ClockThứ Sáu, 11/11/2016 17:24

Hải Vân Quan sự “lãng phí” đến hồi kết thúc?

TTH - Vấn đề cấp thiết bây giờ là làm sao để di sản của tiền nhân phát huy giá trị và đừng bị hoang phế thêm nữa...

Phối hợp bảo tồn, phát huy giá trị Hải Vân Quan

Hải Vân Quan hoàn toàn có thể trở thành “điểm nhấn” du lịch. Ảnh: Huy Khánh

Phấn khích và não lòng

Từ hồi hầm đường bộ Hải Vân thông lối, đường đi Đà Nẵng tiện lợi hơn, an toàn hơn, thời gian đi cũng nhanh hơn. Đèo Hải Vân gần như chỉ còn dành cho khách du lịch, dân mê "phượt" và xe siêu trường siêu trọng. Tôi thì hay... điên điên, hơn trăm cây số đường bộ Huế - Đà Nẵng, mỗi khi có dịp chạy xe máy là lại chọn đường đèo mà phóng. Cảm giác thật đã khi đi giữa phóng khoáng mây trời gió núi. Và nhất là nếu thích, có thể tùy nghi dừng xe trên đỉnh, leo lên thăm cửa ải Hải Vân - Thiên hạ đệ nhất hùng quan lừng danh sách sử.

Hải Vân Quan được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (Bính Tuất -1826) ngay trên đỉnh đèo. Đại Nam thực lục chính biên ghi: “Phía trước, phía sau đều đặt một cửa quan (Ngạch trước viết ba chữ “Hải Vân quan”, ngạch sau viết 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”). Cửa trước cao và dài đều 15 thước, ngang 17 thước 5 tấc, cửa sau cao 15 thước dài 11 thước, ngang 18 thước 1 tấc, cửa tò vò đều cao 10 thước 8 tấc, ngang 8 thước 1 tấc. Phía tả hữu cửa quan xếp đá làm tường, trước sau tiếp nhau. Phái biền binh 4 đội Hữu sai và 2 đội Ứng sai chở súng ống đến để đấy (súng quá sơn bằng đồng 5 cỗ, ống phun lửa 200 ống, pháo thăng thiên 100 cây và thuốc đạn theo súng). Chuẩn định từ Hải Vân trở ra Bắc thuộc quản hạt Thừa Thiên, từ ngoài Hải Vân trở vào Nam thuộc quản hạt Quảng Nam”. Cái tên “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” được tương truyền là do vua Lê Thánh Tông cách đây hơn 500 năm, trong một lần chinh Nam đã dừng chân trên đỉnh Hải Vân và cảm khái mà đặt.

Rất nhiều đoàn khách du lịch tìm đến với Hải Vân Quan

Xưa, Hải Vân Quan được xác định là một vị trí chiến lược xung yếu của Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế về quân sự cũng như giao thông bằng đường bộ; là cửa ngõ phía nam của vùng đất này. Thời chiến tranh về sau, tuy “đường thiên lý” (Quốc lộ IA) được nắn tuyến không còn xuyên qua Hải Vân Quan nữa, nhưng cả người Pháp và người Mỹ đều nhận rõ vị trí quan yếu của cao điểm này. Do vậy, họ đã cho thiết lập tại đây hệ thống lô cốt, công sự liên hoàn kiên cố để án ngự, kiểm soát tuyến giao thông huyết mạch. Dấu tích của những trận giao tranh quyết liệt vẫn còn hiện hữu trên từng mảng tường, ô gạch...

