Trong lịch sử nghiên cứu kinh tế học, có nhà kinh tế từng đưa ra một khái niệm: “New”- phúc lợi kinh tế ròng. Trong khái niệm này, họ tính cả tác hại của nền kinh tế, như ô nhiễm môi trường và nhiều yếu tố khác, môi trường sống ngột ngạt ở đô thị..., tức là tính cả những tác động tiêu cực cũng làm tăng trưởng GDP.
Cách tính này với mục đích xác định tăng trưởng kinh tế phải đi cùng với nâng cao chất lượng cuộc sống. Ví dụ như tiền chính phủ bỏ ra để xử lý ô nhiễm môi trường, tức là chi tiêu của chính phủ cũng được tính vào yếu tố làm tăng trưởng GDP nhưng chưa hẳn nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, có những thời kỳ có tốc độ tăng trưởng GDP rất cao, nhưng đổi lại, chất lượng sống của một bộ phận lớn người dân không được nâng cao mà thậm chí còn xấu đi, họ phải sống trong một môi trường không khí, nguồn nước bị ô nhiễm; điều kiện ở chật hẹp, tồi tàn; y tế, giáo dục không được chăm sóc chu đáo; thường xuyên kẹt xe, tắc đường, ngập lụt do thủy triều dâng…
Chẳng nói đâu xa, đây là một thực tế ở nhiều thành phố lớn của nước ta đã và đang vấp phải. Như thế, tăng trưởng chưa hẳn đi cùng với nâng cao chất lượng sống, bởi cuộc sống cần nhiều yếu tố chứ không phải chỉ một yếu tố là làm sao kiếm ra thật nhiều tiền. Có lẽ, nhiều quốc gia, nhiều tỉnh, thành phố của nước ta điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng và luôn tìm giải pháp phát triển bền vững cũng là vì vậy.
Đối với TP. Huế, nhìn vào các mục tiêu định hướng tăng trưởng, Huế đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng bền vững. Tăng trưởng nhưng đồng thời với nâng cao nhiều yếu tố để đảm bảo nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; tăng trưởng nhưng không làm ảnh hưởng đến môi trường; tăng trưởng kinh tế hài hòa với gìn giữ, bảo tồn và phát triển văn hóa…
Xét đến cùng, mục tiêu của địa phương nào cũng vậy thôi, nhưng có vẻ như Huế là một trong ít địa phương có phần nổi trội. Bởi những yếu tố này, không phải cứ muốn là được. Nó phải được xây dựng trên một nền tảng. Mà Huế thì có nhiều nền tảng để phát triển theo hướng này.
Trước hết thử xét về mặt văn hóa: Huế có một bề dày lịch sử văn hóa – có những di sản vật thể và phi vật thể; có một đời sống văn hóa dân gian phong phú; một cảnh quan thiên nhiên trời phú – núi đồi, đồng bằng, biển, đầm phá. Điều kiện tự nhiên này đã tạo ra nhiều cảnh đẹp thiên nhiên. Miền núi, có những phong tục tập quán và những lễ hội đặc trưng của bà con đồng bào; đồng bằng, ven biển có những lễ hội gắn với đời sống sản xuất hình thành từ rất lâu đời và còn bảo tồn, gìn giữ cho đến bây giờ…
Tất cả những điều này đã tạo ra một đời sống tinh thần phong phú. Nó tác động lên sự hình thành tính cách của một vùng đất-nhẹ nhàng, sâu sắc, và có gì đó… lãng mạn-văn chương, chữ nghĩa, thơ ca, nhạc họa. Và nó cũng tác động lên cả sự phát triển kinh tế - kinh tế du lịch, dịch vụ.
Huế là một thành phố có nhiều yếu tố để phát triển mạnh về du lịch là điều ai cũng thừa nhận. Chính yếu tố văn hóa, cảnh quan thiên nhiên đã đặt nền tảng vững chắc cho điều này. Nhiệm vụ của chính quyền và người dân bây giờ là gìn giữ, bảo tồn, tôn tạo.
Người dân Huế đầu tư làm du lịch, dịch vụ và Huế cũng đã thu hút nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đến Huế làm du lịch. Và một xu hướng đang hình thành: đã làm du lịch ở Huế là phải có quy mô tương xứng và đẳng cấp.
Nhìn vào nhiều dự án du lịch quy mô cả hàng ngàn tỷ đồng tạo nên những tổ hợp du lịch đã cho chúng ta thấy điều đó. Huế không đẹp, không phù hợp, không an toàn, thân thiện… người ta đã không trút tiền vào đây! Chính kinh tế du lịch, dịch vụ đã tác động rất lớn vào tăng trưởng bền vững.
