ClockThứ Ba, 22/06/2010 14:01

Kedung Wringin- đường về còn xa

TTH - Kusmiyali đứng bất động hồi lâu bên cửa sổ, hai bàn tay áp vào tấm kính trong suốt, nhìn trời đăm đăm. Trận mưa chiều vừa tạnh, trời quang hẳn, có thể nhìn thấy bãi cỏ công viên dưới kia đẫm nước mưa mát rượi, bù lại những ngày nắng oải khô hanh vừa qua.

Những trận mưa đầu mùa bao giờ cũng cho ta cảm giác được gột rửa, uyên nguyên. Căn hộ rộng thênh này nằm ở mãi tận tầng 16 nhà 728 khu Jurong West. Ngoài kia, vẫn là những tòa nhà chọc trời. Có lẽ đây là những phút giây thảnh thơi hiếm hoi của cô, vì cụ ông vừa uống thuốc xong, đang lịm ngủ, tiếng rên hừ… hừ… chậm đều. Tôi tưởng chừng mất cả thế kỷ mới uống xong chén trà Tàu còn ấm nóng trong lòng bàn tay. Đột nhiên, Kusmiyali quay lại, thần giọng lạc đi trong ánh chiều muộn:

- Em nhớ con gái em, bác sĩ à. Hôm nay nó tròn bốn tuổi đấy, tội nghiệp.
 
 Thì ra nãy giờ Kusmiyali đang trông về cố xứ. Cô cố dõi tìm đằng sau những tòa nhà chọc trời kia, sau những đám mây trắng xốp với những hình thù kỳ quái vô nghĩa kia…, một đường chân trời xa xăm. Đâu rồi, ngôi làng Kedung Wringin hèn mọn của cô?
 
- Hồi em đi, nó mới bảy tháng tuổi, chưa biết gì. Sau thời gian chăm ông cụ trước, đến khi cụ mất em về thăm nhà, nó không biết em là ai. Nó khóc ré lên vì sợ. Chồng em dỗ mãi nó mới lấm lét nhìn em là mẹ.
 
Kusmiyali năm nay 36 tuổi, dáng người thấp đậm, nét khắc khổ trên khuôn mặt gầy xọm, hai gò má nhô cao mà chỉ có nụ cười hiền hậu của cô mới có thể khỏa lấp được.
 
Tôi chợt nhận ra nụ cười ấy quen thuộc làm sao, ở quê tôi đầy, trên những gương mặt cần lao sớm tối. Ôi, nụ cười của những người dân quê nghèo, nụ cười của những niềm vui không tròn đầy! Công việc hằng ngày của cô chỉ có vậy: nấu ăn, quét dọn, và đặc biệt phần lớn thời gian là chăm sóc cụ ông Tee Khan Boon năm nay 75 tuổi. Cụ là bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, khối u hốc miệng sùi loét đã ăn lan ra đến da vùng cằm và má, và đã di căn đến phổi. Suốt ngày cụ chỉ nằm một chỗ, không ăn gì được, người gầy trơ xương. Tuy vậy, thói quen hút thuốc 50 năm nay thì không bỏ được, đến giờ cụ có thể hút đến nửa gói Malboro một ngày. Và thêm hai lon bia! Tôi ngao ngán nhìn những lon bia xanh và những bao thuốc lá sắp đầy trên bàn. Đến giờ phút này không thể ngăn cấm cụ ông tiếp tục xài những thứ này được. Hình ảnh cảnh báo nguy hại của việc hút thuốc lá trên những bao thuốc ở Singapore trông kinh khủng khiếp, không như bao thuốc lá “thân thiện” ở Việt nam. Một cái miệng há to, hai hàm răng đen xịt, khối u trong miệng sùi loét trông thật ghê rợn. Vậy mà người Singapore vẫn hút thuốc rất nhiều, kể cả phụ nữ.
 
Có lần tôi nói điều này với PGS- TS Cynthia Goh, cô giáo của tôi ở Trung tâm Ung thư Quốc gia Singapore. Bác sĩ Goh công nhận là đúng và nói thêm: “Đây là một thói quen xấu của người Sing, nhất là ở các cô gái trẻ, học đòi theo phương Tây. Mặc dù thuốc lá là mặt hàng bị đánh thuế rất cao nhưng các nhà máy vẫn cứ sản xuất liên tục, sản lượng tăng hàng năm vì lợi nhuận quá lớn”. Nhiều đêm tôi đi lang thang dọc khu phố mua sắm đông đúc Orchard Road, thấy nhiều, rất nhiều cô gái trẻ Singapore phì phèo điếu thuốc trên môi. Chả bù, tỷ lệ những loại ung thư liên quan đến việc hút thuốc lá ở Singapore còn cao như vậy.
 
