ClockThứ Tư, 30/03/2011 20:00

Huế - Kinh đô ẩm thực?!

TTH - Tháng 8/2007 khi đến Việt Nam, ông Philip Kotler, “cha đẻ” của marketing hiện đại, đã gợi ý về “bếp ăn của thế giới” như là một trong những chọn lựa của Việt Nam khi xây dựng thương hiệu quốc gia. Cũng từ đó, ý tưởng xây dựng thương hiệu quốc gia: “Việt Nam - Bếp ăn của thế giới”? đã được đặt ra.

Một số tờ báo có uy tín tiến hành lấy ý kiến các chuyên gia tâm huyết về vấn đề này... Tuy nhiên, đến nay câu chuyện trên còn bỏ ngỏ. Hướng tới Festival Nghề truyền thống Huế 2011 với chủ đề “Bếp Việt trong vườn Huế”, tại sao chúng ta không nghĩ đến việc xây dựng thương hiệu về ẩm thực cho du lịch, dịch vụ trên vùng đất cố đô. Có thể là: “Huế - Kinh đô ẩm thực” hoặc “Huế - Bếp ăn của Việt Nam”?

Thừa Thiên Huế đã chọn du lịch dịch vụ là lĩnh vực ưu tiên đầu tư trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đây là công nghệ của khám phá và thưởng ngoạn, thực chất là nghệ thuật của nhu cầu ĂNCHƠI. Từ lâu, Huế được xác định là vùng đất giàu tiềm năng về du lịch dịch vụ. Cùng với các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể đã được UNESCO công nhận, Huế còn có di sản về văn hoá ẩm thực nổi tiếng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, không ít du khách và cả người dân Huế cảm thấy lúng túng khi chọn một điểm đến cho nhu cầu ăn uống của mình. Đây quả là một nghịch lý(!)


Dịch vụ Cơm cung đình ở KS Hương Giang         
Từng là kinh đô của nước Việt, Huế là nơi hội tụ nhân tài bốn phương, trong đó có không ít bậc thầy về nghệ thuật ẩm thực của cả nước.
Với trí sáng tạo và bàn tay tài hoa của các nghệ nhân từ dân dã đến kinh kỳ và chốn tu hành... nghệ thuật ẩm thực đã được nâng lên thành một di sản quí báu của người dân Huế. Trong số 1.700 món ăn của Việt Nam được thống kê, Huế đã có tới 1.300 món với 3 hệ: ẩm thực cung đình, ẩm thực chay, ẩm thực dân dã. Mỗi hệ ẩm thực có hàng trăm món với những chất liệu, cách thức chế biến, bày biện vô cùng phong phú, đa dạng và tinh tế gắn liền với nhu cầu dinh dưỡng, thưởng thức của thực khách. Trong di sản ẩm thực Huế, người ta có thể kể đến hàng trăm loại bánh Huế, chè Huế, cháo Huế, cơm muối Huế... Có lẽ vì thế, Huế là nơi duy nhất có “Thực phổ bách thiên” và các lớp đào tạo về nữ công gia chánh... Ngày nay, nghệ thuật ẩm thực Huế được nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân ẩm thực như Tôn Nữ Thị Hà, Hoàng Thị Như Huy, Hồ Hoàng Anh, Lê Thị Mẫn... và hàng trăm đầu bếp của các khách sạn, nhà hàng, quán ăn... trên địa bàn tỉnh và trong cả nước.
Có lẽ không ai phủ nhận giá trị di sản văn hoá ẩm thực của Huế. Nhưng để Huế trở thành “Kinh đô ẩm thực” hoặc “Bếp ăn của Việt Nam” là cả quá trình với nhiều việc phải bàn và phải làm. Tỷ như, phải xây dựng được các bộ thực đơn ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều, ăn tối, ăn khuya...; thực đơn theo mùa; thực đơn ăn uống để chữa bệnh; thực đơn cơm cung đình, thực đơn chay, thực đơn cơm dân dã; các món bánh, chè, cháo... Đi cùng với đó là tiêu chuẩn về chất lượng, dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm... và cả việc xây dựng các vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu, các tiêu chuẩn cần thiết. Ngoài ra, phải tính đến việc xây dựng các mô hình nhà hàng, quán ăn đặc trưng; vấn đề đào tạo nhân lực để có phong cách phục vụ mới... Ở góc độ marketing, cần đầu tư cho công tác xây dựng, quảng bá thương hiệu... Nhiều ý kiến cho rằng, để xây dựng thương hiệu xứng tầm quốc gia cần phải kết hợp mối quan hệ 5 nhà: nhà nước (các cơ quan chức năng); nhà kinh tế (doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh), nhà văn hoá (nghiên cứu về văn hoá, lịch sử, con người...), nhà khoa học (về tiêu chuẩn chất lượng, dinh dưỡng, sức khoẻ, xây dựng vùng nguyên liệu...), nhà báo (vai trò truyền thông trong việc nâng cao nhận thức của công chúng, quảng bá...). Xây dựng và quản lý thương hiệu địa phương và quốc gia được tiến hành do một tổ chức thuộc quyền quản lý nhà nước về thương mại có thẩm quyền xác lập các tiêu chí và giải pháp thực hiện, quản lý hiệu quả với sự tham gia của nhiều bên liên quan trong mối quan hệ vì lợi ích chung. Bởi nếu thành công, thương hiệu “Kinh đô ẩm thực” “Bếp ăn của Việt Nam” của Huế sẽ không chỉ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế du lịch dịch vụ, mà còn tạo ra động lực mới cho nền sản xuất nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác của tỉnh.
Để chắp cánh cho du lịch, dịch vụ Huế, chúng ta cần xây dựng thương hiệu cho ẩm thực Huế.
Hoàng Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top