ClockChủ Nhật, 23/08/2015 08:20

Cháo dinh dưỡng về làng

TTH - Nắm bắt nhu cầu thực tế ở các làng quê, người kinh doanh vùng nông thôn mở ra dịch vụ cháo dinh dưỡng, vừa có thu nhập ổn định, vừa tạo ra sự tiện lợi cho người dân.

Tiện

Đến xã Thủy Thanh, chúng tôi bắt gặp hình ảnh của hai quầy cháo dinh dưỡng thu hút khá đông khách. Chị Nguyễn Thị Giỏi, một người dân đưa con đến ăn, chia sẻ: “Chiều nào tui cũng cho con ra đây. Cháo dinh dưỡng ở đây hợp khẩu vị của bé, lại có thêm đồ chơi. Vừa ăn vừa chơi nên ăn nhanh. Ở nhà đến bữa đút 2 tiếng đồng hồ vẫn chưa xong, mà cháo mình nấu nó lại chê dở”.
Trước đây, chị Ngô Thị Thu Sương, chủ quầy cháo dinh dưỡng Đô Rê Mon (xã Thủy Thanh) là người mẹ thường xuyên cho con ăn cháo dinh dưỡng Bé Bo ở TP Huế. Khoảng cách từ nông thôn lên thành phố khá xa, di chuyển bất tiện trong khi con hợp khẩu vị với cháo dinh dưỡng. Sau nhiều lần thăm dò nhu cầu người dân địa phương, chị Sương mạnh dạn mở quầy cháo dinh dưỡng phục vụ khách trong xã và các thôn ở xã Phú Hồ. “Ban đầu mở ra dịch vụ nấu ít, khách đến ăn chỉ để thăm dò khẩu vị của con. Thời gian sau, khách ổn định dần, nhiều người trở thành khách quen hằng ngày”, chị Sương kể.
Nhờ xe đồ chơi, cháo dinh dưỡng ở quê trở thành giải pháp cho những trẻ biếng ăn
Quầy cháo dinh dưỡng Bé Tí ở khu vực chợ Hương Cần, xã Hương Toàn (Hương Trà) cũng đạt doanh số khoảng 700.000 – 1.000.000 đồng mỗi ngày (cả vốn lẫn lãi). Là người có kinh nghiệm bán cháo dinh dưỡng ở thành phố, nhận thấy nhu cầu lớn ở nông thôn, chị Phan Thị Hương đã về quê mở dịch vụ cháo dinh dưỡng, thu hút khách ở các vùng lân cận thuộc thị xã Hương Trà và huyện Quảng Điền. Anh Hà Văn Tý, chồng chị Hương cho biết, quầy cháo mở ra được hai năm, bán cháo 13 món, chia thành 2 ca, bán từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa và 3 giờ chiều đến 7 giờ tối. Dù không đắt khách như thành phố, nhưng mỗi ngày cháo nấu ra đều bán hết. Thu nhập bình quân từ dịch vụ kinh doanh này khoảng 150.000–200.000 đồng/ngày.
Dạo quanh các vùng nông thôn, đặc biệt là các địa phương dọc theo Quốc lộ 1A ở thị xã Hương Thủy, khu vực xã Phú Thượng (Phú Vang), Hương Sơ (Hương Trà)… không ít quầy cháo mới mở ra hút khách. Dịch vụ này khá thuận tiện cho những người lao động cả ngày, nhất là cán bộ và công nhân không có nhiều thời gian đi chợ, nấu ăn. Chị Nguyễn Thị Lan, công nhân may ở khu công nghiệp Phú Bài, tâm sự: “Giao con nhỏ cho con lớn để đi làm, chiều về ghé vô quán cháo ở quê mua về cho con ăn khá tiện lợi. Mình nấu rất mất công, lại không đầy đủ chất dinh dưỡng như họ bán. Tính ra đi chợ mua rau củ quả, cá thịt để nấu 1 nồi cháo rất đắt nhưng con ăn không bao nhiêu. Bỏ ra 5.000 đồng, đã có thể mua được một hộp cháo dinh dưỡng ở quê”.
Theo các cơ sở kinh doanh dịch vụ cháo dinh dưỡng, lượng khách qua đường, chủ yếu là công nhân mua cháo rất đông. Ngoài phục vụ cho đối tượng trẻ em, loại cháo này cũng rất được lòng người già, bệnh tật.
Rẻ mà chất
Theo chân một chủ quầy cháo ở vùng nông thôn ra chợ, chúng tôi chứng kiến cảnh mua nguyên liệu trước khi chế biến. Nguồn rau củ quả, cá và thịt được lựa chọn kỹ, chủ yếu là đặt trước những người cùng địa phương tự trồng hoặc nuôi nên khá đảm bảo chất lượng. Anh Tý tâm sự: “Mình bán cháo nên mối lái với những người bán nguyên liệu ở địa phương, đỡ mất xăng xe đi lại, đồng thời để khách hàng an tâm chất lượng nguyên liệu cháo. Ngoài bồ câu tự nuôi, thì rau củ quả mua của họ hái từ vườn; ếch, lươn họ đi bắt rồi đem đến bán. Đồ nhà bao giờ cũng chất lượng mà yên tâm hơn mua ngoài không rõ nguồn gốc”.