Nhà thờ đổ nát và pháo đài ở Malacca (Malaysia) khai thác du lịch cực tốt

Đã rất nhiều lần đến đây, không lần nào là tôi không bắt gặp du khách ghé thăm. Khách Âu Mỹ, khách Á Phi, khách nội địa... đủ cả. Trông họ có vẻ thích thú khi được đắm mình trong mây mù gió lạnh của chốn quan ải xưa, ai cũng cố gắng lưu lại một vài bức hình, một số đoạn phim nơi hùng quan đệ nhất. Càng thấy sự phấn khích của du khách, lại càng thấy não lòng cho di tích Hải Vân Quan đang ngày càng xập xệ, xuống cấp. Dây leo và xói lở. Hoang phế và mất vệ sinh. Trực diện đập vào mắt tôi mỗi khi đến đây bao giờ cũng chỉ như vậy, không hơn không kém. Bỗng lo sợ đến một ngày nào đó di tích này sẽ trở thành phế tích. Lúc đó thì sao nhỉ? Nuối tiếc ư? Vậy sao chúng ta không hành động ngay từ bây giờ, quản lý, tôn tạo và phát huy khai thác thật tốt điểm di tích tuyệt vời này?

Điểm nhấn trên con đường di sản miền Trung

Trong một lần nghỉ chân ở một quán nước dưới chân Hải Vân Quan, tôi vu vơ ướm hỏi những người buôn bán tại đây vì sao di tích không người coi ngó chăm sóc, thì ai cũng bảo ấy là do "chưa phân định được" địa giới. Nghe có vẻ hơi kỳ cục. Nó là cái cổng trấn giữ phía nam của kinh đô thì tất thuộc kinh đô, cũng như cái cổng của nhà nào thì thuộc nhà ấy, sao lại còn nói chuyện phân định ở đây nhỉ?

Tìm đọc thì thấy các nhà nghiên cứu cũng đã trích dẫn nhiều tài liệu rất cụ thể. Tác giả Thệ Thủy trong bài viết "Hải Vân sơn và Hải Vân Quan trong thư tịch cổ", ngoài trích dẫn, lý giải địa giới Hải Vân Quan trong các ghi chép của Dương Văn An, Lê Quý Đông, chúa Nguyễn Phúc Chu..., đã đề cập thêm rạch ròi và thuyết phục về câu chuyện địa giới của Hải Vân Quan: "Về mặt quản lí và canh phòng tại cửa ải Hải Vân, sách Đại Nam nhất thống chí cho biết: “Đầu đặt một viên phòng thủ úy đóng lâu, biền binh thì hàng tháng thay đổi; năm thứ 17 (1836), đặt hai viên phòng thủ úy mỗi tháng thay đổi một lần, biền binh thì cứ 15 ngày thay đổi; lại cấp cho thiên lí kính (ống nhòm) để xem ngoài biển, phàm thuyền nước ngoài vào cửa biển Đà Nẵng thì phải báo trước cho cửa quan này. Năm thứ 17 đúc cửu đỉnh, khắc tượng vào Dụ đỉnh". Biền binh lấy ở các quân Hữu Sai và Ứng Sai; Hữu Sai thì có 5 đội thuộc vệ Cẩm Y, 4 đội thuộc vệ Giám Thành, Ứng Sai thì thuộc vệ Giám Thành.

Như vậy, Hải Vân quan do chính viên đề đốc Kinh thành quản lí, dưới quyền quan phủ doãn phủ Thừa Thiên. Sau khi xây dựng xong cửa ải này, triều đình chuẩn định “Từ cửa quan trở về Bắc thuộc quản hạt phủ Thừa Thiên, ngoài cửa quan trở về Nam thuộc quản hạt tỉnh Quảng Nam”. Vì thế, sách Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn mới liệt cả núi Hải Vân lẫn cửa Hải Vân vào quyển Kinh sư – Thừa Thiên phủ.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cũng dẫn các sử liệu như Phương đình dư địa chí của Nguyễn Văn Siêu, Đại Nam nhất thống chí... thì từ thời Trần đến thời Lê sơ (TK 14-TK17)  châu Hóa là vùng đất từ Thừa Thiên Huế kéo dài đến phủ Điện Bàn, như vậy thời đó núi - đèo Hải Vân thuộc về châu Hóa.

