ClockThứ Năm, 18/01/2018 09:54

Thời thế đã khác

Chậm nhất là vào năm 2019 hoặc 2020, bà Merkel có lẽ phải chuyển giao quyền lãnh đạo đảng cho người khác

Thủ tướng Anh sẽ thay đổi Nội các trong ngày hôm nayThủ tướng Anh đến Brussels gặp Chủ tịch Uỷ ban châu ÂuThủ tướng Anh dự kiến thăm Nhật Bản vào cuối tháng 8/2017Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair: Cần chấm dứt Brexit để ngăn chặn tổn thất cho nước AnhThủ tướng Anh Theresa May thông báo thành lập chính phủ mới

Trong khi chưa thể chắc chắn bất kỳ điều gì về chính phủ sắp tới của Đức, điều rõ ràng là bà Angela Merkel rốt cuộc vẫn là thủ tướng nước này. 

Dù vậy, nền tảng phong cách và nguyên tắc của bà Merkel - được gọi đùa là chủ nghĩa Merkel ở Đức - đã bị xói mòn đến mức nhiệm kỳ cuối cùng của nữ thủ tướng sẽ lu mờ hơn so với 3 nhiệm kỳ trước đó.

Thủ tướng Angela Merkel cùng với ông Martin Schulz (phải), lãnh đạo SPD và ông Horst Seehofer, thủ lĩnh CSU Ảnh: REUTERS

Những công kích dữ dội nhằm vào cá nhân, đường lối chính trị của bà không chỉ đến từ phe đối lập mà còn từ nội bộ chính phủ và thậm chí là đảng của bà. 

Điều này có thể gây lo lắng cho một số người Đức - những người quen thuộc với những điều giản dị của cuộc sống dưới chủ nghĩa Merkel - và khiến nữ thủ tướng thấy mệt mỏi. Nhưng nhìn theo hướng lạc quan, điều này sẽ giúp chính trị nước Đức tươi trẻ trở lại sau thời gian dài gián đoạn.

Trong khi vai trò lãnh đạo của bà Merkel là không thể phủ nhận, bà không điều hành đất nước bằng tầm nhìn chính trị xa rộng mà đúng hơn là một trọng tài cuối cùng, phân xử những mâu thuẫn và tranh chấp giữa các bộ trưởng, phe phái trong Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của mình. 

Bà Merkel không bao giờ vội vã, mà chờ đợi và thử phản ứng của công chúng càng lâu càng tốt trước khi đưa ra quyết định. Đó là quyết định cuối cùng, không thể bác bỏ hoặc bị chất vấn.

Một nguyên lý nữa của chủ nghĩa Merkel là không có lựa chọn thay thế nào khác cho bà Merkel. Điều này không những áp dụng cho nước Đức - thực tế là CDU, một đảng hiện không có đối thủ về quy mô - mà còn trong nội bộ CDU và đảng chị em Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU). 

Trong những năm qua, bà Merkel đã mạnh tay loại dần từng đối thủ một (thường là nam giới), dẫn đến việc bà không còn bất kỳ người đối đầu - cũng như người kế nhiệm - trong đảng mình. Điều đó lý giải bất chấp tỉ lệ ủng hộ sụt giảm và sự vụng về trong việc lập chính phủ, bà Merkel chắc chắn vẫn đảm nhận thêm một nhiệm kỳ nữa.

Dù vậy, những gì xảy ra hiện nay khác với kết cục cuộc bầu cử năm 2009 hoặc 2013, khi cả bà Merkel và chủ nghĩa Merkel vẫn còn vững chắc. 

Trong cuộc bầu cử năm 2017, CDU/CSU hứng chịu kết quả kém nhất kể từ năm 1949. Tệ hơn là một đảng cực hữu bài ngoại - Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD) - có ghế trong quốc hội lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ hai.

Bất chấp vị thế bị giảm sút, bà Merkel vẫn dẫn đầu các cuộc đàm phán đầu tiên về lập liên minh cầm quyền giữa 4 đảng vào tháng 10 và tháng 11 hồi năm ngoái. 

