế mà bà Nguyễn Thị Côi tỉnh bơ: “Ăn thua chi; thời ni, theo tràm gió, đỏ con mắt”.
 

 
Kiểm tra tinh dầu tràm gió
 

Lòng bàn chân dường như bỏng rát giữa nắng gắt xứ cát. Ấy thế mà bà Nguyễn Thị Côi tỉnh bơ: “Ăn thua chi; thời ni, theo tràm gió, đỏ con mắt”.

 

Đỏ mắt tìm lá

Trong điện thoại, anh Nguyễn Khoa Thắng, ông chủ trẻ của một cơ sở dầu tràm tại thôn Niêm (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) nói: “Không dễ theo chân những “phu tràm” để tận mắt chứng kiến cuộc mưu sinh trên cát của họ”. Lý do anh Thắng đưa ra: Thứ nhất họ đi từ lúc mặt trời chưa tỏ; hai là “phu tràm” không hái ở một địa điểm cố định; điều thứ ba cũng là điều khó khăn nhất đó thời tiết khắc nghiệt, phải băng qua nhiều trảng cát dài ở xứ Hòa Bình Chương, thậm chí Vĩnh Xương, Thanh Hương (huyện Phong Điền).

 
Người dân hiện đã ươm những giống cây tràm đầu tiên

Đúng như lời anh Thắng, chuyến vượt cát theo nhóm “phu tràm” của bà Nguyễn Thị Côi (thôn Niêm, xã Phong Hòa) quả không đơn giản. Từ UBND xã Phong Hòa, cùng nhóm phụ nữ này đi dọc theo con đường đá lổm chổm nối Tỉnh lộ 6 với xã Phong Hòa. Đến địa điểm có những cây keo tràm tán rộng, tập kết xe máy vào bóng râm, bẻ những nhánh keo tràm đậy lên yên xe phòng lúc mặt trời đổ bóng. Hành trình cuốc bộ hái lá bắt đầu từ đây, ở khu vực cồn Tiếp (xã Phong Hòa).

Hái lá tràm ngoài những dụng cụ như, bao tải, liềm có người còn cơm đùm, nước bới. “Chú đừng có tưởng ra rú là bẻ được lá, có người đi cả ngày, lúc mặt trời lặn mới về nên bới theo cơm nước là bình thường”, bà Côi nói.

Nhóm người đi cùng bà Côi là dân địa phương, họ chẳng nhớ từ lúc nào, công việc này là kế mưu sinh lúc nông nhàn. Trên đường đi, bà Côi nhớ về thời trước, cái thời mà những trảng cát ở Hòa Bình Chương còn xanh màu tràm gió. Bà bảo, ở xứ này, làng nào cũng có rú cát, riêng rú cát khu vực cồn Tiếp, cây tràm gió nhiều vô số kể, và “chăm cồn giữ rú” như nhiệm vụ bất di bất dịch của cha ông để lại. Nhưng bây giờ, sau hơn nửa giờ cuốc bộ, tôi cùng bà vẫn chưa ngửi được mùi thơm từ lá tràm gió. Trên đoạn đường chúng tôi để lại dấu chân, nhiều cây tràm gió gầy khô, trọi lá, bẻ nhẹ nhánh cây chỉ nghe tiếng rắc. “Độ hơn chục năm trước, tràm gió nhiều vô số kể, cách nhà vài trăm mét đã thấy bóng dáng tràm gió. Rứa mà chừ ra ri đây”, bà Côi thở dài. “Ra ri một phần do những năm gần đây người dân ồ ạt vào rú hái lá bán cho các cơ sở dầu tràm, hái không đúng cách, hái triệt để khiến cây chẳng còn mọc lá. Phần khác, trước đây tràm gió ít người ngó ngàng đến, họ phá để trồng keo tràm, rồi những nhà máy khai thác cát thạch anh mọc lên khiến cho tràm gió dần biến mất. Keo tràm chỉ để giữ đất chứ trồng ở vùng ni lợi ích kinh tế thì khó lắm”, bà Côi giải thích thêm.