BS Phạm Nguyên Tường ở Singapore
 Trở lại với cụ ông người gốc Tàu Tee Khan Boon. Cụ có bốn người con: ba trai một gái, nhưng giờ đây không có ai ở với cụ cả. Người nào cũng có công ăn việc làm ổn định, kiếm được nhiều tiền. Họ mới mua căn hộ này tháng trước và chuyển cụ ông đến đây cùng với người hầu gái (maid). Chính là Kusmiyali. Thỉnh thoảng một trong số họ tạt qua xem tình hình cụ ông thế nào.
 
Hồi mới qua Sing, lần đầu tiếp cận với những bệnh nhân và gia đình như vậy, tôi sốc thực sự, thậm chí có ác cảm. Nó khác hoàn toàn với Việt nam, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Ngẫm lại thì thật không dễ dàng, chỉ là một thực tế phải chấp nhận trong cuộc sống hiện đại. Phận làm con, có ai không thương yêu cha mẹ? Nhưng họ còn phải lo quay cuồng với cuộc sống hàng ngày. Có những người khi bố hay mẹ trở bệnh nặng phải đưa vào bệnh viện họ thậm chí không biết tý gì về diễn tiến bệnh tật ra sao, tất tần tật đều phải nhờ đến maid.
 
Tôi đã gặp Atik, Ipa… những cô gái trẻ đến từ những ngôi làng nghèo khó ở Philippines, Indonesia xa xôi đang chăm cho những cụ ông cụ bà ở bệnh viện. Cũng may, Singapore có một hệ thống chăm sóc y tế thật tuyệt vời, đặt biệt dành cho những người già cả, neo đơn, những người mắc các chứng bệnh mạn tính. Khi có vấn đề gì, chỉ cần nhấc máy gọi, sẽ có xe đón ngay vào các bệnh viện hay các dưỡng đường (hospice). Thực sự đây là một vấn đề đáng học hỏi. Nhà nước chăm lo y tế cho mọi người dân, tất nhiên với các mức trợ cấp khác nhau, nhằm giúp những người thân của bệnh nhân nhẹ gánh để còn lo công việc.
 
Đối với người Sing, công việc là trên hết! Tôi đã thấy một đội ngũ những người trong hệ thống chăm sóc y tế hùng hậu như thế nào, từ các bác sĩ đủ các chuyên ngành, điều dưỡng cho đến những người làm công tác xã hội, và đặc biệt vô cùng nhiều, những tình nguyện viên. Tất cả đều hết sức chuyên nghiệp. Tất nhiên không thể nói là gia đình phó mặc mọi thứ cho họ. Gia đình cũng lo, nhưng rõ ràng gánh nặng đã được san sẻ rất nhiều. Cuối cùng, họ có lý. Ở Việt nam, tôi từng thấy rất nhiều những gia đình chăm sóc cho người thân bị ung thư giai đoạn cuối đã phải vất vả lao lực như thế nào. Đến khi người bệnh mất đi, gánh nặng đâu đã hết: các thành viên trong gia đình rơi vào tình trạng stress nặng, trầm cảm, mệt mỏi bơ phờ đến nỗi không thể làm được việc gì, là hậu quả của chuỗi ngày dài triền miên chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện cũng như ở nhà. Một nguồn sinh lực lớn đã mất đi, rõ ràng là từng cá nhân và cả xã hội đều bị ảnh hưởng. Chỉ mong sao một người khi đối diện với những mất mát, kể cả mất mát lớn lao nhất, họ cảm thấy được sẻ chia, và được sẻ chia thực sự, đích đáng, để điều quý nhất là cuộc sống vẫn tiếp tục tiến về phía trước trong niềm yêu thương không suy suyển.
 
