ClockChủ Nhật, 16/08/2015 08:46

“Gửi… xinh tươi”, tiếng thơ vọng giữa nồng nàn

TTH - Kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ, nhà báo Thái Ngọc San, gia đình và bạn bè đã tuyển chọn những bài thơ tình của anh, trong đó có những bài thơ đã in trên các báo, tạp chí văn học trước và sau 1975, những bài thơ ghi trong sổ tay được gia đình lưu giữ và chưa từng được công bố, in thành tập “Gửi… xinh tươi” để tưởng nhớ anh.

Tập thơ ra mắt trước sự chứng kiến của đông đảo bạn bè và những người yêu quý anh trong một chiều đầu tháng 8/2015. Nhiều người trong buổi kỷ niệm và giới thiệu tập thơ, đã nhắc lại hình ảnh nhà thơ, nhà báo Thái Ngọc San từng lưu dấu giữa đất trời xứ Huế. Nhắc lại ngọn lửa trái tim khiến cho những bài thơ của anh từng cháy lên can trường trong “Những đêm không ngủ”, những đêm “Hát cho đồng bào tôi nghe” hào hùng thuở xưa; nhắc lại ngọn lửa trái tim anh trong những bài báo khiến cho những giả dối phải run rẩy, khiến cho những cơ hội phải xấu hổ, và mang lại niềm tin cho tất cả những ai yêu lẽ công bằng…

Nhắc lại ngọn lửa của hành trình đời anh - sự khước từ những giả dối, cơ hội, là hành trình của lòng trung thực, của sự bao dung - để làm một người tốt trong cuộc đời.
Như một câu thơ của anh trước đây: “Tôi đã lớn lên từ một dòng sông/ Dòng sông đã đi qua rất trầm lặng”…; “Gửi… xinh tươi” là một dòng chảy thơ tha thiết của một đời thơ đã đi qua bao ghềnh thác, giờ êm trôi hòa vào giữa lòng hạ lưu xanh yêu dấu; là cái nồng nàn dành cho người thân trong gia đình, cháy lên những chiêm nghiệm dành cho bạn bè, những người yêu quý anh…
Người yêu thơ trước đây từng đọc những bài thơ của Thái Ngọc San can trường trong phong trào đô thị hừng hực lửa đấu tranh, giờ nhận ra một không gian khác, một tâm hồn thênh thang giữa đồng xanh và ý tưởng an nhiên bay lên bình yên trong cuộc sống tình cảm gia đình, lứa đôi, bè bạn.
Gần như đây là lần đầu tiên chúng ta nhận ra có một không gian thơ Thái Ngọc San rất khác; có một nhà thơ Thái Ngọc San rất khác, với những câu thơ tràn ngập tiếng vọng chân trời miền quê:
“Phù Bài
những lần về đây anh muốn ở luôn làm ruộng
đêm nằm gối đầu trên sân gạch
nhà em
với bầy con nít
với đống rơm
hát nghêu ngao chờ trăng mọc
chờ trăng rớt trong mắt em”
(Thấy đâu cũng là trăng)
Một không gian xanh non mà anh từng mơ ước:
“Tôi ngợi ca những cánh đồng mạ non
sương mai lấm hạt
như hạt chuỗi em đeo thời tuổi ngọc
thời con sáo chưa sang sông”
(Đề tặng làng quê)
Như thể anh vừa rời phố thị để về với đồng quê yên ả, về lại với nguyên ủy của tâm hồn.
Và trong không gian ca dao đó, có hình bóng người con gái anh yêu:
“Em sinh ra từ cuộc đời lao động
Tay lấm chân bùn
Như con tràu, con rô dẻ dưới ao đầm
Như bụi chuối, củ khoai, cây chanh, cây khế”
(Con chim đồng nội)
Và nhận chân tình yêu của mình:
“Những gì đã đến với tôi hôm qua
Đã lãng quên theo gió bụi
Chỉ còn có em và nụ cười”
(Gửi… xinh tươi)
Làng quê là nơi anh tỏ bày tình yêu của anh, đơn sơ như tính cách của anh, và câu thơ cũng gạt bỏ những màu mè:
“Anh đạp xe không kịp thở
Về làng em
Cứ lo cho em trăm thứ”
(Những bài thơ không đề)
Để thật chứng tình yêu:
 “Anh đã trút cho em
Cả khối tình của anh
Kết tinh bằng cẩm thạch
Giờ như cây sáo rỗng
Dây đàn chùng
Anh hết khúc tình tang
Tiếng khàn, tiếng đục”
(Giờ anh như giọt nước)
Là nơi anh nói với người yêu và chính là người vợ:
“Anh nói
Anh yêu em nhất đời…
Dẫu chết anh vẫn yêu em nhất đời
D. ơi!”
Lạ thay đối diện với tình yêu đích thực, thơ anh, vì vậy cũng là sự thoát thai cực kỳ đơn giản của tiếng vọng sự thật.
“Gửi… xinh tươi” không chỉ gửi thông điệp yêu thương cho người tình, còn là thông điệp kỳ vọng gửi đến thế hệ sau. Như những câu thơ rất hay:
“Cha mẹ cho con cuộc sống
nhưng con phải sống cuộc đời riêng của con
với thế giới của con
với nhân loại của con
tổ quốc là tiếng nói
từ trái tim của con
 
đừng lặp lại tiếng nói của ai
kể cả của cha
đừng lặp lại mắt nhìn kẻ khác
con phải có tiếng nói của riêng con”
(Bài thơ tặng con)
Nhiều câu thơ hay vọng lại những xa xăm, như là đối thoại với bạn bè, với cuộc đời:
“Có gì tan tác tựa phù vân”
(Màu thiên thu)
“Trăm năm thì cũng như tôi vô thường”
(Ca dao tôi)
Những bài thơ gắn liền với tên tuổi Thái Ngọc San trước đây cũng xuất hiện trở lại trong tập sách: “Những buổi chiều một mình”, “Gửi lại một người tình mây khói”, “Nói với Huế”… là một cách để chúng ta cùng nhớ lại một thời. Cái thời mà những làng quê hòa bình, những non xanh yên ả chỉ là khát vọng, mà chính tác giả và những người yêu nước thời đó đã đấu tranh cho điều cao đẹp ấy.
Vì vậy, khi đến với “Gửi… xinh tươi”, những không gian phái sinh khác nhau của một đời thơ Thái Ngọc San cứ ùa vào, và người đọc sẽ có những giờ phút nhắm mắt lại để cảm nhận từ những cánh cửa mở ra những không gian đầy ắp tình yêu thương rất xanh; để hoài tưởng về những ước vọng khác nhau đã đến, đã từng được chờ đợi…
Bài, ảnh: Hạ Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”

Trong công tác nghiên cứu văn hóa dân gian ở Việt Nam, một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất nửa sau thế kỷ 20 là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh (trong ảnh). Ông thật sự là một học giả uyên bác, một nhà nghiên cứu văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng có những đóng góp quan trọng.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”
Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

TIN MỚI

Return to top