ClockThứ Năm, 14/03/2019 14:34

Cô bé trong truyện cổ tích

TTH - Tôi sợ nhất là những cuộc hành trình đi - một mình, dẫu rằng đó chỉ là một cuộc hành trình ngắn trong một đêm đi từ Nha Trang đến thành phố Hồ Chí Minh hoặc ngược lại.

Cầu vồng vắng bóng người thânVết chàm

Thế mà chuyến đi vào thành phố Hồ Chí Minh hôm trước, tôi lại gặp một nhà sư ngồi bên cạnh mình. Vừa vào ghế ngồi, tàu chưa chạy ông đã nhắm mắt lại, chắp tay cầu nguyện. Giữa không gian xô bồ, ồn ào của toa xe, tôi không hiểu nhà sư có tịnh tâm được hay không? Riêng tôi thì không thể nào tịnh tâm được vì cái bụng đói của mình. Trong túi xách của tôi có ổ bánh mì và mấy cuốn chả dành cho bữa ăn tối. Nhưng tôi đành để bụng đói. Đơn giản vì tôi không muốn quấy rầy nhà sư đồng hành.

Chuyến về của tôi đúng như dự định. Tôi có một ngày chủ nhật vô duyên ở thành phố Hồ Chí Minh, hết loanh quanh những con phố lại chui vào một siêu thị để mua mấy con thú nhồi bông. Hôm ấy, đang diễn ra trận đấu bóng giữa đội Việt Nam – Lào trực tiếp trên tivi. Do đó, mặc dù còn 15 phút nữa tàu chạy, nhưng chẳng có bao nhiêu hành khách lên tàu. Họ còn đang dán mắt vào chiếc tivi 20 inches ở sân ga để xem đá banh.

Tôi không mê đá banh, vả lại để phải chen nhau giữa đám đông mà tay cứ níu chặt giỏ xách vì sợ bọn móc túi thì quả thật là điều không thú vị tí nào. Thế là, một mình tôi thong thả vào sân ga tìm chỗ ngồi trên toa tàu. Mới liếc mắt ngó sang người bạn đồng hành bên cạnh, tôi cảm thấy thất vọng não nề. Đó là một người đàn ông nhà quê, đang ngồi ăn chiều bằng một trái ổi. Ông mang một đôi dép mòn vẹt, dưới chân ông đang để một giỏ lác cũng toàn là ổi và một nắm cơm nắm bọc trong lá sen, tôi rủa thầm trong bụng về sự xui xẻo của mình vì phải tiếp tục cuộc hành trình trở về cũng với một người đàn ông.

Nhưng cô bé… trong truyện cổ tích của tôi đã xuất hiện khi chỉ còn 5 phút nữa là tàu chuyển bánh. Một cô bé tóc thả, mặc chiếc jeans bạc màu và một chiếc áo pull xanh. Tôi chú ý đến cô bé khi chỉ thấy một tên con trai “xấu trai” đang xách dùm túi xách và cầm vé để tìm chỗ. Hai người đang bịn rịn tiễn đưa nhau, nên không quan tâm đến những người không hề quen biết bên cạnh họ. Cuộc chia tay và tìm kiếm chỗ của họ khiến tôi sốt cả ruột. Tôi ước ao là nếu cô bé ngồi bên cạnh tôi trong suốt cuộc hành trình về Nha Trang thì quả thật tôi là người may mắn. Điều ước ấy đã được thực hiện ngay tức thì khi chàng trai đi theo cô bé đưa tấm vé cho người khách ngồi bên cạnh tôi, và nói: “xin lỗi chú, số ghế này của bạn gái cháu!”.

Tàu chạy, chàng thanh niên xấu trai cố níu ô cửa lưới bên chỗ ngồi, đôi mắt kính dày cộp muốn che hết khuôn mặt để nhìn cô bé bên trong. Cô bé nói: “Về đi mà, về đi, Nhân”. Tôi bỗng buộc miệng với cô bé: “Thời buổi internet mà còn có người bịn rịn là quý lắm đó”. Cô bé xoay người sang tôi, đôi mắt chợt sáng rực lên:

- Anh Trường

Tiếng gọi ấy quả thật bất ngờ đối với tôi. Có thể tôi đã từng quen cô bé mà tôi không hề biết. Nhưng trí nhớ của tôi lúc ấy quả thật tệ hại. Tôi không thể nào ngờ được rằng cô bé dễ thương ấy tên gì, tôi đã gặp ở đâu?