Người dân Phong Hòa hái lá tràm gió kiếm thêm thu nhập

Thực ra, chuyện “chăm cồn giữ rú”, ngay ở miệt cát này nhiều làng đã làm được bằng những luật lệ rõ ràng. Họ giữ được màu xanh trên cát để chống chọi với nạn cát bay và nhiều điều liên quan đến dân sinh. Sau khi nghe chuyện giữ rú cho làng ở Vĩnh Xương từ tôi, bà Côi cười gượng: “Ừ thì họ giữ được, nhưng rú đó có tràm gió mô, toàn những cây bụi. Rừng tràm gió của tụi tui thời trước cũng rứa, bởi giá trị nên con người đã làm mất nó. Cũng không hẳn do dân địa phương, tràm gió bị nhiều người ngoài địa phương đến bẻ không thương tiếc. Chừ thì chính quyền cắm biển cấm người ngoài địa phương vào đây”.

“Biển cấm” của chính quyền địa phương nơi đây có thể muộn bởi gần hai giờ cuốc bộ xuyên qua rừng keo tràm còi cọt, ngó chẳng thấy tràm gió, lòng bàn chân dường như bỏng rát giữa nắng gắt xứ cát. Bà côi động viên: “Ăn thua chi. Thời ni, theo tràm gió, đỏ con mắt. Đi thêm đoạn nước, đến vùng ẩm thấp bên khe nước chắc chắn có”.

 

 
Nhiều cơ sở sản xuất tràm gió khan hiếm nguồn nguyên liệu
 

Kinh nghiệm của bà Côi quả không sai, bằng mắt thường, khoảng hai chục cây tràm gió cao chừng hai mét mọc xanh tốt trên bãi bồi hai bên khe nước hiếm hoi của rú cát hiện ra. Tôi thở dài, ngồi nghỉ bên bóng mát, nhóm người của bà Côi thoăn thoăn thoắt bẻ từng nhánh tràm. Trong lúc hái họ vò lá tràm, đưa lên sống mũi kiểm tra. “Không phải lá mô cũng chứa tinh dầu, có lá thơm, lá hôi. Nếu muốn biết chắc chắn thì kiểm tra bằng cách vò lá rồi ngửi. Người hái cũng phải biết cách, hái những lá tra (già) mới có nhiều tinh dầu và để cây còn phát triển. Cây tràm gió dần biến mất cũng do người dân khai thác không đúng cách”, bà Lê Thị Bé (thôn Niêm) nói.

Hái lá tràm ngó dễ mà khó, khi nguồn nguyên liệu này cạn dần, theo chân những người hái lá 3 tiếng đồng hồ, mỗi người chỉ thu về khoảng vài kg lá với mồ hôi đẫm lưng áo…

Hoang hoải giữ nghề

Rong ruổi “săn” lá cùng nhóm bà Côi đến xế trưa, mỗi người thu về chừng gần 15kg lá tràm gió. Trên đường trở ra, phía bìa rú một số bao lá tràm gió được người dân tập kết. Bà Côi bảo, cây tràm gió cho tinh dầu tốt nhất từ khoảng tháng 2-9 (âm lịch), không chỉ ở xứ cát Phong Hòa, nhiều người dân ở các làng quê khác như Điền Hương, Phong Chương, Điền Môn hàng ngày cũng cuốc bộ khắp các cồn cát để tìm lá bán cho các cơ sở thu mua tận Phú Lộc. Mùa nông nhàn, đây là công việc hái ra tiền của những phụ nữ miền quê.

 

Ngươi dân sau khi thu hoạch lá tràm bán ngay cho các cơ sở sản xuất dầu tràm

“Làm ruộng là nghề chính của chị em, hái lá tràm chỉ là nghề tay trái, nhưng với dân vùng quê cũng cho thu nhập kha khá. Tràm gió hái về là được thu mua ngay, ngày bình thương mỗi người có thể hái được khoảng 30kg, người chịu khó có thể hơn nửa tạ. Lá tràm được thu mua với giá 3.000 đồng/kg. Như rứa mỗi người thu về khoảng 100 - 150 ngàn đồng/ngày từ công việc này”, bà Côi nhẩm tính.

Lá tràm gió là nguyên liệu chính chiết xuất ra tinh dầu tràm nổi tiếng vùng đất Cố đô. Song, nguồn nguyên liệu tự nhiên dần cạn kiệt khiến những cơ sở sản xuất tinh dầu tràm gặp khó. Anh Nguyễn Khoa Thắng thông tin về quy trình làm ra dầu tràm thứ thiệt: “Cứ 7 tạ lá sẽ chiết xuất ra gần 2 lít dầu tràm. Vào mùa mưa lá tràm cho dầu ít nên lượng dầu chiết xuất ra càng thấp hơn. Với mức giá như hiện nay, mỗi lít dầu tràm khoảng 1,7 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí cho nguyên liệu hơn 1 triệu đồng, cộng với chi phí điện, nước, củi lửa và nhân công, bao bì nhãn mác, như vậy tính ra lời lãi sẽ không bao nhiêu...”, anh Thắng cho hay.

