Thế giới

Nắng nóng cực đoan bao trùm Đông Nam Á

ClockThứ Sáu, 26/04/2024 05:40
TTH - Nắng nóng cực đoan xảy ra trên nhiều khu vực ở Nam và Đông Nam Á, khiến các trường học trên khắp Philippines phải tạm dừng các lớp học, trong khi cảnh báo nắng nóng được đưa ra ở thủ đô của Thái Lan.

Thời tiết ngày 25/4: Nắng nóng đến mức đặc biệt gay gắt nhiều nơi trên cả nướcSau COVID, đến lượt nắng nóng buộc các trường học ở Indonesia chuyển sang học trực tuyến“Stress nhiệt” gây hại cho sức khỏe ngày càng gia tăng ở châu Âu

 Người dân tránh nắng nóng dưới bóng râm trên một con đường ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Nhiệt độ cao được ghi nhận sau khi Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, châu Á là khu vực hứng chịu nhiều thiên tai nhất do các hiểm họa về khí hậu và thời tiết vào năm 2023, trong đó lũ lụt và bão là nguyên nhân chính gây thương vong và thiệt hại kinh tế. Nghiên cứu khoa học sâu rộng phát hiện rằng, biến đổi khí hậu đang khiến các đợt sóng nhiệt kéo dài hơn, xảy ra thường xuyên hơn và dữ dội hơn.

Bà Erlin Tumaron, người làm việc tại một khu nghỉ dưỡng ven biển ở tỉnh Cavite, Philippines, nơi chỉ số nhiệt lên tới 47 độ C trong ngày 23/4 cho hay: “Trời nóng đến mức không thể thở được”.

Được biết, tháng 3, tháng 4 và tháng 5 thường là những tháng nóng nhất và khô nhất trên quần đảo này; nhưng điều kiện thời tiết năm nay trở nên trầm trọng hơn do hình thái thời tiết El Nino. Theo Bộ Giáo dục Philippines, gần 6.700 trường học đã tạm dừng các lớp học trực tiếp trong ngày 24/4. 

Nhiệt độ toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái, và Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) lưu ý, châu Á đang nóng lên với tốc độ đặc biệt nhanh chóng, với tác động của các đợt sóng nhiệt trong khu vực trở nên nghiêm trọng hơn.

Báo cáo tình trạng khí hậu ở châu Á năm 2023 của WMO cho thấy, châu Á đang nóng lên nhanh hơn so với mức trung bình toàn cầu, với nhiệt độ năm ngoái cao hơn gần 2 độ C so với mức trung bình trong giai đoạn 1961 - 1990.

 Giám đốc WMO Celeste Saulo nhận định: “Nhiều quốc gia trong khu vực đã trải qua năm nóng nhất từng được ghi nhận vào năm 2023, cùng với hàng loạt các điều kiện khắc nghiệt, từ hạn hán, sóng nhiệt cho đến lũ lụt và bão”.

Tại Bangladesh, hàng ngàn người đã tập trung tại thủ đô Dhaka để cầu mưa, khi một đợt sóng nhiệt khắc nghiệt buộc chính quyền phải đóng cửa các trường học trên khắp đất nước. Cục Thời tiết Bangladesh cho hay, nhiệt độ trung bình tối đa ở thủ đô trong tuần qua đã cao hơn từ 4 - 5 độ C so với mức trung bình trong 30 năm.

Trong khi đó, Cục Khí tượng Ấn Độ dự báo, các đợt sóng nhiệt nghiêm trọng có thể xảy ra ở các tiểu bang Odisha, Tây Bengal, Sikkim và Karnataka trong 5 ngày tới.

Chính quyền Thái Lan đã đưa ra cảnh báo nắng nóng cực đoan ở Bangkok, và kêu gọi người dân ở trong nhà vì sự an toàn của chính họ. Nhiệt độ được dự báo sẽ lên tới 39 độ C ở thủ đô nước này.

 Trong tuần này, Thái Lan đã phải hứng chịu một đợt sóng nhiệt, khiến nhiệt độ ở tỉnh Lampang gần chạm mức kỷ lục quốc gia là 44,6 độ C vào ngày 22/4 vừa qua.

LÊ THẢO (Lược dịch từ AFP)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TƯƠNG LAI NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO ĐÔNG NAM Á:
Động lực tài chính đang gia tăng

Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao và sự tập trung vào năng lượng tái tạo ngày càng lớn để đạt được các mục tiêu phát thải ròng bằng 0, Đông Nam Á - vùng đất sở hữu nhiều ánh nắng mặt trời và những tiến bộ trong công nghệ năng lượng mặt trời - sẽ mang đến cơ hội đáng kể cho hoạt động tài trợ năng lượng tái tạo.

Động lực tài chính đang gia tăng
Return to top