- Làm gì anh nhìn em dữ vậy. Anh nhớ thử tên em là tên gì?

Tôi mỉm cười, lắc đầu

- Tầm Duyên đây.

***

Tôi thường xuyên hay quên những điều mình đã hứa, mặc dù tôi đã tìm cách để sửa sai cái khuyết điểm không nên có này. Tôi đã có một lời hứa với Tầm Duyên, là sẽ đến thăm em vào một buổi chiều nào đó nơi em đang trọ học trong lòng thành phố Nha Trang. Địa chỉ Tầm Duyên ghi cho tôi trong một mảnh giấy nhỏ đã bị tôi ném đi, không còn dấu vết. Tôi không biết rằng Tầm Duyên đã đợi tôi vào những buổi chiều như thế.

Nhà em ở Phú Lộc Tây, một làng quê nằm xa lắc bên kia sông Cái. Con đường vào làng rũ đầy những tre xanh, gió cứ thổi những lá tre nhỏ lao xao vào nhau một âm điệu buồn da diết. Cả gia đình sống nhờ vào cái quán nhậu bình dân, mái lá nằm liêu xiêu dưới cụm tre già. Cuộc sống của những người con gái ở làng quê này thường khó thoát ra khỏi cái định mệnh của cuộc sống: Lấy chồng sớm và trở thành những người làm thuê.

Nhưng với Tầm Duyên thì khác. Em không muốn mình chỉ là sự lặp lại của những vết xe mòn đi qua trên con đường quê. Tầm Duyên muốn trở thành một giáo viên Anh văn.

Những chuyện đó mãi sau này tôi mới biết. Bởi trong cuộc sống, mỗi một con người gần như đều có những hệ lụy, riêng tư. Đâu ai nhờ được đến ai giữa muôn trùng. Phú, bạn tôi, phụ trách thực hiện một tuyển tập văn thơ học trò ở thành phố Hồ Chí Minh. Anh đến Nha Trang trong dịp hè. Vừa bước chân đến nhà tôi, anh đã đưa cho tôi xem địa chỉ nhà Tầm Duyên và nhả ý cho dù có bận rộn như thế nào tôi cũng phải chở Phú đến gặp Duyên. Ngày cuối cùng Phú ở Nha Trang, tôi đã chở Phú vượt qua cây cầu gỗ chông chênh, đi lui đi tới, hỏi mãi mới tìm được nhà ở của cô bé có chiếc răng khểnh dễ thương.

Trước khi trở về thành phố Hồ Chí Minh, Phú nói với tôi Tầm Duyên là một cô bé viết văn, làm thơ khá. Không những thế, Tầm Duyên là một cô gái đầy nghị lực… chắc chắn rằng em sẽ thực hiện được mong ước của mình là sẽ trở thành một cô giáo Anh văn. Tiễn Phú ra sân ga, tôi hứa với Phú là sẽ thường xuyên đến thăm Tầm Duyên và với những quan hệ của mình, tôi sẽ cố gắng giúp điều mà Tầm Duyên mơ ước. Nhưng thời gian cứ trôi lướt qua trên bầu trời thành phố. Những con đường hoa phượng, ô môi, bằng lăng cứ hẹn nở rồi tàn. Tôi mải mê lo công việc của mình, thỉnh thoảng bắt gặp những bài viết của em trên báo, rồi lại quên.

Vậy đó, định mệnh đã đưa đẩy tôi gặp Tầm Duyên trên một chuyến tàu trở về. Duyên đưa mời tôi miếng bánh em mang theo sẵn:

- Anh Trường ăn với em cho vui.

Duyên đưa cho tôi chai nước suối:

- Em đang làm nhân viên tiếp thị của công ty nước suối này.