Có một khái niệm khác nữa mà nhiều chuyên gia kinh tế đang đề cập là “tăng trưởng xanh”. Tăng trưởng nhưng không phá hủy cảnh quan môi trường. Tăng trưởng phải hài hòa: kinh tế-văn hóa-môi trường. Nói tóm lại, tăng trưởng phải đi cùng với nâng cao chất lượng sống.
Ở Huế phải nói là có một môi trường sống tuyệt vời. Ở đây được nhìn nhận trên hai khía cạnh là cảnh quan thiên nhiên và môi trường xã hội. Huế có cây xanh nhiều, tỷ lệ mặt nước nhiều, mật độ dân số không cao.
Tỉnh không xác định công nghiệp là lĩnh vực ưu tiên phát triển số một; không kẹt xe, ít khói bụi; xác định phát triển đô thị sinh thái… là điều kiện thuận lợi để Huế có không khí trong lành.
Gần đây, chính quyền tỉnh đã chủ trương một chương trình sát sườn, phù hợp với một thành phố du lịch là xây dựng thành phố XANH – SẠCH – SÁNG – VĂN MINH. Và đã gặt hái được nhiều kết quả. Còn môi trường xã hội – Huế là một điểm đến du lịch an toàn. Tất nhiên môi trường xã hội, an ninh trật tự phải tốt mới tạo ra điểm đến an toàn được.
Quanh Huế là hệ thống nhà và vườn nổi tiếng – Thủy Biểu, Kim Long, Hương Hồ, Thủy Xuân, Thủy Bằng, Hương Vân... Xa hơn nữa là những cánh rừng trồng, rừng tự nhiên rộng lớn. Ở phía đông là đồng ruồng, sông hồ, đầm phá, biển, rừng nước ngập mặn… đã tạo vành đai xanh cho Huế.
Trước đây, có nhiều tổ chức tài trợ cho Việt Nam, trong đó có Thừa Thiên Huế trồng rừng, đôi lúc chúng ta cũng ngạc nhiên, vì sao họ làm vậy? Người bảo họ tốt, người thì nghi ngờ họ có “ý đồ” gì chẳng? Họ chẳng có ý đồ gì. Họ tài trợ cho người dân trồng rừng là để tạo ra sinh kế, bảo vệ môi trường. Một đất nước khác trồng rừng nhưng chính nước họ cũng được hưởng lợi, bởi môi trường là thứ khó phân biệt ranh giới.
Tuy không có nhiều đột phá, tốc độ phát triển kinh tế của Huế (xin dùng từ này để chỉ chung cho cả tỉnh Thừa Thiên Huế) không cao, vào mức trung bình của cả nước, cũng được cho là phát triển bền vững. Không phát triển nóng quá và cũng không phát triển lạnh quá. Phát triển nhưng loại trừ các dự án có khả năng ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan.
Gần đây, tỉnh đang hoàn thiện đề án mở rộng thành phố Huế, với tầm nhìn dài hạn. Theo thông tin, Huế trong tương lai sẽ rộng gấp 5 lần so với hiện tại. Quy mô như vậy cũng thêm một yếu tố cho Huế phát triển bền vững. Có một Huế là đô thị “lõi” và các đô thị vệ tinh. Đô thị hóa nhưng không tạo nhiều áp lực cho một đô thị phát triển-về mật độ dân cư, về giao thông, cây xanh, công ăn việc làm… Giống như một người làm vườn nhàn nhã. Làm vườn nhưng lại có điều kiện sinh ra sinh kế và kinh tế thì lại càng nhàn nhã hơn.
Trở lại vấn đề kinh tế học, phát triển kinh tế mà không nâng cao được chất lượng sống của người dân, thì tự hỏi, phát triển để làm gì. Cuộc sống cần ăn no, tiền đầy túi. Nhưng cuộc sống có lúc cần hơn là một đời sống tinh thần phong phú, một không gian đẹp, một môi trường có không khí dễ thở…
Ngồi lại một mình, nhấp một ngụm trà, nhìn dòng Hương, cây xanh đôi bờ, lên Thủy Biều xem lễ hội thanh trà, về cầu ngói Thanh Toàn nhìn đồng ruộng và xem chợ đêm… Cuộc sống có vui hay buồn, có ý nghĩa gì không, thời gian trôi nhanh hay chậm là tại lòng người!
Lê Phương