ClockThứ Tư, 19/12/2018 14:48

Chuối đặc sản

TTH - Vừa trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Thanh Lương vừa gỡ bỏ những tàu lá già, lộ ra những buồng chuối tiêu, chuối thanh tiên no quả. Ông Lương là một trong nhiều hộ dân tại xã Thượng Nhật (Nam Đông) trồng loại chuối đặc sản này.

Ông Lương chăm sóc vườn chuối tiêu của gia đình

Tuân thủ kỹ thuật

Nhận xét về chuối tiêu, chuối thanh tiên, ông Hồ Văn Trấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Nhật nói: “Hai loại chuối này rất lạ, màu sắc và vị ngon đặc biệt. Ngoài cung cấp chất dinh dưỡng, chúng còn mang dược tính, hỗ trợ đường tiêu hóa và ổn định huyết áp...”. Là thực phẩm có giá trị cao, chuối tiêu và chuối thanh tiên còn thu hút bởi vẻ ngoài bắt mắt. Chuối tiêu quả dày khít, thuôn dài, sẫm màu. Chuối thanh tiên màu nhạt hơn, quả nục tròn, vỏ mỏng.

“Các giống chuối này rất kén, phải là đất phù sa, màu mỡ và ổn định độ ẩm. Để năng suất cao và đảm bảo hương vị, độ ngon thì không thể thiếu phân hữu cơ”, ông Lương cho biết.

Tham gia dự án từ những ngày đầu tiên, ông Lê Thanh Lương hiện đang sở hữu 3 sào chuối đặc sản, chú trọng thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao độ phì nhiêu. “Ngoài bón phân đúng thời điểm và kỹ thuật thì tôi phải thường xuyên chăm sóc, tỉa cây con để không ảnh hưởng đến sự phát triển buồng chuối. Mỗi cây chuối cần có trụ chống để tránh buồng to gây gãy đổ…”, ông Lương chia sẻ.

Chúng tôi vào nhà anh Trần Hiệp và chị Ơ Rem. Bên trái căn nhà nhỏ là nương chuối chớm buồng. Chị nói: “Mình trồng ít thôi, toàn là chuối tiêu cả. Chuối này nếu trồng đúng thì được lắm, giá cũng cao hơn loại khác”.

Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, hai giống chuối này sẽ cho thu nhập ổn định. Ngoài giá thành trung bình từ 50 đến 100 nghìn đồng/buồng, chuối tiêu và chuối thanh tiên còn mang lại nguồn thu không nhỏ từ cây giống. Riêng thân cây, bà con thường tận dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Cần động lực

Ông Trấn cho biết: “Chuối thanh tiên và chuối tiêu đã có từ lâu đời tại địa phương nhưng trước đây không phổ biến do lối sống du canh du cư, chỉ một số ít được trồng trên rừng”. Giai đoạn 2016 – 2017, được sự hỗ trợ của các dự án, đặc biệt là Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung với sự tài trợ của Arish Aid – Đại sứ quán Ireland, diện tích hai loại chuối này tăng lên đáng kể.

Năm 2019, ông Lương dự định tăng một sào chuối ở khu vực đất màu mỡ hơn. Gia đình chị Ơ Rem thì đang làm cỏ kỹ lưỡng, cải tạo lại mảnh nương khác. Chị chia sẻ: “Lúc trước nương này trồng chuối ba lùn. Ai ngờ nó bị sâu bệnh chết cả. Mình đang làm đất thật kỹ, chuẩn bị giống để trồng thêm sào chuối tiêu…”.

“Toàn xã có gần 1ha chuối đặc sản. Diện tích đang được mở rộng nhanh vì bà con thấy được lợi ích từ loại cây này”, ông Trấn cho biết. Tuy có tín hiệu vui, song Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Nhật vẫn trăn trở: “Đầu ra chưa có, bà con sản xuất chỉ bán tự do nên thu nhập từ cây chuối tuy cao song còn bấp bênh, đầu ra khó ổn định, bền vững”. Và còn nhiều khó khăn để hai loại chuối đặc sản “về xuôi”.

Chủ tịch Hội Nông dân xã mong mỏi: “Chúng tôi mong muốn, khi người dân tiếp tục mở rộng diện tích, đảm bảo số lượng và chất lượng sản phẩm thì sẽ được các cấp hỗ trợ kịp thời. Nếu được quan tâm hỗ trợ, nhất là khâu tiêu thụ, việc trồng chuối thanh tiên và chuối tiêu sẽ mang lại thu nhập ổn định cho bà con, góp phần giảm nghèo bền vững”.

Bài, ảnh: Mai Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đặc sản thịt bò vàng A Lưới ra chợ

Giờ đây, ra chợ thị trấn A Lưới, du khách có thể mua được thịt bò vàng tươi với nhãn hiệu được in rõ tại gian hàng. Sắp tới, một gian hàng đặc sản tương tự cũng sẽ có mặt tại chợ phiên theo chủ trương của lãnh đạo huyện vùng cao này.

Đặc sản thịt bò vàng A Lưới ra chợ
Chuối trong đời sống của người Huế

Chuối là loại cây nhiệt đới có mặt ở hơn một trăm quốc gia trên thế giới. Là một trong những nơi phát xuất đầu tiên của cây chuối, các dân tộc sinh sống ở Đông Nam Á đã sớm biết sử dụng cây chuối một cách đầy sáng tạo trong muôn mặt của đời sống. Không những thế, đặc tính của cây chuối cũng trở thành “phương tiện” để chuyển tải nhiều triết lý sâu sắc về thế giới quan và nhân sinh quan.

Chuối trong đời sống của người Huế
Trước sân trồng một gốc hồng

Trồng ngắm - chơi - ăn, hồng là loại cây ở tầng cao trong khu vườn Huế. Không mang nặng giá trị kinh tế, những cây hồng cổ mang giá trị văn hóa tinh thần và gắn bó với đời sống nhiều gia đình truyền thống miền Hương Ngự.

Trước sân trồng một gốc hồng
Tìm “lộc” nơi rừng sâu

Mùa này là thời điểm thuận lợi cho dược liệu sinh sôi, ong theo hoa làm mật. Những chuyến đi tìm kiếm rau, nấm, mật ong, cá suối… của người dân vùng cao A Lưới lại bắt đầu với bao gian nan, nguy hiểm...

Tìm “lộc” nơi rừng sâu
Mùa thanh trà chín

Thanh trà Huế có những dấu hiệu đặc thù dễ nhận diện so với các sản phẩm khác cùng loại, như hình dạng quả, màu sắc, hương thơm và vị ngọt thanh, thơm mát... Thanh trà Huế thuộc họ bưởi, được trồng nhiều nơi ở đất Cố đô, nhưng nhiều nhất vẫn là ở các miệt vườn ven sông vùng Thủy Biều, Dương Hòa, Hương Vân, Phong Thu… Trong đó, nức tiếng nhất là thanh trà Thủy Biều - nơi người dân thuở xưa chưa xa đã từng chọn những trái thanh trà to tròn, chắc tay và ngọt thơm nhất để dâng tiến lên vua.

Mùa thanh trà chín

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top