ClockThứ Tư, 21/03/2018 07:00

Báo động trầm cảm ở học sinh

TTH - Áp lực học tập, bố mẹ không quan tâm, nghiện game... khiến nhiều học sinh rơi vào tình trạng trầm cảm. Tuy nhiên, không ít người quá mê tín dị đoan, đem con “đi vái tứ phương” nên bệnh càng nặng.

Chữa mất ngủ giúp làm giảm chứng trầm cảm và hoang tưởngKhi lo lắng hoặc trầm cảm ẩn chứa một vấn đề về sức khỏeHơn 8% phụ nữ Việt Nam có dấu hiệu bị trầm cảm sau sinh

Ban giám đốc Bệnh viện tâm thần Huế tặng quà cho bệnh nhân

Đừng tạo áp lực cho con

Cánh cửa cuối cùng của chị N.T.V (Thuận Lộc –TP. Huế) còn chút hy vọng khi đem con đến triều trị tại Bệnh viện Tâm thần Huế. Cách đây 1 năm, khi cô bé T.V.A tròn 15 tuổi, chị phát hiện con có những biểu hiện lạ khi chỉ muốn ngồi một mình, tinh thần sa sút, thường xuyên mất ngủ. Cảm xúc em thay đổi, hay cáu giận vô cớ và không làm chủ bản thân. Trò chuyện với con, chị hốt hoảng khi nghe em nói, con chỉ muốn chết, cái chết mới làm con thấy thỏa mãn nỗi day dứt trong lòng...

Bệnh tình con ngày càng nặng, chị đem con đến Bệnh viện Tâm thần Huế và các bác sĩ chẩn đoán: Rối loạn cảm xúc và cần điều trị dài ngày. Ngoài thuốc men điều trị, bệnh con có thuyên giảm hay không phụ thuộc vào sự nỗ lực của bố mẹ. Em cần được tôn trọng, yêu thương và không gây áp lực mới lấy lại thăng bằng tâm lý. “Tôi kỳ vọng vào con khi đặt ra mục tiêu, cháu phải được vào trường chuyên, lớp chọn trong thành phố. Tôi chọn nhiều thầy để giúp con bồi dưỡng kiến thức. Cháu chỉ ngủ một ngày từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ, lại lạm dụng các chất kích thích, như cà phê nên sức khỏe suy kiệt. Suýt nữa, tôi đã mất con vì lối suy nghĩ áp đặt”.Chị V. day dứt.

Trong vai đem người nhà đi khám bệnh, tôi tiếp xúc với nhiều phụ huynh ở phòng khám của Bệnh viện Tâm thần Huế. Gương mặt xinh xắn, làn da trắng ngần, cô gái 16 tuổi N.T.N ngồi thu mình ở góc giường. Rất khó khăn để trò chuyện với N. khi mắt em vô hồn, không nhìn người đối diện. Ở tuổi đẹp nhất của thời thiếu nữ, N. bỗng nhiên thay đổi tâm tính, ăn ngủ thất thường. Có những đêm em chong đèn đến tận 4 - 5 giờ sáng vẫn chưa đi ngủ, bởi hễ nằm xuống là gặp ác mộng. Trong một lần to tiếng với mẹ, em dùng dao cứa cổ tay tự tử. N. nhập viện, được xác định bị rối loạn tâm thần (một dạng trầm cảm nặng). Xâu chuỗi câu chuyện, mẹ N. nói rằng, bà hối hận khi không làm bạn cùng con, con gái bà không có bạn bè, sống khép kín khi suốt ngày ôm máy tính. Cô bé nghiện game online đến mức mọi hoạt động đều bị chi phối bởi nhân vật trong trò chơi.

Đừng quá bao bọc con

Con số mà bác sĩ Nguyễn Ngọc Thượt, Trưởng phòng khám Bệnh viện Tâm thần Huế đưa ra cho thấy, trầm cảm ở giới trẻ có chiều hướng gia tăng  bình quân mỗi tuần có từ 600 - 800 (tăng 20 - 30% ) bệnh nhân đến khám, trong đó, có từ 100 -120 bệnh nhân điều trị rối loạn thần kinh nặng. Các em luôn có cảm giác buồn rầu, bực bội, khó chịu vì những lý do không đâu. Đôi lúc, các em cho mình là vô dụng, muốn buông xuôi mọi việc; từ đó, dẫn đến những rối loạn cơ thể, như đau đầu, đau bụng, đau ngực, đánh trống ngực, đau cơ, ra nhiều mồ hôi...

Nguyên nhân “muôn hình, vạn trạng”, chủ yếu học tập căng thẳng, không có thời gian nghỉ ngơi, thi trượt, thất bại trong tình yêu, bố mẹ ly hôn, không quan tâm đến tâm sự của con cái... Ở một bộ phận người trẻ tuổi có cuộc sống thiếu lành mạnh. Ngày đêm vùi đầu vào các trò chơi điện tử (game online), dùng chất kích thích... khiến bệnh trầm cảm bùng phát.

Khi được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh, hơn 80% người trầm cảm hồi phục và trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, một số gia đình sợ hàng xóm dị nghị khi có con bị sang chấn tâm lý nên không đưa con đi khám. Họ âm thầm đem con đến các chùa chiền để “vái tứ phương” mong lành bệnh. Nhiều em được đưa đến bệnh viện tâm thần điều trị sau khi bị trầm cảm nặng đi tìm cái chết. Hệ lụy của điều trị muộn khiến bệnh thành mạn tính, người bệnh không khỏi hoặc phải uống thuốc cả đời.

Ths. Bùi Minh Bảo, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Huế đưa ra lời khuyên: Phụ huynh cần rèn cho con mình từ bé về tính tự lập, tự chủ. Đừng bao bọc các cháu quá kỹ, để khi trưởng thành các em có đủ nghị lực sống độc lập, tự mình chấp nhận và vượt qua thử thách một cách vững vàng. Thanh thiếu niên cần được giáo dục và rèn luyện tốt hơn về mặt tâm lý khi đứng trước các khó khăn của cuộc sống. Hãy sống, học tập và làm việc khoa học, hợp lý, lành mạnh để tránh xa căn bệnh trầm cảm.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Báo động tình trạng trộm ở chung cư

Một đường dây trộm mô tô tại các chung cư (CC) đã bị lực lượng nghiệp vụ Công an TP. Huế triệt xóa. Các đối tượng thực hiện hành vi này đều đang trong lứa tuổi thanh, thiếu niên (TTN). Đây là vấn đề đáng báo động trong xã hội hiện nay và việc quản lý an ninh tại các CC cũng cần phải chặt chẽ hơn.

Báo động tình trạng trộm ở chung cư
Định hướng đúng - Tiến bước tự tin

Ngày 16/3, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên tỉnh phối hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp Huế tổ chức chương trình Hành trình trải nghiệm ước mơ năm 2024 dành cho học sinh lớp 9 ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh.

Định hướng đúng - Tiến bước tự tin

TIN MỚI

Return to top