Cụ ông Tee Khan Boon thuộc “biên chế chăm sóc” của dưỡng đường Assisi. Y tá đến nhà thăm bệnh (home visit) hàng tuần. Thỉnh thoảng bệnh trạng có vấn đề gì phát sinh, y tá sẽ báo cho bác sĩ đến khám để điểu chỉnh thuốc. Lần này tôi phải đến thăm ông cụ vì tinh thần cụ không được tốt. Cụ ông đột ngột cáu bẳn, bực bội, không chịu uống thuốc. Bao nhiêu thuốc Kusmiyali đưa, cụ ném cả vô góc nhà. Hóa ra là vậy: cụ ông người gốc Tàu, lại nói tiếng Quảng Đông (Cantonese) trong khi Kusmiyali chỉ có thể nói được một ít tiếng Anh. Cụ ông nói gì cô không hiểu. Cô nói gì cụ cũng không hiểu. Chỉ có thế mà thành ra cơ sự.
 
Kusmiyali phân trần:
 
 - Em đến khổ với ông cụ, bác sĩ à. Cũng tại em tệ, chăm cụ gần nửa năm trời vẫn không rành tiếng.
 
Ở Singapore, bác sĩ chuyên ngành Chăm sóc triệu chứng (Palliative Care) cho bệnh nhân ung thư như tôi đang học đây phải giải quyết cả những vấn đề như vậy nữa. Một bênh nhân ung thư giai đoạn cuối, không chỉ đối mặt với các triệu chứng như đau đớn, khó thở, khó nuốt, nôn mửa, táo bón, v.v… mà còn cả những vấn đề về tâm lý, xã hội và tinh thần. Chúng tôi phải học để tìm cách tháo gỡ những vấn đề như vậy, tất nhiên phải phối hợp với các thành viên gia đình và các lực lượng xã hội khác như linh mục, thầy tu, các tổ chức thiện nguyện…, mục đích tối thượng là giúp bệnh nhân có được những ngày tháng cuối cùng thật sự an lành trong cả thể xác lẫn tâm hồn.
 
Tôi nói để an ủi Kusmiyali:
 
 - Thôi cô đừng tự trách mình mãi. Hãy cố gắng thêm một chút thôi rồi mọi chuyện sẽ tốt hơn. Tôi tin cô sẽ làm được mà!
 
Hàng năm có hàng trăm phụ nữ từ các nước như Philippines, Indonesia,… và cả Việt nam(?) sang Singapore giúp việc nhà, chăm nuôi người già cả, bệnh tật. 300 đô la Sing một tháng “chẳng là gì” ở một đất nước “nhỏ mà đắt đỏ” như Singapore nhưng với những ngôi làng nghèo khó heo hút xa xôi của xứ ASEAN đang toàn cầu hóa này vẫn là cả một món tiền trong mơ. Kusmiyali phải rời xa chồng con để có được nó. Atik, Ipa… phải xa bố mẹ anh em, phải bỏ dở học hành để có được nó. May mắn họ vào được một gia đình tốt. Còn không thì…

Một góc Singapore
 
Tôi nhớ một tờ báo Singapore hôm nọ đưa tin có người giúp việc bị cả ông chủ lẫn bà chủ đánh đập hành hạ đến thương tích đầy mình trong suốt một thời gian dài. May mà nhà chức trách biết được, phạt nặng đôi vợ chồng chủ nhà kia đến 10 ngàn đô la để được tại ngoại.
 
Sau cụ ông Tee Khan Boon này rồi Kusmiyali sẽ đến đâu? Cô có đủ tiếng để hiểu và phục vụ những người chủ mới? Tôi đã nói với Kusmiyali rồi. Cô làm được mà. Vì sau lưng cô, là ngôi làng Kedung Wringin nghèo khó. Vì trong đôi mắt mờ đục xa xăm của cô, là cô con gái bé bỏng tội nghiệp thiếu hơi ấm mẹ hiền, là người chồng cũng phận hèn lam lũ như cô. Cô kể: anh ấy hàng ngày kéo xe thuê cho chủ hàng rau quả từ quê ra chợ. Năm ngoái bị bánh xe cán dập một góc bàn chân, chạy chữa cả năm trời, đến nay vẫn còn đi cà nhắc.
 
Cô nói: “Em về thăm nhà, anh ấy bế con gái chạy ra đón em, cứ sợ ngã thôi…”. Rồi cô cười mếu máo.

Phạm Nguyên Tường

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”

Trong công tác nghiên cứu văn hóa dân gian ở Việt Nam, một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất nửa sau thế kỷ 20 là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh (trong ảnh). Ông thật sự là một học giả uyên bác, một nhà nghiên cứu văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng có những đóng góp quan trọng.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”
Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
Return to top