ClockChủ Nhật, 20/10/2019 12:47

Cỏ may giữa phố

TTH - Trước đây đất rộng thênh thang, quê tôi cỏ may nhiều lắm. Nó cũng hay sống chung với loài hoa mắc cỡ.

Tình cờ, bắt gặp một vạt cỏ may giữa phố. Tôi biết rằng, vạt cỏ này đã làm một cuộc di cư.

Ơ hay! Thành phố mà nhiều cỏ, mà là cỏ may. Ngã sáu Hùng Vương, công viên ven sông Hương, vài ngõ vào các nhà hàng trên đường Lê Lợi… bắt gặp những hàng tre, hàng trúc. Cỏ không quy củ là cỏ vườn hoang. Cỏ mà ngăn nắp chính là một bức tranh trang trí làm cho cuộc sống yên bình. Thành phố này thật bình yên. Trong sự hiểu biết của tôi, cỏ may là một loài hay sống trên các gò nổi khô hạn, trên bờ ruộng cao, ven đường. Phú Yên có gò Thì Thùng, chuyên đua ngựa. Lâu lâu mới đua một đôi lần nên cỏ may trải thảm. Nó cũng gợn sóng khi những làn gió trôi qua.

Trước đây đất rộng thênh thang, quê tôi cỏ may nhiều lắm. Nó cũng hay sống chung với loài hoa mắc cỡ. Bông cỏ có hình dáng như ngọn cỏ lau nhưng kích cỡ nhỏ hơn. Gọi là bông nhưng thực ra là hạt. Mỗi bông có hàng trăm hạt.

Có một loài chim rất nhỏ, quê tôi gọi chim chì, tiếng kêu gọi bầy cũng nhỏ, như ru, rất thích ăn hạt cỏ này. Vì quá nhỏ cho nên nó đậu được trên một khóm cỏ may. Chúng sống quần cư. Bây giờ, trong làm kinh tế người ta hay nói về chuỗi giá trị. Thức ăn trong thiên nhiên để nuôi sống các loài động vật cũng hình thành một chuỗi – chuỗi thức ăn tự nhiên. Sự mất mát của con này là sự sống của con kia. Cũng chẳng qua, là để bảo tồn nòi giống và để làm phong phú hơn về đa dạng sinh học cho trái đất này.

Giờ thì cỏ may vẫn còn đó, nhưng chim chì thì không thấy nữa. Quê tôi chim chì cũng chẳng còn. Thiên nhiên hoang dại hay con người ta đã một phần hoang dại? Con người cố ý hay vô tình phá vỡ những mắt xích của chuỗi thức ăn thiên nhiên. Chim chì không còn, biết đâu cỏ may buồn mà về phố chiều nay!

Cỏ may làm tôi chú ý, đánh thức cảm xúc của tôi cũng chẳng qua, tôi và cỏ đã thân thuộc“từ xửa từ xưa”. Thuở còn chạy long nhong, ngày nào cũng đi chăn bò trên các gò cao. Hái cỏ may bện đầu hoa cỏ để chơi trò đá gà. Rải rác trên gò là những cây cao như chiếc dù che nắng. Và ngày nào mỗi chiều về cũng ngồi nhổ cỏ may vướng trên ống quần. Có phải vì đặc tính này mà người ta gọi tên của loài cỏ này là cỏ may chăng? Thế tên khoa học của nó là gì nhỉ. Nó có ý nghĩa gì trong đời sống chúng ta?

Ít nhất là nó nuôi sống chim chì. Nghĩa là cỏ may đã góp một phần vào sự đa dạng. Và hơn thế nữa, có một lúc nào đó cỏ may gợn nên cái đẹp. Lục tìm thì thấy hóa ra, cỏ may cũng có một huyền tích đã xưa. Chuyện rằng “có một chàng trai vì thương vợ nên quyết tâm ra đi làm ăn xa, rồi chẳng bao giờ trở về. Người vợ đau khổ đi tìm chồng. Nàng cứ đi mãi, đi mãi. Cảm kích trước tình yêu son sắt của người vợ trẻ, sau khi nàng chết, Ngọc Hoàng đã hóa phép biến nàng thành một loài hoa cỏ, gọi là hoa tình yêu, mà người đời gọi loài ấy là hoa cỏ may”.

Chiều nay vạt cỏ may giữa phố, không gợn gợn, ngờm ngợp… như cỏ may mọc bạt ngàn trên gò cao khi một làn gió thổi qua. Có lẽ đơn thuần là một loài hoa di cư mà người ta vô tình lấy đất chở từ đâu đến. Vạt cỏ may đứng đấy nhưng trở nên cô độc. Cỏ may đi hay là bước của người vợ trẻ tìm chồng? Tôi chợt nghĩ rằng, chim chì phải chăng là bóng dáng chàng trai. Chẳng phải có bao nhiêu loài chim hóa thân cho những câu chuyện tình mà người đời đã bay bổng nghĩ ra!?

Sự cô độc đôi khi cũng làm nên sự bình yên. Nó đứng lẫn trong những thảm cỏ xanh. Thành phố dạo này nhiều cỏ, nhưng không phải là “cỏ vườn hoang” mà đã trở thành nơi tíu tít của bình yên và những niềm vui thơ trẻ...

LÊ PHƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ga Huế - hồn xưa giữa phố

Không chỉ đảm nhận công năng phục vụ cho ngành giao thông, Ga Huế - một công trình được xây dựng dưới thời Pháp được xem là một trong những dấu ấn kiến trúc di sản giữa lòng đô thị Huế. Trải qua biết bao thăng trầm, nhà ga này giờ đây tiếp tục chứng kiến sự phát triển của một vùng đất.

Ga Huế - hồn xưa giữa phố
Món quê da diết

Hôm qua thấy thèm thèm, mà cũng thử nấu là lạ xem nó thế nào, tôi nói với em gái trưa nay nấu canh dưa môn.

Món quê da diết
Để làm tốt hơn quản lý xã hội

Chính quyền của chúng ta hiện nay có 4 cấp. Cấp gần dân nhất là cấp phường xã, gọi là cấp cơ sở. Ngoài chỉ đạo điều hành các hoạt động và quản lý ở địa phương, cấp này còn là “cánh tay nối dài” cho cấp trên. Dưới cấp phường xã, không phải là một cấp chính quyền nhưng cũng có thể gọi là một cánh tay nối dài cho phường xã là thôn, tổ dân phố, cụm dân cư. Như vậy, chúng ta thấy, về mặt quản lý Nhà nước là hết sức chặt chẽ (ít nhất là về mặt hệ thống).

Để làm tốt hơn quản lý xã hội
Chia sẻ với Chính phủ, với người dân khó khăn

Báo cáo trước Quốc hội vào sáng 20/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Quốc hội chưa tăng mức lương cơ sở người hưởng lương từ ngân sách nhà nước và lương hưu. Lý do Chính phủ đề nghị điều này, theo Thủ tướng là “để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách”.

Chia sẻ với Chính phủ, với người dân khó khăn
Tăng trưởng xanh

Khái niệm phát triển bền vững mà chúng ta thường hay nghe nhắc đến trong thời gian gần đây, ở một khía cạnh nào đó cũng muốn nói đến – tăng trưởng phải nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tăng trưởng xanh
Return to top