ClockThứ Sáu, 11/03/2016 14:56

Đổi mới để thích nghi và phát huy giá trị di sản

TTH - Thừa Thiên Huế đang có những bước tiến mới trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế, tạo được nguồn thu đáng kể từ các khu di sản và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội địa phương.

Biểu diễn âm nhạc cung đình phục vụ du khách ở Trường Lang (Đại Nội)

 

Doanh thu ngày càng tăng

So với năm 2010, cả doanh thu từ vé tham quan lẫn nguồn lực đầu tư vào công tác bảo tồn cho di tích Huế năm 2015 đều tăng 250%. Năm 2015, doanh thu từ các hoạt động dịch vụ tại di tích đạt 13,411 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2014. Trung tâm BTDTCĐ Huế từng bước chấn chỉnh, nâng cao chất lượng các hoạt động kinh doanh dịch vụ và tiếp tục khai thác một số hoạt động dịch vụ mới mang tính xã hội hóa tại các điểm di tích. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp để nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm dịch vụ liên quan đến cung đình triều Nguyễn…

Đặt mục tiêu tăng nhanh tỷ trọng nguồn thu dịch vụ, đạt mức tăng trưởng hàng năm khoảng 25-30%, Trung tâm BTDTCĐ Huế định hướng tiếp tục phát triển dịch vụ tại các khu vực có tiềm năng, như: phủ Nội vụ, hồ Tịnh Tâm, cung An Định, mặt nam tuyến Thượng Thành; trong đó, lấy phủ Nội vụ làm điểm chính để quy hoạch toàn bộ điểm kinh doanh trong Đại Nội. TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, cho biết: “Chúng tôi không chỉ dựa vào sự đầu tư của Nhà nước để phát triển và nâng cao các hoạt động dịch vụ mà còn hướng đến phối hợp với cộng đồng, huy động sự tham gia các nguồn lực bên ngoài một cách hợp lý. Điều quan trọng là chúng ta khai thác dịch vụ một cách hiệu quả từ tiềm năng, thế mạnh của từng di sản chứ không phải là thương mại hóa di sản”.

Trong tình hình cả nước chưa thống nhất được mô hình quản lý di sản, thì cách Thừa Thiên Huế ứng xử với Quần thể di tích Cố đô Huế vẫn được đánh giá cao về hiệu quả. Di sản Huế đã và đang thu hút được nhiều mối quan hệ hợp tác quốc tế và nhiều dự án tài trợ quan trọng được nhiều dự án tài trợ quốc tế. Điển hình như dự án được Hoa Kỳ tài trợ 700.000 USD để phục hồi 3 án thờ trong Thế Miếu - mức kinh phí lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực bảo tồn văn hóa mà Hoa Kỳ tài trợ cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thừa Thiên Huế cũng là địa phương duy nhất trong các địa phương có khu di sản thế giới có đại diện tham gia Hội đồng Di sản Văn hoá quốc gia, nhiệm kỳ 2015-2019, cơ quan tham mưu trực tiếp cho Thủ tướng Chính phủ về bảo tồn di sản văn hoá.

Đổi mới để thích nghi

Vấn đề của khu di sản Huế đang khiến nhiều người nhìn vào như một “cỗ máy nặng nề” bởi đang được quản lý với một số lượng biên chế lên đến 700 người. Hiệu quả của các hoạt động phát triển dịch vụ vẫn chưa thực sự tạo nên những đột phá nên đơn vị được trực tiếp giao nhiệm vụ quản lý và bảo tồn các giá trị của di sản - cụ thể là Trung tâm BTDTCĐ Huế, cần tiếp tục đổi mới bộ máy quản lý theo hướng chủ động, linh hoạt và hiệu quả cùng với việc triển khai quyết liệt các dự án trọng tâm, tiếp tục có định hướng lớn cho các hoạt động dịch vụ văn hóa chất lượng tại khu di sản.

Thừa Thiên Huế quyết tâm thực hiện đề án đổi mới mô hình quản lý Trung tâm BTDTCĐ Huế trong năm 2016 theo hướng tách chức năng hoạt động kinh doanh, dịch vụ để thành lập Công ty, hoặc thực hiện xã hội hóa các dịch vụ và hoạt động du lịch tại các điểm tham quan di sản Huế. Các nhiệm vụ quan trọng nhất của Trung tâm BTDTCĐ Huế đều phải hướng đến trọng tâm vào kế hoạch đổi mới mô hình quản lý của Tỉnh ủy.

