ClockChủ Nhật, 13/01/2019 15:14

Dưới trời ẩm ướt

TTH - Lại nhớ cái hôm bữa đã xa xa, má tôi xách giỏ ra chợ, chỉ mất đà chút xíu khi né con cá quẫy mà bị gãy tay.

1. Là người đàn ông bán phở thuê nhà đầu ngõ. Tôi nhận ra gương mặt đã bắt đầu quen quen khi bước xuống vườn sau giấc ngủ nướng ngày chủ nhật. Không biết lần đầu tiên ông ghé qua là khi nào, nhưng kể từ sau bữa giúp chồng tôi làm lại hàng hiên nơi mái gỗ, giọng nói của ông nghe đã trở nên thường xuyên hơn trong những câu chuyện không đầu không cuối.

“Tui có nề hà chi mô. Việc chi cũng làm rồi gắn với nghề bán phở. Có thể không bằng người ta nhưng chịu khó thì cũng sống được – câu chuyện đột nhiên chuyển sang hướng khác khi một người đàn bà gồng gánh ngang qua trước ngõ - Hồi trước mấy mệ gánh nặng đi qua mấy chỗ gập ghềnh, kiểu chi tui cũng ghé vai gánh giúp một quãng. Có mệ luống cuống bảo, thôi, chú mặc tốt rứa gánh lên dơ áo mất. Để tui cố. Nhưng mình giúp là giúp. Áo thì thay được chớ lỡ người ta bị ngã thì tội biết chừng mô…”. Không biết cái “hồi trước” của người đàn ông ấy là khi nào nữa. Việc đơn giản vậy thôi, ấm lòng vậy thôi nhưng được kể bằng giọng quá vãng. Vì ông ấy đã tuổi tác, hay vì những điều như vậy đã trở thành xa xỉ khi sống nơi thành phố?

2. Chợ bên hông nhà. Chỉ vài chục bước là tới. Chợ cũng nhỏ nên chừng như người mua người bán đã quen và biết đến từng sở thích của nhau. Tôi đi chợ nhiều hơn chồng, mà mấy chị bán cá mé đầu đường lúc nào cũng mời, mua đi vợ chú L. Nhà cô hay ăn tôm đầm, cá con như ri nì. Hôm nay cá chép chưa có trứng mô, mai cô ghé hỉ. Phía trong chợ, cô hàng thịt đã hỏi ngay khi mắt vừa thấy tôi: “Mệ ngoại khỏe không chị? Mấy lâu ni không thấy mệ ghé nơi?”. Không mang theo tờ giấy tính tiền mớ hàng đã được ship tận nhà hôm trước theo gọi hàng của ngoại, chị hàng xén vừa lật lật cuốn sổ, vừa bảo “Can chi mà lo em. Đây rồi nì!” Tôi nhìn thấy hai chữ “Mệ đài” chễm chệ đầu trang. Tự nhiên buồn cười vì một danh xưng mới của má mình. Nhưng mà vui, thật ra, người ở chợ chỉ cần một định hình nơi chốn cho dễ nhớ vậy thôi, chớ họ đã quen thuộc cánh cổng, những bậc cầu thang dẫn lên nhà, vào bếp của khách. Nhớ hôm nào mang gạo sang, chồng chị tiện tay nói để con dọn luôn nhánh tre ni cho mọi người dễ đi. Rồi dặn với lên khi xe máy đã rồ ga: Con để số điện thoại nơi chị trên nhà. Cần chi ngoại cứ gọi, con mang tới liền. Ngoại đi lụm đụm có ngày té như hôm bữa…

Lại nhớ cái hôm bữa đã xa xa, má tôi xách giỏ ra chợ, chỉ mất đà chút xíu khi né con cá quẫy mà bị gãy tay. Thì cũng đã 85 tuổi rồi. Người nơi chợ đã xúm vô đưa ngoại về. Ngoại đã buồn hoài. Sau này, dù đã dặn dò rất kỹ và giao hẳn chuyện chợ búa cho con gái tôi, nhưng thi thoảng ngoại lại “lén” xách giỏ lên. Tôi biết má mình nhớ không khí và những bạn hàng ở chợ. Có hôm ngoại còn được một người tôi không hề biết xách hộ giỏ và “hộ tống” tận cửa. Biết má mình nhớ chợ còn vì những ân tình giữa chốn lao xao.

3. “Không ai đánh cắp được điều tốt đẹp” là câu chuyện của đạo diễn Việt Linh trên tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn online. Chuyện ngắn xíu thôi mà chở cả ân tình đã được nhen giữ trong 30 năm. Từ một bức thư viết tay chị hồi âm lại với những lời khuyên hãy thử làm điều mình khát khao cho một cô bé trước ngưỡng vào đời và sự va đập với những áp lực, mong muốn, kỳ vọng của gia đình. Cô bé đó chính là người luôn dành cho đơn vị nghệ thuật mới toanh của chị những điều quan tâm, khích lệ trên một tờ báo có uy tín mà cô là phóng viên. Là người luôn dành cho chị những ánh nhìn ấm áp mỗi khi gặp gỡ. Những điều đó đã được nhen lên khi cô tìm được niềm tin để chọn con đường mình đi, dù cô đã không hiểu vì sao một người nổi tiếng, lắm công nhiều việc lại có thể viết thư hồi âm với những lời khuyên chân tình cho một người xa lạ là cô…

Tôi đọc câu chuyện này khi chiều đã xế. Thấy không còn lạnh lẽo nữa, không phải vì trời đã ngưng mưa dù vẫn ẩm xám sau những ngày rét mướt.

MỘC TRÀ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top