Đặt câu hỏi về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, hầu hết chủ các quầy cháo quả quyết, kinh doanh hàng ăn uống luôn phải cẩn trọng. Ngoài việc xin cấp phép kinh doanh, có giấy chứng nhận kiểm định y tế, được tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm và khám sức khỏe định kỳ, bản thân người bán phải ý thức được sức khỏe của đối tượng trẻ em, người bệnh là quan trọng, nhất là nhiều trường hợp chúng tôi gặp, người bán đồng thời cũng đang nuôi con trong độ tuổi cho ăn cháo dinh dưỡng. “Trước khi kinh doanh, tui phải về thị xã xin cấp giấy phép và chứng nhận y tế của trung tâm y tế thị xã. Kinh doanh hàng ăn được kiểm tra nghiêm ngặt lắm”, chị Sương tâm sự.
Anh Hà Văn Tý kể, tâm lý một số khách ở nông thôn khó tính, có những người hoài nghi về vấn đề liệu có lượng cháo tồn dư để hôm sau bán tiếp. Do vậy, khi mới mở ra luôn có một quá trình thăm dò khách, ước tính được lượng khách quen mỗi ngày và một số lượng nhỏ khách qua đường mua, không bao giờ để dư cháo. Ngoài ra, cũng công khai bày ra cho khách thấy hoạt động buôn bán trong ngày để họ yên tâm. “Ngày bán cháo hai ca cũng phải nấu hai lần, nấu ra là bán hết. Khách quen rồi nên tính được, không để xảy ra chuyện thừa cháo để hôm sau bán tiếp”, bà Nguyễn Thị Hoa, chủ quầy cháo Thảo Ly, phường Hương Sơ cho hay.
Giá cả của những quầy cháo vùng nông thôn khá rẻ, dao động từ 5.000 – 10.000 đồng/hộp. Hầu hết lượng khách đến mua đều chọn mức giá 5.000 đồng, nhưng được phục vụ tận tình theo yêu cầu như xay nhỏ, thậm chí đặt nhiều có thể giao tận nhà. Chính những thuận lợi này, người dân vùng nông thôn ngày hàng tìm đến với dịch vụ cháo dinh dưỡng, vừa tiện người bán, vừa lợi người mua.
Bài, ảnh: Lê Hữu Phúc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không để cháy rừng Hòn Vượn trong dịp lễ

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND thị xã Hương Trà, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Bồ tổ chức trực bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng tại đỉnh núi Hòn Vượn từ ngày 26/4 - 1/5.

Không để cháy rừng Hòn Vượn trong dịp lễ
Lan tỏa văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục

Ngày 26/4, Cục Sở hữu Trí tuệ (SHTT), Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Tập đoàn Giáo dục EQuest và Trường đại học Phú Xuân tổ chức lễ chào mừng Ngày SHTT thế giới với chủ đề “SHTT và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo”. Tham dự sự kiện có ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục SHTT. Về phía tỉnh có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Sự kiện còn thu hút gần 60 đại biểu quốc tế.

Lan tỏa văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục
Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

Hiện nay, doanh nghiệp (DN) muốn tham gia sâu vào thị trường quốc tế phải có tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon được hiểu là chứng nhận để giao dịch thương mại và đổi quyền được phát thải khí nhà kính.

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

TIN MỚI

Return to top