ClockThứ Hai, 19/09/2016 13:51
QUỸ BẢO LÃNH TÍN DỤNG DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA:

Thừa vốn nhưng doanh nghiệp khó tiếp cận

TTH - Tuyệt đại đa số doanh nghiệp (DN) ở Thừa Thiên Huế là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hoặc siêu nhỏ. Do đó, bài toán tiếp cận nguồn vốn tín dụng của nhóm DN này là thách thức vô cùng to lớn.

Khó bước lên cầu nối

Theo thống kê, DN nhỏ, siêu nhỏ (có vốn điều lệ dưới 1 tỷ đồng), chiếm đến 96% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các DNNVV không chỉ giải quyết việc làm (với hơn 71 ngàn lao động) mà còn góp phần không nhỏ trong việc đóng góp vào GDP chung của tỉnh. Thế nhưng trong nhóm đối tượng này, chỉ có 54% DN tiếp cận được vốn từ ngân hàng, số còn lại không thể vay vốn do không có hoặc không đủ tài sản thế chấp.

Ký kết hợp đồng tín dụng đầu tiên giữa Qũy với Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong

Chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2016, với số vốn điều lệ hơn 326 tỷ đồng (hiện đã tiếp nhận 256 tỷ đồng), Quỹ Đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (gọi tắt là Quỹ) được kỳ vọng là chiếc cầu nối đưa nguồn vốn đến với DN để phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Tuy nhiên, trên thực tế, DN rất khó để bước được lên “cây cầu” này.

Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Đặng Thị Thùy Dương nhìn nhận, tất cả DN đều cần vốn, nhưng nhóm nhỏ và vừa khó tiếp cận hơn do không có tài sản thế chấp, báo cáo tài chính, báo cáo thuế cũng chưa rõ ràng. Vì vậy, nhiều DN hội viên có ý định vay vốn, bảo lãnh tín dụng từ Quỹ, nhưng đa phần không đủ điều kiện. Mặt khác, quy định hoạt động bảo lãnh của quỹ yêu cầu DN phải có tài sản thế chấp. “Điều DN cần là bảo lãnh các khoản vay không có tài sản thế chấp, chứ nếu đủ tài sản thế chấp thì DN đến ngân hàng vay vốn, đâu cần quỹ bảo lãnh”, bà Dương nói.

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Trần Đức Minh nhận định, trong 5 lĩnh vực mà Quỹ được đầu tư gồm: kết cấu hạ tầng giao thông; năng lượng, môi trường; công nghiệp, công nghiệp phụ trợ; nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn; xã hội hóa hạ tầng xã hội... thì đa phần là những ngành nghề xã hội hóa, phục vụ công cộng, công ích là chính. Vì vậy, gần 100 hội viên của hội, không có DN nào phù hợp. Cũng có DN cần vốn từng tìm đến Quỹ nhưng vì dự án không nằm trong danh mục nên đành chịu.

“Hiện nay, lãi suất ngân hàng khá “dễ thở” với DN. Những đơn vị có nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh thì họ đều chủ động được vốn (do đã có “thương hiệu” nên khả năng huy động vốn rất cao, được các ngân hàng ưu đãi và “chăm sóc” kỹ). Với những đối tượng này, chẳng ai “dại” tìm đến Quỹ để được bảo lãnh để phải trả phí đến 2 lần, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh phân tích.

Gỡ vướng

Ông Lê Quang Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý, Giám đốc Quỹ cho biết: “Từ khi thành lập, đã có nhiều DN tiếp cận với chúng tôi, nhưng hợp đồng bảo lãnh tín dụng thì chưa có. Riêng hợp đồng tín dụng đã ký giữa Quỹ với Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong (đối với dự án trồng rừng kinh doanh gỗ nguyên liệu chế biến) với số tiền 8 tỷ đồng. Đồng thời, 1 dự án khác của Công ty Dược phẩm Hera hiện đã được chấp nhận chủ trương, dự kiến đến cuối tháng 9 này sẽ ký kết cho vay 10 tỷ đồng và 1 dự án đang thẩm định (vay 15 tỷ đồng). Như vậy, đến cuối năm số tiền cho vay các dự án tương ứng khoảng 33 tỷ đồng. 

Nhìn nhận Quỹ có nhiều thuận lợi hơn so với ngân hàng, như: dựa vào đánh giá uy tín của DN, nếu uy tín tốt chỉ cần tài sản đảm bảo tương đương 40-50 đồng Quỹ vẫn có thể đứng ra bảo lãnh cho vay đến 100 đồng; mức lãi suất ưu đãi là 6%/năm, thời gian cho vay vốn kéo dài (có thể lên tới 15 năm)... Tuy nhiên, theo Giám đốc Lê Quang Minh, vướng mắc nhất hiện nay trong hoạt động của Quỹ là quy định về tài sản đảm bảo và bảo toàn vốn. Theo đó, các DNNVV để được Quỹ bảo lãnh vay vốn, đồng thời phải có tài sản đảm bảo tại tổ chức tín dụng và tại Quỹ (hiện rất ít DN có thể đáp ứng điều kiện này). Thêm vào đó, tài sản đảm bảo tại Quỹ phải là tài sản thuộc quyền sở hữu của DN, trong khi để vay vốn tại các ngân hàng, DN có thể sử dụng tài sản của bên thứ 3 làm tài sản bảo đảm.

Về vấn đề này, chúng tôi đã có đề xuất với Bộ Tài chính một số giải pháp điều chỉnh bổ sung sửa đổi một số quy định (tại Quyết định 58 của Thủ tướng Chính phủ về tài sản đảm bảo theo hướng, DN có thể sử dụng tài sản của bên thứ ba làm tài sản, bảo đảm cho khoản được cấp bảo lãnh tại quỹ. Để quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV hoạt động có hiệu quả cần có hướng dẫn thêm về đối tượng DN được ưu tiên bảo lãnh tín dụng theo thứ tự, tránh việc chỉ ưu tiên một nhóm DN; ưu tiên bảo lãnh tín dụng ngắn hạn cho các DN gặp khó khăn trước, bảo lãnh tín dụng dài hạn sau. Hiện nguồn vốn của Quỹ bảo lãnh tín dụng thấp, quy định trích lập quỹ dự phòng lại nhỏ, khiến rủi ro rất lớn, do đó, cần nâng cao tỷ lệ dự phòng rủi ro trong bảo lãnh tín dụng, ông Minh đề xuất.

Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

Hiện nay, doanh nghiệp (DN) muốn tham gia sâu vào thị trường quốc tế phải có tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon được hiểu là chứng nhận để giao dịch thương mại và đổi quyền được phát thải khí nhà kính.

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp
Hoãn đấu thầu vàng: Doanh nghiệp không mặn mà hay đang 'nghe ngóng'?

Do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu vàng vào 10h sáng nay (ngày 22/4); đồng thời, công bố sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng mai, thứ Ba, 23/4.

Hoãn đấu thầu vàng Doanh nghiệp không mặn mà hay đang nghe ngóng
Doanh nghiệp du lịch 'khóa sổ' tour đi Điện Biên

Theo đại diện các công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu đi du lịch Điện Biên trong dịp Lễ 30/4 và 1/5 nhân kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) đang tăng cao và các đường tour du lịch đến Điện Biên hiện đã kín chỗ. Vì vậy, hầu hết các công ty du lịch đã có thông báo ngưng nhận khách.

Doanh nghiệp du lịch khóa sổ tour đi Điện Biên
Return to top