Như bao phụ nữ vùng biển, cứ hừng đông bà lại có mặt bên mép sóng để đón chồng và bạn thuyền cập bờ; liền đó, tất bật phân loại, cân đong, khiêng chở cá tôm đến những miền xa. Không chấp nhận cảnh quá rảnh vào mùa biển động, với đêm đêm nghe tiếng sóng ầm ào rồi thở dài, bà dần chuyển sang làm nước mắm. Khi những chiếc lu sành đựng chượp để dày trong vườn nhà không còn tương xứng với khát vọng làm giàu cứ lớn dần, bà chuyển qua dùng những thùng lều bằng gỗ cao quá đầu người để muối cá, đồng nghĩa việc làm ăn trên đà phát đạt. Nước mắm của bà lúc đầu đến với thực khách nhờ mách miệng truyền nhau, sau này thông qua thương hiệu và quảng bá; cứ thế lan xa. Nếu không nhìn ngày ghi trong giấy phép kinh doanh, đến bà cũng chẳng nhớ mình trở thành giám đốc cơ sở sản xuất nước mắm được nhiều người tin dùng từ bao giờ.
Nhiều lần bà năn nỉ chồng thôi đi biển để cùng mình quán xuyến cơ sở chế biến nhưng ông chỉ cười cười rồi lại tiếp tục lên tàu với bạn. Có lẽ tình yêu sóng nước trong ông mênh mông như biển cả; những khi ốm mệt, ông vẫn lần ra bãi biển, ngồi lặng dưới rặng phi lao, mải miết ngắm biển trời. Mỗi lần thấy chồng đưa ngư cụ và đồ ăn thức uống xuống tàu ra khơi, bà lại phấp phỏng lo; chợt nhớ câu ca “lấy chồng đi biển, hồn treo cột buồm”, nỗi lo mơ hồ bỗng nhiên rất thật. Một ngày kia, nỗi lo biến thành nỗi đau khiến bà chết lặng khi nhận tin tàu ông mất tích trên biển, khi cơn bão đột ngột đổi hướng.
Chồng mất, bà chẳng còn hứng thú làm ăn; cơ sở chế biến mắm dần sa sút; sau cùng, bà chuyển nhượng cho người thân. Điều này khiến bà buồn nhưng lại thêm lý do để con gái trên thành phố thuyết phục mẹ lên ở cùng. Nghĩ tới cảnh không có chỗ thắp hương cho người thân ở nhà chồng của con, bà không đành lòng xa ngôi nhà thân thuộc của mình. Và nữa, sóng nước biển khơi, hương vị cá mắm và cả ngọn gió mát rượi từ biển cứ như níu lấy chân bà ở lại làng chài. Bà chần chừ rồi hoang mang khi nghe con cảnh báo: “Huyết áp của mẹ thất thường nên ở một mình, không được đâu!” Khất lần mãi cho đến sau lần giỗ thứ năm của chồng, bà mới lên phố với con; khi tuổi gần năm mươi.
Chỉ qua vài ngày, bà đã kịp kết nối, hòa đồng với xung quanh. Nhìn cây mận trong sân bà cụ ở kế bên sum xuê, bà lo xa: “Nếu bão vào, cây đổ chắc đè sập nhà”. Biết chủ nhà muốn chặt bớt cành nhưng không làm được, bà liền về lấy rựa sang chặt giúp. Mỗi sáng xách thùng rác đi đổ, bà lại lấy vỏ chai nước ngọt hay vỏ lon bia để riêng ra, chờ chị nhặt ve chai tới và kêu cho. Sau vài lần chuyện trò, hai người thành quen nên mỗi lần đạp xe qua ngõ, chị nhặt ve chai lại nhìn vô, có ý tìm bà hay chờ để được cho món phế liệu nào đó. Có những điều thoáng gặp cũng khiến bà bận tâm; đại loại như, nhà cuối phố có đám tang sao quán cà phê bên cạnh mở nhạc to quá; ông ở ngã ba xây nhà, đổ cát lấn hết đường khiến xe qua lại rất dễ tai nạn… Nghe mẹ kể, con khuyên đừng lo bao đồng như thế, mẹ thì bảo không thể mặc kệ với xung quanh.
