ClockChủ Nhật, 24/09/2017 11:09

An & "chuyện của những người đàn bà"

TTH - Những giờ hướng dẫn cho sinh viên trên lớp, những buổi đón đưa con đến trường, trong siêu thị hay ngược dòng xe cộ, An cũng như nhiều bà mẹ trẻ khác, hối thúc thời gian một cách điên cuồng.

Một trong những tác phẩm trong bộ tranh “Chuyện của những người đàn bà”

Con đường dẫn về ngôi nhà ấm của An có mùi hương của hoa xuyến chi. Phòng vẽ với ô cửa kính mở rộng ngó ra thung lũng xanh. Khu vườn mới tạo lập với chậu gỗ, cành khô, đá cuội, và lác đác những nụ hồng. Một sự sắp đặt tuồng như bề bộn, ngẫu hứng cùng tiếng bi bô của con trẻ. Nàng là người có trực giác bén nhạy mơ mộng giữa một không gian sống đầy cảm xúc.

Những giờ hướng dẫn cho sinh viên trên lớp, những buổi đón đưa con đến trường, trong siêu thị hay ngược dòng xe cộ, An cũng như nhiều bà mẹ trẻ khác, hối thúc thời gian một cách điên cuồng. Chỉ lúc trở về bên giá vẽ, có chiếc khung tranh làm biên giới ngăn với thế giới bên ngoài, An lại tìm gặp cuộc chuyển hành không ngừng của những hình ảnh đuổi theo nhau với thứ ngôn ngữ đầy ảo mộng.

Nét cọ trên toan giữ lại khoảnh khắc của những giấc mơ An đã từng gặp, trĩu nặng hồi ức. Bộ tranh Yêu và Mẹ con vẽ trong quãng thời gian tu nghiệp ở Đại học Mahasara Thái lan 2013 - 2014  với nhiều giải thưởng đã để lại trong lòng người xem những tình cảm rất đặc biệt. Với sự kết hợp của phong cách siêu thực và hiện thực, "Yêu với kiếp người đàn bà" được An thể hiện đầy ám ảnh, khát vọng.

Yêu với cung bậc cảm xúc qua gam màu ma mị, những vệt sáng trong veo, những dải lụa như cánh tay tình yêu quấn chặt xô đẩy níu giữ ám gợi giấc mơ được dâng hiến. "Đôi cánh tình yêu", những bức họa với sắc tím như vầng mây mùa yêu đầy khao khát, mềm mại như ước mong tình yêu của người đàn bà tương đồng cùng tâm thức vũ trụ...

Người xem như nghe câu chuyện nàng đang kể, lúc rôm rả, khi đăm chiêu tư lự...

Đôi lần ghé thăm, tôi gặp An vẽ. Những ngón tay đưa trên toan như không kìm được cảm xúc. Lòng người đã mới nhưng ngày hôm qua vẫn còn đó. Khu vườn trong tranh An nở đầy hoa hồng dưới nắng mai nhưng vẫn đọng những khoảng tối âm thầm như góc khuất trong trái tim người họa sĩ. Mái ấm gia đình là nguồn sống, nhưng con đường sáng tạo vẫn mãi cô đơn.

"Chuyện của những người đàn bà" là tên của những tác phẩm mới của nàng. An chọn màu sắc cho niềm đau khổ, nỗi cô đơn trong sự kiêu hãnh của đàn bà. Nét đẹp phồn thực đầy sức sống và men yêu, sự chuyển động của hình thể như được ghi lại từng khoảnh khắc. Dáng ngồi nghiêng nũng nịu, màu áo xanh, sắc thu tan chảy, đôi chân nhón… Người xem như nghe câu chuyện nàng đang kể, lúc rôm rả, khi đăm chiêu tư lự, lúc bướng bỉnh. Ngôn ngữ của hình thể như dẫn người xem vào thế giới những người đàn bà đẹp đầy cá tính đương đại. Những đường cong mềm mại, tà áo lụa, những tia nắng chiếu xiên thảng thốt, và nụ hồng đẫm sương trong bức họa như thoang thoảng một làn hương.

An đã phần nào giữ lại được những khoảnh khắc thoáng hiện thoáng mất của đời sống. Xem tranh nàng như bước vào một không gian gần gũi mà khác lạ. Tôi chợt nghĩ khi người thưởng ngoạn hân hoan trong cảm giác của những bức họa mang lại thì người nghệ sĩ có thực sự hạnh phúc với những gì mình lưu lại trên mặt vải. Hay vẫn mãi còn đó nỗi ám ảnh trong tiềm thức với những giấc mơ chưa được gọi tên...

Họa sĩ Đặng Thị Thu An sinh năm 1983

Quê quán Đồng Hới, Quảng Bình. Tốt nghiệp Trường đại học Nghệ thuật Huế.

Cao học chuyên ngành nghệ thuật thị giác tại Đại học Mahasarakham, Thái Lan.

Giảng viên Trường đại học Mỹ thuật Huế.

Hội viên hội Mỹ thuật Việt Nam

Bài, ảnh: TRẦN THỊ BẠCH DIỆP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Loanh quanh chuyện tiền mừng tuổi

Chúng tôi có 2 cậu con trai. Việc làm gì với tiền mừng tuổi của các con chưa bao giờ là vấn đề cần thảo luận một cách nghiêm túc trong gia đình chúng tôi. Chúng tôi đơn giản rằng, tiền mừng tuổi con nhận được là của con và ba mẹ có trách nhiệm giữ giúp. Cách truyền thống là chúng tôi dồn 2 năm một lần, lập cho các con mỗi đứa một sổ tiết kiệm có ngày đáo hạn là sinh nhật của con để phân biệt, dù mẹ đứng tên. Nhưng năm nay, khi các con đều lần lượt lên 11 và 16 tuổi, lần đầu tiên vấn đề này chúng tôi đem ra hỏi các con một cách nghiêm túc. Cậu em thì đơn thuần: “Tùy ba mẹ!”, trong khi cậu anh chỉ im lặng và tủm tỉm cười.

Loanh quanh chuyện tiền mừng tuổi
Chuyện người đàn ông làm bánh Huế

Xưa nay chuyện bếp núc, nhất là làm các món bánh, mứt đòi hỏi đôi bàn tay mềm mại khéo léo nên đa phần do người phụ nữ đảm trách. Ấy thế nhưng lại có một chàng trai theo đuổi đam mê này, đó là Trần Thanh Quang, một nghệ nhân trẻ năm nay 45 tuổi, là chủ nhân một quán trà, bánh, mứt khá “chất” ở Huế.

Chuyện người đàn ông làm bánh Huế
Chuyện chiếc chìa khóa

Cậu bé điều khiển chiếc xe cup 50 vào cây xăng trên đường Phạm Văn Đồng, phường Vỹ Dạ (TP. Huế) để đổ xăng.

Chuyện chiếc chìa khóa
Return to top