Tại nhiều địa phương, nhất là ở huyện Phú Lộc, “thủ phủ” tinh dầu tràm trên địa bàn tỉnh, diện tích tràm gió tự nhiên dường như đã cạn kiệt, để giữ nghề, nhiều cơ sở tinh dầu tràm phải thu mua nguyên liệu với giá khá cao từ người dân ở các địa phương khác và ngoại tỉnh.

Dầu tràm Linh Đan (thôn Niêm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) đang khẳng định thương hiệu của nghề truyền thống địa phương

Diện tích tràm gió tự nhiên thu hẹp cũng là lúc con người bừng tỉnh, ở vùng cát Phong Điền, Phú Lộc đã có những dự án trồng cây tràm gió. Bây giờ, người dân đã thích trồng tràm gió.

Ông Trần Văn Hữu, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy (“thủ phủ” dầu tràm tại Phú Lộc) cho rằng, người dân đã nhận thấy lợi ích từ cây tràm gió, không chỉ những cơ sở sản xuất tinh dầu tràm mà người dân bình thường đang tận dụng diện tích đất dư thừa để trồng tràm gió, mở rộng vùng nguyên liệu.

“Hiện nay, lá tràm gió đang khan hiếm nên giá cao. Chính quyền địa phương khuyến khích người dân mở rộng vùng nguyên liệu để giữ nghề truyền thống. Trồng tràm gió không quá khó, độ 3 năm sẽ cho thu hoạch”, ông Hữu chia sẻ.

Không có gì là muộn khi để một thương hiệu vươn tầm bay xa, người dân đã biết giữ gìn vùng nguyên liệu như cách chính quyền xã Phong Hòa cắm biển cấm người ngoài địa phương “thâm nhập” vùng rú cát. Những người sản xuất tinh dầu tràm như anh Thắng chủ động nguyên liệu bằng cách ươm mầm những cây tràm gió đầu tiên. Giữ tràm gió không đơn thuần là giữ rú, giữ làng mà còn giữ một thương hiệu cho chính mảnh đất quê hương. Khi bài toán vùng nguyên liệu được giải, giá trị thương hiệu và thị trường dầu tràm Huế sẽ được khẳng định...

Nội dung: Quỳnh Viên

Thiết kế: Minh Quân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo lao động theo xu hướng phát triển mới

Để đón đầu và đáp ứng được xu thế chuyển dịch lao động cũng như nhu cầu của doanh nghiệp, việc cải cách, đổi mới giáo dục nghề nghiệp (GDNN) để phát triển nguồn nhân lực đang được các ngành, các cấp xây dựng triển khai hợp lý.

Đào tạo lao động theo xu hướng phát triển mới
Đem theo quê nhà

Một gốc bầu đã cho trái. Một giàn bí đao vừa ra hoa. Những cành cà chua trĩu quả. Đó là những hình ảnh trên facebook của bạn, với dòng tút mộc mạc “Đem theo quê nhà đến đây”.

Đem theo quê nhà
Hướng nông dân sản xuất theo mô hình tiên tiến

Tổ chức sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Quảng Thọ 2 đã hướng nông dân canh tác theo phương thức mới, giống mới, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn và tiêu thụ ổn định.

Hướng nông dân sản xuất theo mô hình tiên tiến
Phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu

Có ý kiến cho rằng, không quan trọng nhân lực chất lượng cao hay thấp, mà cái chính là phù hợp mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Đây còn là định hình để dự báo nguồn lao động rõ ràng, đảm bảo an sinh xã hội và phục vụ cho phát triển bền vững.

Phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu
Tetmaiman trong con mắt thế hệ trẻ

Qua con mắt của cộng đồng người dùng TikTok, Tết truyền thống - #TetMaiMan được thể hiện phong phú với nhiều nét đẹp văn hoá khác nhau.

Tetmaiman trong con mắt thế hệ trẻ
Return to top