Sáng nào bà cũng đi bộ hơn tiếng đồng hồ, ra tận cầu Vồng dẫn vào thành phố. Chỗ ấy người ta làm cầu vượt cho tàu lửa đi bên dưới, tên cầu được gọi theo hình dáng của nó. Kẻ lãng mạn chắc thích thú khi nghe tên cầu gợi nhớ bảy sắc cầu vồng sau mưa; người yêu nhạc có khi khe khẽ ca lên giai điệu mượt mà của tình khúc cùng tên. Nhưng người đạp xe, kéo xe thì ngược lại; cây cầu dựng ngược như cái dốc đem lại sự ái ngại, khiến đôi chân rã rời mỗi khi vượt qua.
Vòng đi bộ mỗi sáng khiến bà đẫm mồ hôi, kể cả những hôm heo may se lạnh. Con gái vui khi thấy mẹ tươi trẻ hẳn ra, chẳng còn đòi về như những ngày đầu lên với con cháu. Khác lúc trước, gần đây bà bảo con không phải mua trầu cau; đáp lại thắc mắc của con, người mẹ đưa mớ trầu tươi rói cùng chùm cau căng tròn, khoe: “Họ cho, ngó cây nhà lá vườn ngon không?”. Con muốn biết cụ thể hơn về chủ nhân món quà kia nhưng mẹ chỉ cười cười, lảng tránh.
Bà ăn trầu từ hồi trẻ. Với bà, miếng trầu giống như rượu của các ông bởi vui buồn đều cần đến, mưa lạnh càng hay ăn; lại giống “hàn thử biểu” của sức khỏe bởi khi không muốn ăn trầu là bắt đầu uống thuốc. Con nhiều lần khuyên mẹ nên bỏ trầu bởi cặn vôi trong miếng trầu có hại cho thận nhưng chẳng được. Giờ đây, cứ vài ngày bà lại hớn hở cầm về mớ trầu cau xanh mướt, sau vòng đi bộ mỗi sáng.
Gần tết, nghe mẹ nói nhớ quê, con đưa mẹ về quét dọn bàn thờ, nhà cửa rồi sắm sửa, chưng bày. Hai mẹ con dọn dẹp lau chùi cả buổi, xua đi sự lạnh lẽo của căn nhà lâu ngày vắng chủ. Mẹ muốn ở quê để hương khói cho ông bà ba ngày tết nhưng con phải về lại nhà trên phố.
Chiều cuối năm, chị lật đật ra chợ hoa, đảo một vòng rồi quyết ngay một chậu mai và hai chậu cúc. Xe chở thuê không thiếu bởi xích lô, xe thồ và cả ô tô bán tải dồn về chợ hoa đến nghẽn lối nhưng chị ngần ngại khi giá cả bị hét trên trời. Suy tính một chút rồi chị vẫy gọi ông kéo xe bò có dáng dấp đáng thương. Thời nay, xe bò thường được kéo bởi xe máy nhưng ông này vẫn theo kiểu cổ là kéo bộ. Ông bị dị tật, mồm méo, mắt xếch, giọng thì đả đớt như trẻ con mới tập nói. Nghe hỏi giá, ông đáp gọn và chị “ô kê” luôn, chẳng cò kè.
Khi tới nơi, ông bê giúp mấy chậu hoa vào nhà rồi đứng ngay phòng khách, nhìn sững lên tường. Mắt ông như dán vào khung ảnh gia đình, trong đó nhiều nhất là ảnh mẹ của chị, với những kiểu dáng, to nhỏ khác nhau. Ông bước lại gần rồi lùi ra xa nhìn những tấm ảnh không thôi, mắt chớp chớp liên hồi cùng vẻ bối rối chợt đến. Bất thần ông bước vội ra sân, ngoái nhìn chủ nhà, giọng gấp gáp “tôi không lấy tiền đâu” rồi kéo xe băng băng như chạy. Chị bất ngờ, giật giọng: “Sao lại thế?!” Người kia quay lại, xua tay rối rít: “Không lấy tiền đâu!” Chị há hốc nhìn theo cho đến khi ông ấy hòa vào dòng người trên phố.
Chị đem chuyện người kéo xe tốt bụng đến khó hiểu kể cho chị bạn cùng cơ quan. Chị này nghe chăm chú, lại yêu cầu tả tỉ mỉ người kia rồi bất ngờ vỗ tay, cao giọng: “Thôi, tôi biết rồi!” Chị giật mình sửng sốt, hỏi dồn: “Sao? Biết sao?” Người bạn cười cười rồi chuyển sang giọng từ từ như gỡ rối.
