|
Quang cảnh buổi làm việc |
Dự và làm việc với đoàn có UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã thảo luận, làm rõ một số nội dung của Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.
Các ý kiến khẳng định, việc ban hành Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 là cần thiết, phù hợp với quan điểm, định hướng phát triển văn hóa của Đảng trong thời gian qua. Đồng thời, phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược của tỉnh trong giai đoạn 2025 - 2035; góp phần bảo tồn các di sản văn hóa; nâng cao đời sống tinh thần, vật chất và hưởng thụ văn hóa cho người dân, thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
|
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu phát biểu tại buổi làm việc |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cho rằng, Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 là một chương trình lớn, được Đảng và Nhà nước quan tâm, có ý nghĩa quan trọng tạo động lực, nguồn lực cho sự phát triển toàn diện, hài hòa, bền vững của địa phương. Tỉnh đề xuất Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành ở Trung ương quan tâm hỗ trợ vốn từ nguồn vốn ngân sách Trung ương cho các dự án quan trọng như: Hình thành Trung tâm lưu trữ, bảo quản Quốc gia trên cơ sở có sẵn là Thư viện tổng hợp tỉnh, Đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt: Di tích lịch sử Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế (thành phố Huế và huyện Phú Vang), Đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích cấp quốc gia có giá trị tiêu biểu (nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế) trên địa bàn tỉnh...
Thay mặt đoàn công tác, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu để tổng hợp, hoàn thiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, sao cho sau khi ban hành dễ triển khai, dễ tổ chức thực hiện, dễ quản lý nhằm phát huy hiệu quả cao nhất. Từ đó, đảm bảo đầu tư phát triển toàn diện, hài hòa giữa các lĩnh vực hoạt động văn hóa; đảm bảo mục tiêu phát triển văn hóa ngang hàng kinh tế, chính trị, xã hội theo quan điểm xuyên suốt trong các nghị quyết của Đảng.