- Hả…? – Tôi cầm chai nước suối, ngạc nhiên

Đêm ấy trời không mưa, những cơn gió cứ len vào trong toa tàu tạo nên một cảm giác lạnh. Mọi người chung toa đã duỗi chân hoặc tìm một tư thế nào đó có thể dỗ giấc ngủ trong cuộc hành trình. Tôi và Duyên lại nói chuyện.

- Em tốt nghiệp đại học rồi phải không?

Duyên cười:

- Đâu có. Em bỏ học rồi.

Duyên kể rằng, mặc dù em mơ ước trở thành một cô giáo, một mơ ước hoàn toàn không có gì gọi là to tát đối với mọi người. Nhưng để đạt được điều đó, Duyên đã phải mỗi ngày đạp xe đến 15 cây số từ Phú Lộc Tây đi Nha Trang. Buổi chiều về phụ bán quán nhậu bình dân với mẹ. Mọi chi tiêu trong gia đình điều chỉ trông chờ vào đồng lời của cái quán nhỏ ven sông đó.

Cơn lũ hung dữ năm ngoái đã làm vỡ bờ đất ngay nơi chiếc quán nhỏ của gia đình em dựng lên. Nước đầu nguồn kéo xuống nửa đêm. Đêm ấy, mưa to như trút khiến cho mọi người không dám bước ra đường. Nhưng lo lắng vì mình đã đổ bao mồ hôi nước mắt để xây dựng quán, nghe tiếng nước réo về khiến cho mẹ em không yên lòng. Bà đã đốt chiếc đèn bão, một mình trong đêm giữa cơn mưa bão ấy đi ra bờ sông. Đôi tay gầy của bà cố níu giữ lại chiếc quán là nơi mưu sinh của cả gia đình. Nhưng sức người làm sao chống chọi với thiên nhiên? Sau cái đêm mưa lũ ấy mẹ của Tầm Duyên ngã bệnh. Nhà đã nghèo còn nghèo hơn, chiếc xe đạp đi học của Tầm Duyên là do đạt được giải thưởng cuộc thi truyện ngắn mini cũng đã được bán đi để lo thuốc cho mẹ. Em trở thành trụ cột chính của gia đình. Em dở dang mơ ước của mình.

***

Chuyến tàu hôm ấy đã ném trả những người khách của mình xuống sân ga Nha Trang. Tầm Duyên chìa bàn tay nhỏ bắt tay tôi – hẹn gặp.

Có thể tôi sẽ trở lại nơi đó, để gặp em. Tôi hứa với lòng mình như thế. Tôi nói đùa với em để mua ủng hộ dùm em một thùng nước suối do em đi tiếp thị.

Trước khi xuống tàu, Tầm Duyên dùng hai sợi dây thun, cột lại mái tóc. Nụ cười của em hồn nhiên như không có điều gì xảy ra:

- Làm tiếp thị cũng vui. Mấy ngày nay em bán hàng ở dinh Thống Nhất. Nhờ có vốn tiếng Anh nên mình bán được hàng cho khách nước ngoài.

Tôi bỗng nhớ là trong túi xách của mình, tôi có mua đến 2 con thú nhồi bông. Tôi nhón chân, lấy một con, đó là con vịt với đôi cánh màu vàng. Tôi nói:

- Em giống như con vịt nhỏ này.

Và em về, trong sân trường vắng đi một cô sinh viên. Giữa dòng đời thêm một cô bé bán hàng, len lỏi từng khu phố.

- Em sẽ ghi danh học đêm, nếu mẹ hết bệnh. Em sẽ mở quán lại cho mẹ.

Mơ ước ấy đâu lớn lao gì? Phải không Tầm Duyên?

PHAN TẦN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyện của cô bé nghèo học giỏi

Tôi băn khoăn mãi với câu chuyện của cô bé hàng xóm từ chối suất đi du lịch giành cho những học sinh xuất sắc nhất của trường, vì biết rõ bố nghèo không thể đóng 800 ngàn đồng, số tiền “đối ứng” của phụ huynh sau khi đã được hỗ trợ.

Chuyện của cô bé nghèo học giỏi

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top