TS. Phan Thanh Hải chia sẻ: Chúng tôi đang có kế hoạch đề xuất thành lập một trung tâm quản lý thu phí, hoạt động theo cơ chế khoán thu, đảm bảo thu nhiều hơn và có bộ phận giám sát, quản lý tốt hơn các nguồn thu. Đơn vị này nên trực thuộc Trung tâm BTDTCĐ Huế để tiếp tục có sự đồng bộ, phối hợp tốt giữa các phòng, ban trong các hoạt động bảo tồn di sản. Mô hình này cũng đảm bảo Trung tâm BTDTCĐ Huế có thể chủ động trong mọi lĩnh vực công tác.

Thận trọng khi triển khai

Đổi mới như thế nào để bảo vệ, gìn giữ được Quần thể di tích Cố đô Huế, là vấn đề chúng tôi đặt ra để tranh thủ ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa Huế.

Ông Trần Đại Vinh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế, góp ý: Chủ trương của tỉnh là một hướng đi đúng, nhưng thực hiện như thế nào thì cần phải nghiên cứu kỹ và toàn diện. Nếu chỉ chạy theo doanh thu, các khu di sản bị biến thành nguồn lợi kinh tế, khai thác không chừng mực thì dễ vi phạm đến di tích. Tôi nghĩ, cần phải học cách mà các nước đồng văn hoặc những nước trong khu vực đã ứng xử với di sản để áp dụng cho phù hợp, vừa tạo được nguồn thu từ di tích, vừa bảo vệ được di sản. Quan trọng nhất là việc chúng ta làm phù hợp với tâm lý của người dân Huế, cũng như của người dân Việt Nam khi nhìn về Huế.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin, dù mô hình quản lý Quần thể di tích Cố đô Huế hoạt động theo phương thức nào, thì quan trọng là cần thận trọng khi triển khai, đồng thời đảm bảo giải quyết được mối quan hệ giữa quản lý văn hóa và quản lý bảo tồn di tích. Ông nói: Mô hình hiện nay chưa thực sự tốt nhưng đã làm tốt nhiệm vụ của một giải pháp tình thế trong điều kiện cần một cơ quan độc lập trong công tác bảo tồn, tu bổ hệ thống di tích triều Nguyễn sau ngày thống nhất đất nước. Tuy nhiên, mô hình này bộc lộ một vài điểm bất hợp lý. Cụ thể, vì Trung tâm BTDTCĐ Huế trực thuộc UBND tỉnh, độc lập với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên các hoạt động của Trung tâm BTDTCĐ Huế, như xây dựng kế hoạch hoạt động, xây dựng dự án trùng tu, tôn tạo…, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch gần như đứng ngoài. Thậm chí, vì chỉ là một đơn vị sự nghiệp nên khi xảy ra hành vi xâm phạm di tích, thì Trung tâm BTDTCĐ Huế lại hoàn toàn không có chức năng để xử lý những vấn đề mang tính quản lý Nhà nước và điều chỉnh bằng những giải pháp quản lý Nhà nước. Mô hình sắp tới mà lãnh đạo tỉnh đang hướng tới, nếu giải quyết được mối quan hệ giữa cơ quan quản lý văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và cơ quan quản lý sự nghiệp bảo tồn (Trung tâm BTDTCĐ Huế), tạo sự bền chặt cho mối quan hệ này thì sẽ tạo được sức mạnh tổng hợp, sự cộng hưởng trách nhiệm từ các cơ quan chuyên môn.

ĐỒNG VĂN

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuổi trẻ với sứ mệnh bảo tồn động vật hoang dã

Ngày 7/4, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) phối hợp với Trường đại học Nông Lâm (Đại học Huế) tổ chức buổi tọa đàm: Sinh viên với hành động vì động vật hoang dã.

Tuổi trẻ với sứ mệnh bảo tồn động vật hoang dã
Tìm hướng bảo tồn di sản nghệ thuật bài chòi

Sau 5 năm triển khai, Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh dù đạt nhiều thành quả nhưng vẫn đối mặt rất nhiều khó khăn. Trong đó phải kể đến môi trường diễn xướng cho loại hình di sản này vẫn chưa nhiều và có nhiều thay đổi theo chiều hướng hiện đại, chương trình quảng bá chưa rộng rãi nên chưa thu hút người tham gia…

Tìm hướng bảo tồn di sản nghệ thuật bài chòi
Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống

Là địa phương có khá nhiều nghề, nghề truyền thống (NTT) và làng nghề truyền thống (LNTT) nên để khôi phục, bảo tồn và phát triển, TP. Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.

Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống
Return to top