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán sụp đổ sau gần 5 tuần diễn ra, với nhiều nhà quan sát đổ lỗi cho cách tiếp cận của nữ thủ tướng. Kể từ đó, tỉ lệ ủng hộ bà sụt giảm và thậm chí ngày càng nhiều thành viên CDU rời bỏ đảng giữa lúc Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) cân nhắc đàm phán thành lập đại liên minh.

Trong khi đó, không chỉ thu hẹp danh sách các đối thủ cạnh tranh nghiêm túc cho vị trí lãnh đạo đảng, bà Merkel còn chưa chịu bắt tay chọn người kế nhiệm. Tất cả chính trị gia bảo thủ có nhiều tham vọng đều sẵn sàng đảm nhận vai trò này trong nhiều năm nhưng họ lại thiếu kinh nghiệm, sự hậu thuẫn trong đảng hoặc sự ủng hộ từ công chúng.

Nữ Bộ trưởng Quốc phòng Ursula von der Leyen, người từng đảm nhiệm 3 chức bộ trưởng khác nhau, có quan điểm tự do hơn cả bà Merkel nên hoàn toàn không được lòng các thành viên bảo thủ của đảng. 

Niềm hy vọng của phe bảo thủ là ông Jens Spahn, Thứ trưởng Bộ Tài chính. Nhưng ở tuổi 37, ông này vẫn còn quá trẻ và chưa từng được trải qua những thử thách lớn. Trong chính quyền kế tiếp, cũng như trong cơ cấu của CDU, bà Merkel sẽ phải trao cho những nhân vật như ông Spahn vị trí có quyền lực chính trị thực sự.

Chậm nhất là vào năm 2019 hoặc 2020, bà Merkel có lẽ phải chuyển giao quyền lãnh đạo đảng cho người khác - một bước đi ít nhất giúp cho người ta biết bà thích chọn ai làm người kế nhiệm mình. 

Thế nhưng, CDU sẽ bỏ phiếu cho sự lựa chọn này và nữ thủ tướng có thể sẽ chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt. Trong khi đó, CSU, đối mặt các cuộc bầu cử tại bang Bavaria, vẫn đang phản đối chính sách nhập cư của bà Merkel.

Riêng SPD nhấn mạnh rằng sẽ không chấp nhận để vị thế sụt giảm bởi hành động "xâm phạm lãnh địa" của bà Merkel - một khía cạnh khác của chủ nghĩa Merkel. Tình hình còn thêm phức tạp khi AfD sẽ là đảng đối lập lớn nhất trong quốc hội nếu SPD chịu liên minh với CDU/CSU - một hiện tượng mới không lấy gì làm dễ chịu gì tại quốc hội Đức.

Tất cả những điều này sẽ khiến nhiệm kỳ thứ 4 của bà Merkel rối ren và mong manh hơn bất cứ nhiệm kỳ nào trước đó. Những thách thức này cũng sẽ khiến bà Merkel giảm bớt ảnh hưởng trong việc đề xuất những ưu tiên của Đức trong tiến trình cải cách Liên minh châu Âu và trong việc xử lý các vấn đề toàn cầu nói chung vào thời điểm sự lãnh đạo và chủ nghĩa bảo thủ ôn hòa có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. 

Dù vậy, vẫn có một yếu tố khác của chủ nghĩa Merkel mà các nhà quan sát không nên quên: bà Merkel trở nên sắc sảo nhất khi gặp thách thức và bị đánh giá thấp. Cho đến lúc này, chỉ cần ra tay thì nữ thủ tướng sẽ chiến thắng. 

Theo Người lao động

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đức: Lãnh đạo CDU và CSU muốn ứng cử chức thủ tướng

Lần đầu tiên, Chủ tịch hai đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) Armin Laschet và Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CSU) Markus Söder tuyên bố công khai ý định ra tranh cử chức thủ tướng, kế nhiệm đương kim Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Đức Lãnh đạo CDU và CSU muốn ứng cử chức thủ tướng
Return to top