Đến thời các chúa Nguyễn mới cắt phủ Điện Bàn nhập vào dinh Quảng Nam và đến thời Gia Long trở về sau thì chia nửa đỉnh Ải Vân về bắc thuộc địa phận huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên, nửa đỉnh về nam thuộc địa phận huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Chuẩn định phía bắc ải thuộc quản hạt Thừa Thiên, phía nam ải thuộc quản hạt Quảng Nam. Theo ông Sơn, Hải Vân Quan là 1 công trình quân sự quan trọng để bảo vệ kinh đô Huế về phía nam, trực thuộc bộ Binh ở kinh đô quản lý, bổ dụng 1 quan võ giữ chức Phòng thủ úy hàng ngũ phẩm chỉ huy quân lính canh giữ thường xuyên. Dó đó ngày nay nên giao cho Trung tâm BTDT Cố đô Huế quản lý. Ý kiến này cũng trùng hợp với một số người am hiểu, họ cho rằng, các di tích ở Huế gọi là quần thể di tích Cố đô, đó là một tổng thể thống nhất, rất không nên tách một cái Hải Vân Quan "lạc bầy" ra khỏi tổng thể ấy...

Tất nhiên, câu chuyện địa giới vẫn đang chờ ý kiến cơ quan hữu trách. Vấn đề cấp thiết bây giờ là làm sao để di sản của tiền nhân phát huy giá trị và đừng bị hoang phế thêm nữa. Rất mừng là mới đây, ngành Văn hóa - Thể thao của 2 địa phương Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng đã ngồi lại với nhau, và câu chuyện được đặt lên bàn nghị sự. Ai từng có dịp đến thăm vùng eo biển Malacca của Malaysia mới thấy. Ở đó có một pháo đài xưa cũ, một ngôi nhà thờ bị đạn bom chiến tranh hủy hoại. Nhưng chúng đã được biến thành một khu du lịch đầy ấn tượng và nườm nượp khách thăm. Hải Vân Quan cũng hoàn toàn có thể trở thành một điểm nhấn như vậy trên hành trình di sản miền Trung, vậy nhưng lại bị "bỏ quên" từ lâu nay, đã đến lúc sự lãng phí rất đáng tiếc đến hồi kết thúc? Mong thay...

Huy Khánh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kết nối di sản

Sự kiện đoàn tàu chạy chuyên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung” được vận hành vừa qua hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội lớn. Song, để duy trì và khẳng định được tính “kết nối di sản” thì cần nhiều yếu tố, bởi đây không phải là lần đầu tiên mô hình này được áp dụng.

Kết nối di sản
Tuổi trẻ kiến trúc với di sản

Liên hoan Sinh viên Kiến trúc toàn quốc là hoạt động được tổ chức hai năm một lần (bắt đầu từ năm 1988) bởi Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Đây là hoạt động truyền thống có tầm vóc, quy tụ các trường đại học đào tạo ngành kiến trúc trên cả nước, là cơ hội thể hiện tài năng sáng tạo và hội nhập của các kiến trúc sư tương lai khi còn khoác áo sinh viên.

Tuổi trẻ kiến trúc với di sản
Một cuộc đời ngừng lại, nhiều sự sống thắp lên

Chiều 8/4, tại Hà Nội, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia (TTĐPGTQG) tổ chức họp báo thông tin “Điều phối đa tạng của bệnh nhân chết não từ bệnh viện tuyến tỉnh”. Đây là trường hợp mà 3 tạng hiến (tim, gan, thận) được ghép cho 3 bệnh nhân tại Huế ngày 2/4.

Một cuộc đời ngừng lại, nhiều sự sống thắp lên
Tìm hướng bảo tồn di sản nghệ thuật bài chòi

Sau 5 năm triển khai, Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh dù đạt nhiều thành quả nhưng vẫn đối mặt rất nhiều khó khăn. Trong đó phải kể đến môi trường diễn xướng cho loại hình di sản này vẫn chưa nhiều và có nhiều thay đổi theo chiều hướng hiện đại, chương trình quảng bá chưa rộng rãi nên chưa thu hút người tham gia…

Tìm hướng bảo tồn di sản nghệ thuật bài chòi
Return to top