Chị này ở bên kia cầu Vồng, sáng sớm thường qua chợ đầu mối bên này cầu mua đồ nên hay gặp người đàn ông kéo xe kia. Ông thường chở tre từ quê ra phố bán cho người ta làm móng những công trình xây trên đầm lầy; bởi xe “siêu trường” nên phải đi từ tờ mờ sáng. Qua cầu Vồng, ông oằn người với chiếc xe cứ như muốn kéo lùi lại, toàn thân đẫm mồi hôi. Những lúc ấy, nếu có ai đẩy hộ, ông ngoái lại cảm ơn rối rít, thể hiện lòng thành bằng cách gật đầu lia lịa. Gần đây, có người đàn bà luống tuổi, cứ canh đúng giờ ông qua cầu là đến đẩy giúp chiếc xe chở đầy tre. Qua khỏi cầu, ông dừng lại và cả hai chuyện trò hồi lâu; hình như những khoảnh khắc họ bên nhau cứ dài ra. Bạn của chị còn thấy thỉnh thoảng ông cho bà ít trầu cau.
Chị ngồi lặng, không cần hỏi lại bạn cũng có thể kết nối, đoán biết những điều đã rõ và chưa rõ về mẹ với người đàn ông kia. Chị nhớ những lần đi bộ từ cầu Vồng về, mẹ tươi vui rạng rỡ hẳn lên. Từ đó, mẹ hay soi gương, lắm khi còn khe khẽ hát; đồ trang sức tưởng đã bỏ quên, nay bà soạn ra, đeo vào rồi ngắm nghía trước gương… Chắc mẹ có tình ý với người kia? Phỏng đoán ấy khiến người con tò mò, không yên.
Gặp lại mẹ sau tết, chị khéo léo gợi chuyện, bắt đầu từ việc ông kéo xe chở cho mấy chậu hoa bữa trước. Mẹ ngạc nhiên, thoáng chút e thẹn rồi trải lòng với con. Khi biết ông ấy đã năm mươi tuổi nhưng chưa vợ con, đang sống cùng mẹ già ở quê, ý nghĩ u ám của chị về người đó cứ lớn dần. Suy đoán tiêu cực về mối quan hệ giữa hai người khiến chị khó chịu. Và rồi, cuộc đối thoại của mẹ con căng thẳng leo thang.
- Mẹ và ông ấy đã… sâu sắc chưa?
- Nếu đã thì sao?
- Hết người hay sao lại kết thân với kẻ dị tật toàn thân như thế, hả mẹ!?
- Mẹ coi chừng bị người ta lợi dụng “đào mỏ” đấy!
- Mẹ có gì mà lợi dụng?
- Chỉ đồ trang sức trên người mẹ cũng dễ khơi gợi lòng tham của kẻ khác.
Bà nhăn mặt khoát tay, ra hiệu không muốn nghe nữa rồi trố mắt nhìn con như nhìn một người lạ rồi quay ngoắt đi, chẳng thèm nhìn nữa. Thay vì vun cho niềm vui có người bầu bạn tuổi xế chiều của mẹ, con đang lo của cải bị sẻ chia!? Trước đó, khi mẹ vào viện, con cứ bám theo hỏi sổ tiết kiệm, chỗ cất tiền vàng và những người mắc nợ. Bà rất ngại với những bệnh nhân xung quanh nhưng tự xoa dịu rằng con lo xa cho mẹ. Nhưng lần này… Giọng cật vấn sỗ sàng của con khiến bà tức giận, ngồi bất động trong mênh mông đắng cay, tủi phận.
Bà về lại ngôi nhà nhỏ của mình ở làng chài như là cách chạy trốn tình cảm của chính mình; ở quê chưa được bao lâu thì đổ bệnh. Mất ngủ triền miên khiến huyết áp càng thất thường; sau lần bị tai biến, bà chẳng thể đi lại được bình thường. Con còn công việc, bà đành thuê người chăm sóc, thuê luôn bác sĩ đến nhà châm cứu, bấm huyệt. Giờ thì bà nằm dài cả ngày, đến trầu cũng chẳng thèm ăn.
Bà đâu hay, cứ vài ngày lại có túi trầu cau treo trước cổng nhà con gái. Nhìn mớ trầu cau khô héo, người con ứa nước mắt, với nỗi đau hằn trên mặt. Chị tìm đến cầu Vồng, những mong gặp lại người kéo xe nhưng chẳng thấy bóng dáng thân quen trong dòng người xuôi ngược.
NGUYỄN TRỌNG HOẠT